"Mắc bệnh" tự hào khi "nhốt con vào tủ kính"

Duy Linh,
Chia sẻ

Anh chị Châu tự hào và rất hài lòng vì cách chăm con theo phương pháp “vô trùng” mà mình đang theo. Từ đồ ăn thức uống cái gì chị cũng chọn đồ Tây, đồ siêu thị, đồ ngoài chợ là chị lắc đầu.

Chăm con bằng cách nhốt ở nhà

Nhìn nhiều trẻ hàng xóm chạy nhảy ngoài sân chung của khu chung cư, chị Liên Châu (Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Nội) tặc lưỡi, lắc đầu về nói chuyện với chồng: “Chẳng hiểu bố mẹ chúng nghĩ gì mà cho con chạy loạn ngoài sân trong khi khí hậu phức tạp, bụi bẩn như thế này”.
 
Anh chị Châu tự hào và rất hài lòng vì cách chăm con theo phương pháp “vô trùng” mà mình đang theo. Từ đồ ăn thức uống cái gì chị cũng chọn đồ Tây, đồ siêu thị, đồ ngoài chợ là chị lắc đầu. Ngay từ nhỏ, bé hơi ho hắng một chút là chị lại gọi ngay bác sĩ tới nhà khám. Thậm chí, tháng nào chị cũng đặt lịch khám vài lần cho bé cho an tâm. 

Dù bé Bông đã 5 tuổi nhưng bé lúc nào cũng chỉ được luẩn quẩn trong nhà, xa nhất là đi bộ ra đầu phố. 

Nhà có điều kiện, anh chị thuê riêng cho Bông một cô giúp việc, 2 cô giáo (một dạy văn hóa, một dạy đàn ca) về cho con. Lúc bé 3 tuổi, cả gia đình động viên chị cho bé đi học mẫu giáo cho dạn người vì bé nhát quá. Hễ có khách đến nhà chơi, bé thấy lạ, cứ khóc vang nhà từ lúc khách đến cho tới lúc khách về. 

"Ừ thì cho học" - chị bấm bụng dù lòng chẳng muốn, thế nhưng khi chiều về thấy Bông lên cơn ho thế là chị tuyên bố xanh rờn: “Cho ở nhà, đi học dăm ngày nữa ốm không biết chừng”. 


Ngay từ nhỏ, bé hơi ho hắng một chút là chị lại gọi ngay bác sĩ tới nhà khám (Ảnh minh họa)

Thế là bé cứ ở trong nhà loanh quanh luẩn quẩn với 4 bức tường, với cô giúp việc, hai cô gia sư và vài con gấu bông. 

Bà Tâm – bà nội của Bông thở dài: “Bố mẹ nó bị làm sao vậy? Chăm lo cho con một cách thái quá, bất bình thường, nhiều khi nhìn cháu ngẩn ngơ nhìn chúng bạn chạy nô đùa bên ngoài mà mình thắt cả ruột. Khuyên can thì các con bảo: ‘Buồn gì mà buồn, một thời gian nữa chúng con lại 'sản xuất' thêm bạn cho Bông’. Chẳng biết phải nói các con thế nào nữa?”.

Chị Trang Thúy (Bình Thạnh, TP HCM) cũng chăm con một cách thái quá. Bé Bon nhà chị 7 tuổi mà ai cũng phải nhận xét: con trai mà lành như con gái. Bon lúc nào cũng ngồi im một chỗ, chẳng lăng xăng chạy nhảy như những đứa trẻ bằng tuổi. Mẹ bảo đứng thì Bon đứng, bảo ngồi thì Bon ngồi.

Nếu ai quen thì chắc chắn sẽ biết rõ nguyên nhân điều này. Trước Bon cũng hiếu động lắm nhưng bé làm gì, anh chị cũng nói “không” và “đánh đòn”, ra sức ngăn cấm con được chơi những trò chơi mà anh chị cho rằng sẽ có nguy cơ gây thương tích cho cục cưng của mình, kể cả các trò trốn tìm, đuổi bắt, thậm chí chỉ đơn giản là chạy nhảy đùa nghịch với các bạn hàng xóm cũng không được vì sợ Bon… ngã.

Ngoài giờ đi học, Bon suốt ngày ngồi trong nhà chơi trò xếp hình tẻ nhạt. Trước bé mong ngóng đến giờ đi học từng giây từng phút nhưng từ ngày mẹ Bon gọi điện khiển trách các cô giáo vì “không quan tâm tới cháu, để cháu chạy ngã trầy da” do một lần Bon chơi trốn tìm với các bạn. Thế là các cô cũng nhắc nhở Bon ngồi yên 1 chỗ trong giờ giải lao cho đỡ... ngã.

Con được chăm lo quá hóa tự ti

Trên diễn đàn, khá nhiều topic được mở ra với mục đích tham khảo ý kiến cha mẹ nên chăm lo con tới mức nào là đủ. Tại đây có khá nhiều ý kiến trái chiều đưa ra. Có nhiều chị em đồng ý với sự chăm con như mẹ Bông và mẹ Bon nhưng có nhiều chị không đồng tình. 

Chị Thúy Hằng (Định Công, Hà Nội) chia sẻ rằng, khi không cho trẻ sống đúng tuổi của chúng, thay vì chạy tung tăng với bạn bè thì bé phải chơi quanh nhà, xem tivi… những em bé được nâng niu, chiều chuộng quá mức sẽ thường đơn độc, dễ trầm cảm, tự ti chưa kể tới việc xem tivi nhiều có hại có mắt, thần kinh. 

Chị Hằng khẳng định điều này khiến cảm xúc và tính xã hội của bé gặp trở ngại, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý của con. Rất có thể, theo thời gian bé sẽ mất khả năng giao tiếp xã hội, không hòa đồng với người khác và thu lại trong vỏ bọc của mình.

Chị Bích Hạnh (Quận 7, TP HCM) nhớ lại, trước đây chị cũng đã từng “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” cậu con trai bé bỏng nhà chị. 

Chị rất ít cho bé ra đường vì sợ: bụi, bẩn, ô nhiễm, trèo, ngã, con bị thương… Sau khi cho con đi học, việc làm quen với trường lớp là một cực hình với bé. Con co ro, rúm ró trước xã hội, dễ gây gổ, kích động, dễ khóc, không có khả năng kiềm chế được bản thân. 

Chị chia sẻ: “Chỉ một chút nữa là mình sẽ làm hại con. Nhưng thật may mắn mình còn có cơ hội sửa chữa. Mỗi ngày mình cho con đi tới những nơi công cộng, giao tiếp với nhiều trẻ con, tính bé cũng trở nên dạn dĩ hơn. Trước khi mới đi học thì ốm lên ốm xuống giờ thì đỡ hẳn”. 

Như vậy, việc bao bọc trẻ trong bốn bức tường thực chất là đang gây hại cho sự phát triển một cách bình thường, khiến con không có cơ hội học hỏi, khám phá cuộc sống và rèn luyện bản thân. 

Chị Ý Linh (An Dương, Hà Nội) bày tỏ quan điểm, an toàn cho con là điều cần thiết, nhưng an toàn khác hoàn toàn với “cách ly con với xã hội bên ngoài”. Cha mẹ nên khuyến khích con tham gia những trò chơi mang tính mạo hiểm, để con có cơ hội được thử sức mình, chủ động và rèn luyện bản thân.



Nhìn hai bố con ôm nhau ngủ, chị Nhàn vui nhiều hơn trách ông bố trẻ con.

Chia sẻ