Nín thở xem những clip sinh mổ ngôi ngược do bác sĩ sản khoa chia sẻ

H.Thanh,
Chia sẻ

Hình ảnh đôi chân bé tí xíu của em bé đang đạp liên hồi ngay trên vết mổ trong khi toàn bộ cơ thể vẫn nằm trong bụng mẹ trong một ca sinh mổ ngôi ngược khiến người xem thực sự ấn tượng.

Mới đây, bác sĩ Jham Frank Lugo, làm việc tại Trung tâm sinh sản Cenfer ở Venezuela đã đăng tải hai clip ghi lại cận cảnh hai ca sinh mổ ngôi ngược. Một clip là ca sinh mổ ngôi ngược với chân em bé chui ra trước, một clip khác là mông thai nhi ra ngoài đầu tiên.

Sau khi hai chân em bé đã ra ngoài, bác sĩ phải khéo léo đưa phần thân rồi hai tay, vai và cuối cùng là đầu thai nhi ra khỏi bụng mẹ.

Tận mắt chứng kiến cả hai ca sinh mổ ngôi ngược này có thể thấy các bác sĩ cũng gặp không ít khó khăn khi đưa em bé ra ngoài. Việc thai nhi nằm ở vị trí không thuận lợi nên khi mổ đẻ, toàn bộ phần thân dưới của em bé được ra ngoài trước, nhưng đến phần đầu - phần to nhất của thai nhi thì như mắc kẹt lại trong bụng mẹ. Bởi thế, hai ca sinh mổ ngôi ngược này đều mất nhiều thời gian hơn. Các bác sĩ đã phải xoay người bé, đặt tay vào bên trong bụng mẹ để nắm giữ cơ thể bé ở vị trí thuận lợi nhất mới có thể từ từ đưa phần đầu bé ra ngoài.

Thông thường, các thai nhi thường có đủ chỗ trống trong bụng mẹ để thỏa thích "nhào lộn" trong nước ối. Nhưng vào thời kỳ cuối, các bé thường chọn cho mình một vị trí cố định để nằm yên trong hai tuần trước khi chào đời. Theo thống kê, khoảng 95% thai nhi nằm ở vị trí quay đầu xuống dưới (thai ngôi thuận) và 5% thai nhi nằm quay đầu lên trên, chân hoặc rau thai xuống dưới, hay còn gọn là thai ngôi ngược.

Trong ca sinh mổ này, mông em bé ra ngoài trước tiên.

Thai ngôi ngược thường xuất hiện ở những bà mẹ có khung chậu hẹp, rau bám thấp, tử cung không bình thường (tử cung phát triển không đầy đủ, tử cung hình ống, tử cung đôi,…) hoặc do nước ối ít khiến thai nhi không thể quay đầu khi gần đến ngày sinh. Để phát hiện ra thai ngược, bác sỹ dùng tay sờ nắn chẩn đoán và sau đó chỉ định siêu âm để xác nhận cho thật chính xác.

So với thai ngôi thuận, thai ngược khiến cả mẹ và bé đối mặt với khó khăn hơn khi sinh nở:

- Dễ xảy ra trường hợp sản phụ vỡ nước ối trước khi đau đẻ và cuống nhau sẽ theo nước ối ra ngoài, khiến cho thai nhi bị thiếu ô xy. Khi đó phải tiến hành mổ đẻ ngay để tránh nguy kịch cho thai nhi.

Nín thở xem những clip sinh mổ ngôi ngược do bác sĩ sản khoa chia sẻ - Ảnh 3.

Những hình ảnh ấn tượng khi chân bé đạp liên hồi trên vết mổ của mẹ.

Nín thở xem những clip sinh mổ ngôi ngược do bác sĩ sản khoa chia sẻ - Ảnh 4.

Đầu bé là bộ phận ra khỏi bụng mẹ cuối cùng.

- Thai ngôi ngược khiến cho việc sinh nở rất khó khăn. Thông thường đầu của bé ra trước, sau đó đến vai và phần chân. Còn trong trường hợp thai ngược thì lúc đầu phần chân của bé ra trước, rồi đến phần vai và sau đó lại là phần cổ hẹp rồi mới đến đầu của bé. Theo bản năng tự nhiên, dạ con giãn hết mức ở phần vai, sau đó khi qua phần cổ, dạ con sẽ co lại vì tưởng rằng "nhiệm vụ" của mình đã xong. Hậu quả là đầu của bé khó ra được.

Chính vì những lý do trên, tại Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới, các thầy thuốc thường khuyên các bà mẹ mang thai ngôi ngược mổ lấy thai ngay khi bắt đầu chuyển dạ.

Bác sĩ Jham Frank Lugo là người thường xuyên đăng tải những video ghi lại quá trình sinh mổ của các sản phụ trên trang mạng xã hội cá nhân. Trước đó, clip ghi lại khoảnh khắc em bé tự bật ra khỏi bụng mẹ trong ca sinh mổ tự nhiên của bác sĩ này đã được lan tỏa chóng mặt trên mạng, thu hút hàng triệu lượt xem.

Chia sẻ