Lời khen là con dao hai lưỡi

,
Chia sẻ

Trẻ con rất thích được khen ngợi, nhưng lời khen đối với trẻ cũng giống như con dao hai lưỡi...

Nếu bố mẹ "hà tiện" lời khen với con quá sẽ khiến con mất hết niềm tin, nhưng nếu lúc nào cũng bốc con lên tận mây xanh, sẽ hình thành trong đầu trẻ những ảo tưởng không có thực về bản thân.

Một bà mẹ cứ khen nức nở con trai 5 tuổi khi con lắp ghép được bộ đồ xếp hình: "Con là một thiên tài đấy, con xếp đẹp và nhanh quá. Mẹ nghĩ là bằng tuổi con không thể bạn nào xếp được như thế". Các chuyên gia tâm lý cho rằng, khen như thế chẳng khác nào hại con cả, vì thực tế là rất nhiều cậu bé 5 tuổi khác có thể xếp nhanh và đẹp hơn con mình. Hơn nữa, khi trẻ quá quen thuộc với những lời khen trong đầu, trẻ sẽ rất khó nghe những lời nhận xét hay dạy bảo của cô giáo ở trường. Trẻ dần hình thành tính tự kiêu, tự tin thái quá về bản thân, cho rằng mọi điều mình làm là đúng...   

Khen con không đúng chỗ có nhiều cái hại. Đầu tiên là cha mẹ vô hình chung đã tập cho con thói quen cứ mãi ngóng trông một lời khen cho một hành động không có gì đáng để khen cả. Lời khen chỉ mang tính động viên chứ không phải là động lực cho những việc làm của trẻ. Trẻ con cần nhận lời khen để phát triển tính kỷ luật, tính kiên trì để đạt được mục tiêu khi hành động.

Một khảo sát mới đây của Đại học Columbia (Mỹ) cho thấy, cách trẻ được khen và lý do được khen sẽ góp phần rất lớn, tạo ra sự khác biệt khi chúng đối diện với thử thách và chịu đựng thất bại ra sao khi lớn lên.

Trẻ được khen vì cố gắng và làm việc vất vả sẽ bắt đầu thích các cơ hội để học hỏi. Còn trẻ được khen vì tài ba, sẽ chỉ thích phát triển tài ba để còn được khen. Điều này nhắc nhở cha mẹ đừng xoáy vào cái tôi của con mình như nét đẹp bề ngoài, sự thông minh hay tài ba thiên phú, mà chỉ nên tập trung khen vào những nỗ lực của con, dù kết quả có ra sao.

Theo GĐ&XH

Chia sẻ