Lời cảnh tỉnh nhìn từ cú trượt Công Trí
Bản án dành cho nhà thiết kế Công Trí không chỉ đến từ pháp luật mà còn là sự xói mòn niềm tin của công chúng với "biểu tượng làng mốt". Sau mỗi cú ngã của bất kỳ nghệ sĩ, người nổi tiếng nào, mong rằng những người làm nghề còn lại sẽ thức tỉnh, cẩn trọng hơn, biết tự đặt ra giới hạn cho chính mình.
'Danh tiếng không thể là lá chắn'
Thông tin nhà thiết kế Nguyễn Công Trí bị bắt vì liên quan đến ma túy gây chấn động. Thời điểm chưa bị phát giác, Nguyễn Công Trí là cái tên nổi đình đám, được gọi là nhà thiết kế của các sao quốc tế. Điều đáng nói, bên cạnh sự tiếc nuối một tài năng lớn nhưng không vượt qua được cám dỗ từ ma túy, còn có không ít người lên tiếng tiếc nuối, bảo vệ nhà thiết kế. Những ý kiến này đã gây ra nhiều tranh luận.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - cho rằng ông thấu hiểu và chia sẻ với những tâm trạng trái ngược trong dư luận về sự việc của nhà thiết kế Công Trí.
“Người thất vọng, người tiếc nuối, thậm chí có người vẫn cố bênh vực Công Trí như một cách níu giữ niềm tin vào thần tượng. Công Trí không chỉ là một nhà thiết kế, anh từng được xem là ‘anh cả’ của làng thời trang, là một trong những người mở đường, đặt nền móng cho thời trang Việt Nam có vị thế trên bản đồ thế giới. Chính vì vậy, cú trượt ngã này không chỉ là cú sốc, mà còn khiến công chúng rơi vào trạng thái khủng hoảng niềm tin”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.




Nguyễn Công Trí là cái tên nổi đình đám trong làng thời trang, được gọi là nhà thiết kế của các sao quốc tế.
Dẫu công chúng, khán giả thất vọng, nhưng điều cần thiết là họ phải đặt ra những câu hỏi nghiêm túc: Vì sao một tài năng lớn lại không giữ được mình? Vì sao sự nổi tiếng, thành công, hào quang… vẫn không đủ sức bảo vệ một con người khỏi sự sụp đổ?
Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng sự tiếc nuối của nhiều người là có cơ sở, bởi họ mất đi một biểu tượng, nhưng tiếc không có nghĩa là bỏ qua. Theo đó, công chúng có quyền đòi hỏi sự minh bạch, có quyền đặt lại thước đo đạo đức đối với những người từng được tôn vinh.
“Trong một xã hội công bằng, danh tiếng không thể là lá chắn. Trong lĩnh vực nghệ thuật - nơi cảm xúc và hình ảnh chiếm vai trò trung tâm, đạo đức và nhân cách của nghệ sĩ càng phải được giữ gìn như một phần của tác phẩm mà họ tạo ra. Sự thất vọng không chỉ là cảm xúc, mà còn là một lời nhắc nhở nghiêm khắc: không ai có thể đứng ngoài những chuẩn mực tối thiểu của pháp luật và đạo lý, dù họ có tài năng lớn đến đâu”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.



Các thiết kế của Công Trí được sao quốc tế ưa chuộng.
Chuyên gia xã hội học, TS. Phạm Quỳnh Hương cho rằng một khi người nổi tiếng làm sai, họ phải chịu hình phạt thích đáng. “Trường hợp của nhà thiết kế Công Trí cho thấy công chúng đã công nhận tài năng, sự cống hiến của anh, nhưng khi sai phạm, anh phải chịu hình phạt thích đáng. Khi sự việc xảy ra, chúng ta thương tiếc cho một tài năng nhưng Công Trí phải chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình. Không thể ‘giơ cao đánh khẽ’, ngược lại, càng phải xử nghiêm”, TS. Phạm Quỳnh Hương nêu.
Vị chuyên gia này khẳng định khi một người có tài năng, uy tín, sức ảnh hưởng thì trách nhiệm của người đó càng lớn. Đây cũng là sự cảnh tỉnh cho tất cả nghệ sĩ, người nổi tiếng khác về trách nhiệm xã hội của bản thân.
Lời cảnh tỉnh cho người trẻ
Đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng, hình phạt lớn nhất không chỉ đến từ luật pháp, mà còn đến từ bản án vô hình - đánh mất niềm tin từ công chúng. Khi một nghệ sĩ sa ngã, đặc biệt là dính đến ma túy, họ không chỉ tự tay khép lại cánh cửa sự nghiệp của mình, mà còn khiến bao năm gây dựng hình ảnh, uy tín và dấu ấn nghệ thuật trở về con số không.
"Với người bình thường, phạm tội đã là sai trái. Nhưng với nghệ sĩ - người từng được cả xã hội tin yêu, kỳ vọng, người từng được nâng niu như biểu tượng văn hóa - cú ngã ấy càng sâu hơn, đau hơn. Không có án tù nào dài bằng sự lãng quên. Không có sự trừng phạt nào khắc nghiệt hơn ánh mắt nghi ngờ đến từ chính những khán giả từng đặt niềm tin nơi họ. Một lần vướng vòng lao lý, sự nghiệp có thể không bao giờ trở lại như trước, dù tài năng vẫn còn, thành tựu quá khứ vẫn lấp lánh. Trong lĩnh vực nghệ thuật, lòng tin của công chúng chính là nguồn sống. Mất đi điều đó, mọi ánh đèn sân khấu đều tắt. Và đó, chính là bản án cay đắng nhất", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Sự việc của NTK Công Trí là lời cảnh tỉnh cho toàn thể người làm nghệ thuật.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn mong muốn các nghệ sĩ, đặc biệt là những người trẻ đang dấn thân vào con đường nghệ thuật, hãy sống có trách nhiệm với tài năng của mình, bởi đó là món quà quý giá không phải ai cũng có.
"Nghệ thuật là ánh sáng, nhưng ánh sáng ấy không miễn dịch với bóng tối. Chỉ có bản lĩnh, đạo đức và sự tỉnh táo mới giúp mỗi người giữ vững mình giữa những cạm bẫy ngọt ngào mà nguy hiểm. Ma túy không chỉ là chất cấm mà còn là 'kẻ cướp' tương lai khôn lường, là con dao hai lưỡi giết chết sự nghiệp, hủy hoại niềm tin và để lại những vết sẹo không thể xóa nhòa trong tâm hồn nghệ sĩ và trái tim người hâm mộ", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Chuyên gia xã hội Quỳnh Hương cũng khẳng định khi bước chân vào con đường nghệ thuật, người trẻ cần xây dựng được tính kỷ luật ngay từ đầu và luôn phải tự giám sát bản thân để tự ý thức, tránh xa những cám dỗ, tránh lệ thuộc vào chất kích thích, ma túy.
Đời nghệ sĩ, người nổi tiếng có thể rất rực rỡ, nhưng chỉ cần một lần sa ngã đủ khiến mọi thứ vụn vỡ. Nếu không thể giữ mình, tất cả những gì họ xây dựng suốt cả đời có thể sụp đổ chỉ trong khoảnh khắc. Vì vậy, sau mỗi cú ngã của bất kỳ nghệ sĩ, người nổi tiếng nào, những người còn lại sẽ thức tỉnh, cẩn trọng hơn, biết tự đặt ra giới hạn cho chính mình. Giữ gìn bản thân cũng chính là giữ gìn niềm tin của công chúng, giữ gìn ánh sáng cho con đường nghệ thuật mà mỗi người đã chọn.