Lo lắm khi con vào lớp 1 mà vẫn biếng ăn

,
Chia sẻ

Cả nhà đều lo rằng ít bữa nữa khi vào học lớp 1 bán trú, bé Trân sẽ gần như nhịn đói cả ngày, chiều tối mẹ về "nhồi" mới được vài miếng vào bụng.

Năm nay, bé Trân, cô con gái “rượu” của vợ chồng chị Thảo (phố Cự Lộc, Thanh Xuân, Hà Nội) sẽ vào “đại học chữ to”. Bên cạnh niềm vui, vợ chồng chị cũng rất lo lắng vì bé rất biếng ăn, bữa trưa ở trường không có mẹ ép thì chắc sẽ không được thìa cơm nào.

Vào lớp Một, mẹ vẫn phải xúc cơm

Bé Trân ăn rất chậm và dù 6 tuổi vẫn chưa tự xúc ăn. Mẹ phải vừa bón vừa giục mà cũng mất cả tiếng đồng hồ mới hết lưng bát cơm. Nếu để bé "tự lực cánh sinh" thì chỉ được vài miếng, lại còn vung vãi hết ra ngoài. Ở lớp mẫu giáo, chị Thảo luôn phải "quan hệ tốt" với cô giáo để cô lưu tâm hơn đến chuyện bón cho bé ăn. Nhưng sắp tới ở lớp Một, bé Trân sẽ phải ăn bán trú với cả các anh chị lớp trên, cô giáo phụ trách dù có "ưu tiên" thì cũng không thể bón từng thìa được. Thảo đang cấp tốc rèn cho con tự xúc ăn, nhưng với chứng biếng ăn "kinh niên" của cô bé, thời gian ngắn còn lại sẽ không đủ để cải thiện tình hình.

Bé vào lớp 1 Ảnh: anhso.net

Cùng tâm trạng là chị Dung ở khu tập thể Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, mẹ của bé Tuấn Nam. Là con trai nhưng Nam rất khảnh ăn. Cu cậu chỉ ăn vài món quen thuộc, còn với món lạ hay món không thuộc "tủ" thì kiên quyết không nếm dù chỉ một miếng. Dù đã 6 tuổi mà Nam vẫn được nấu theo chế độ riêng, món nào, dù là thịt cá hay rau, cũng đều phải băm và xắt nhỏ. "Tôi đang nghĩ đến nước xin chuyển việc để trưa có thể về nấu và tự cho con ăn, chứ với công việc hiện nay thì phải cho thằng bé học bán trú. Ăn ở trường, nó sẽ chết đói mất", Dung lo lắng. "Chẳng lẽ tôi phải xin nghỉ việc để ở nhà nấu bữa trưa và trực tiếp cho con ăn. Chứ công việc hiện nay thì thời gian nghỉ trưa chỉ một tiếng, nhà lại xa, chứ để cả miếng là Nam không chịu ăn".

Chị Dung băn khoăn với tình trạng này, nếu đi học lớp 1 mà bữa trưa thức ăn không hợp, cô lại không thúc ép như ở mẫu giáo thì chắc là Nam sẽ nhịn đói. Thể trạng Nam vốn đã luôn bé nhỏ hơn các bạn cùng tuổi, giờ nếu lại không ăn uống đủ bữa, chị Dung lo con không có sức mà học nữa.

Từng trải qua hoàn cảnh này, chị Thúy Hà, nhà ở Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ: "Sự thật là con tôi tự nguyện nhịn đói suốt mấy tháng trời. Sáng cố lắm tôi cũng chỉ ép được nó ăn vài miếng, trưa ở trường, cô giáo phản ánh nó không ăn một miếng nào. Thế nên chiều nào tôi cũng chỉ mong hết giờ làm để về cho con ăn, dinh dưỡng cả ngày chỉ dồn vào bữa chiều và tối. Tôi không biết no dồn đói góp như vậy thì như thế có sao không, nhưng chả còn cách nào khác". Mãi đến gần hết học kỳ một, con trai chị Hà mới bắt đầu ăn ở trường. Nay sắp bước vào lớp Hai, chị Hà mới yên tâm là cậu bé đã có thể ăn uống bình thường cùng các bạn.

Bên cạnh giải pháp cố "nhồi" cho con thật nhiều vào bữa sáng và bữa tối để bù đắp cho phần dinh dưỡng thiếu hụt của bữa trưa tại trường, một số mẹ còn để các loại đồ ăn sẵn như bánh, sữa, xúc xích... vào cặp sách cho con ăn thêm. Nhưng nhiều bé hoặc mang về nguyên xi, hoặc phân phát hết cho các bạn chứ bản thân không đụng đến.

Trẻ cần có thời gian để thích ứng

Theo tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Công Khanh, ĐH Sư phạm Hà Nội, việc chuyển cấp học từ mầm non lên tiểu học đối với trẻ là một bước thay đổi khá lớn về tất cả mọi mặt: chế độ sinh hoạt, vui chơi, học tập... Và trẻ cần có một khoảng thời gian nhất định để tập thích nghi dần dần với sự thay đổi này.

Tốt nhất, từ một năm trước khi bé vào lớp Một, phụ huynh đã phải rèn cho con thói quen sinh hoạt, ăn uống vào nề nếp. Cần luyện cho trẻ tính tự lập, biết tự chăm sóc - những kỹ năng tối cần thiết để bước vào giai đoạn mới. Cha mẹ không nên làm hộ mà hãy dạy bé cách làm. Có thể lúc đầu bé còn vụng về, đánh đổ, rơi vãi... nhưng dần dần bé sẽ tự tìm cách làm tốt hơn. Điều đó sẽ khiến bé tự tin và dễ thích nghi với môi trường đòi hỏi sự tự lập khi rời lớp mẫu giáo.

Theo bác sĩ Phan Bích Nga, Phó giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), nếu lo lắng con vào lớp Một sẽ không ăn đầy đủ bữa trưa ở trường, cha mẹ có thể tăng khẩu phần và chất lượng bữa sáng, bữa tối cho trẻ hơn một chút, nhưng chỉ nên ở mức vừa phải. Không nên nhồi nhét quá nhiều theo kiểu “lấy được”, đặc biệt là bữa tối.

Việc bắt trẻ ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho dạ dày quá tải, gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến việc học tập và hoạt động của trẻ, về lâu dài có thể dẫn đến khó tiêu, đầy hơi và đau dạ dày. Việc bắt ăn quá nhiều trong một bữa cũng không giúp bé hấp thu được nhiều năng lượng hơn bởi trong một thời điểm, cơ thể chỉ hấp thu được một lượng dinh dưỡng nhất định. Nếu quá nhiều thức ăn, bộ máy tiêu hoá phải làm việc nặng nhọc, không tốt cho sức khoẻ của bé. Vì vậy, tốt nhất là từng bước rèn cho con thói quen ăn uống tự lập để không nhịn bữa trưa ở trường.

Cô giáo Trần Thị Khánh, giáo viên trường Tiểu học Chu Văn An, cũng thừa nhận, đúng là khi đã đi lớp Một, các bé sẽ không thể nhận được sự chăm sóc tỉ mỉ như ở trường mầm non. Ở bậc tiểu học, đương nhiên các kỹ năng tối thiểu như đi vệ sinh, ăn uống..., học sinh phải tự thực hiện, cô giáo chỉ hướng dẫn và theo dõi. Tuy nhiên, theo cô giáo Khánh, khi ăn trưa ở trường, nhìn thấy tất cả các bạn đều tự ăn được, dần dần bé sẽ tự điều chỉnh thói quen theo số đông vì tâm lý sợ bị thua kém bạn bè. Nhiều nhất là một học kỳ, chắc chắn bé sẽ vào nề nếp.

“Thời gian đầu khi bé mới vào lớp Một, phụ huynh nên trao đổi thường xuyên với giáo viên về tình hình cụ thể của con để cùng tìm ra phương pháp tốt nhất trong việc giáo dục trẻ cả về kiến thức lẫn nề nếp sinh hoạt”, cô Khánh nói.

Theo Nam Thi

Baodatviet

Chia sẻ