Không ai có thể chối cãi một điều “Sữa mẹ là một lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Thế nhưng, việc nhận ra những ích lợi từ nguồn sữa mẹ hoặc nguồn sữa thay thế có thành phần và công thức gần giống sữa mẹ, là một điều không phải ai cũng có thể hiểu rõ.
Giải pháp thay thế
Các nhà khoa học trên khắp thế giới phải mất hơn 100 năm để nghiên cứu những giải pháp dinh dưỡng thay thế trong những trường hợp bất khả kháng, khi người mẹ không thể cho con bú hoặc bản thân người mẹ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng để nuôi con.
Nếu so với sữa bò, sữa mẹ ưu việt hơn nhiều. Sữa mẹ cho năng lượng cao hơn sữa bò. Sữa bò có lượng protein cao gấp 3 lần sữa mẹ, do đó không thích hợp cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh không tiêu hóa được. Chất đường trong sữa mẹ có nhiều lactose gấp 2 lần sữa bò, cần thiết cho sự phát triển của thần kinh và giúp các vi khuẩn có ích trong đường ruột phát triển.
Chất bột, đường là nguồn cung cấp năng lượng, nên trẻ bú sữa mẹ tăng cân nhanh hơn bú sữa bò. Chất béo cao hơn trong sữa mẹ có vai trò là chất chuyên chở những vitamin tan trong chất béo như vitamin A và D, cùng với acid béo thiết yếu là acid linoleic, đóng vai trò sống còn cho sự phát triển của hệ thần kinh cũng như chức năng mô.
Vitamin A ở sữa mẹ cao gấp 2 lần sữa bò nên bú mẹ không bao giờ bị thiếu vitamin A. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có các kháng thể IgA phòng bệnh cho người, các thực bào, bạch cầu kháng khuẩn, interferon kháng virus...
Đạm trong sữa quá cao: Không tốt
Gần đây, có xu hướng "loạn” quảng cáo sữa nên các bà mẹ rất hoang mang trong việc lựa chọn nguồn sữa cho con mà thay bằng giải pháp uống sữa tươi cho an toàn. Về cơ bản điều này hoàn toàn vô hại nhưng không phải là giải pháp tốt nhất cho con trẻ tính về khía cạnh lâu dài của giai đoạn phát triển đầu đời.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng trẻ uống sữa ngoài dễ tăng cân, nhiều và ổn định chất dinh dưỡng hơn. Nghiên cứu quốc tế mới đây trên 1.000 trẻ, công bố trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition, cho rằng, nên giảm bớt hàm lượng protein trong sữa công thức. Bởi vì lượng đạm quá cao là nguyên nhân gây béo phì tức thời hoặc về sau. Điều này giải thích vì sao sự cân bằng từ thành phần sẽ tạo nên một công thức sữa dinh dưỡng tốt hơn cho trẻ.
Đó chính là nguyên tố tiên quyết góp phần tạo ra giá trị dinh dưỡng cho sự phát triển về lâu dài cho con trẻ. Không phải việc cho nhiều chất tăng chiều cao để cao, nhiều đạm để béo hay nhiều DHA để thông minh và cũng không có nhà khoa học nào dám đảm bảo những khía cạnh phát triển riêng lẻ như thế là giá trị dinh dưỡng lâu dài cho tương lai con trẻ. Dù vậy, thực tế vẫn còn rất nhiều bà mẹ tin vào việc chọn loại sữa chỉ giúp bé tăng cân hoặc tăng chiều cao để “bằng chị, bằng em” là đủ trong câu “bé khỏe mạnh và thông minh”.
Theo khẳng định của các chuyên gia y tế tại Hội thảo khoa học “Dinh dưỡng và sự phát triển miễn dịch toàn diện ở trẻ em” do Hội Nhi Khoa VN tổ chức cho thấy, dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thể lực phòng chống nhiễm bệnh cho trẻ.
Cân nhắc khi lựa chọn sữa ngoài
Giáo sư Hoàng Trọng Kim phó chủ tịch Hội Nhi Khoa VN cho biết: “Trong giai đoạn đầu đời, não bộ và hệ miễn dịch ở trẻ chưa phát triển toàn diện. Yêu cầu lớn nhất trong giai đoạn này là trẻ cần được cung cấp đầy đủ và cân đối các dưỡng chất thiết yếu như đạm, mỡ, đường, sinh tố, khoáng chất và các vi chất, đặc biệt là các axít béo không no (DHA, ARA...) với hàm lượng thích hợp, đạt mức khuyến cáo để giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, có hệ miễn dịch khoẻ mạnh, đồng thời phát triển tốt về trí não…”
Sữa ngoài có đáp ứng đủ các yêu cầu về dinh dưỡng cũng như các vi chất đặc biệt cho trẻ nhỏ hay không?
Các nghiên cứu lâm sàng ở nhũ nhi của tiến sĩ Eileen Birch vào năm 2008 tại Mỹ và nghiên cứu của tiến sĩ Nitida Pastor vào năm 2006 tại Tây Ban Nha đối với trẻ nhỏ nhỏ dùng sữa có bổ sung DHA, ARA và một số sữa khác không có hoặc chứa hàm lượng các chất này thấp, đã cho thấy, trẻ được nuôi bằng sữa công thức có bổ sung DHA và ARA với hàm lượng (17mg DHA & 34 mg ARA trong 100 kcal) có tỉ lệ nhiễm trùng đường hô hấp, khò khè, hen, viêm da dị ứng trong suốt ba năm đầu đời thấp hơn nhiều so với những trẻ dùng sữa công thức không có DHA hoặc ARA.
Mọi người gần đây có xu hướng quan tâm quá mức đến sự phát triển thể chất là vô tình không để ý, để trẻ phát triển tốt hơn trong tương lai qua nhiều giai đoạn thì rất cần nguồn dinh dưỡng lâu dài đến từ việc tạo tiền đề hệ miễn dịch hoàn hảo chống bệnh tật để trẻ khỏe mạnh đồng thời với tăng trưởng thể trạng bên ngoài & tối ưu trí não để trẻ sáng tạo và tham gia học hỏi nhiều hơn từ môi trường bên ngoài.
Cụ thể, khảo sát trên 1400 trẻ dưới 3 tuổi cho thấy, 76% số trẻ dùng sữa không bổ sung hoặc bổ sung ít DHA, ARA bị mắc các bệnh đường hô hấp trên, trong khi tỉ lệ này đối với trẻ dùng sữa bổ sung DHA, ARA liều lượng hợp lý là 45%. Có nhiều nghiên cứu cũng cho thấy có mối tương quan giữa nồng độ DHA trong máu trẻ với thị lực, kết quả nhận thức và kết quả miễn dịch.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cho thấy vai trò quan trọng của các Vitamin A, E, C, các khoáng chất như sắt, kẽm trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, Prebiotic giúp tăng sinh các vi khuẩn có lợi và tăng cường sức khoẻ đường tiêu hoá tương tự như bé bú mẹ. Và những chất này đã được các nhà sản xuất sữa bổ sung liên tục vào sữa bột để nâng tầm chất lượng và giá trị dinh dưỡng.
Vì một lý do nào đó, nếu trẻ không được bú sữa mẹ hoặc người mẹ cung cấp không đủ nguồn dinh dưỡng cho con thì việc nên chọn lựa nguồn sữa với công thức có “chiều sâu” hơn là đơn thuần chỉ vì chiều cao và cân nặng. Đây không phải là một vấn đề mới mẻ nhưng sẽ luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm, vì bà mẹ nào cũng muốn hiểu nhiều hơn những giá trị từ nguồn sữa cho con.
Theo Huệ Hương
Vietnamnet