Lên cơn thèm ăn, mẹ bầu sảy thai ở tuần thứ 20 chỉ vì món này trong tủ lạnh
Trường hợp của người mẹ này như một lời cảnh tỉnh dành cho những mẹ bầu khác, đừng vì một phút thèm ăn bất ngờ mà phải ân hận cả đời.
Khi mang thai, mẹ bầu luôn được bác sĩ khuyến cáo nên "ăn chín uống sôi", đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức tối đa. Bất cứ một hành động ăn uống vô tội vạ nào cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi, trường hợp nhẹ sẽ gây đau bụng, nhưng nặng có thể dẫn đến sảy thai, đó thực sự là điều không ai muốn.
Mới đây, cô La sống ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc mang thai được 20 tuần. Cô là người rất thích đồ lạnh, đặc biệt trong thời tiết nóng bức thế này, tủ lạnh nhà cô không thiếu các loại kem và trái cây mát lạnh. Vào một ngày nọ, cô đột nhiên cảm thấy thèm ăn thứ gì đó mát lạnh. Mở tủ lạnh ra thấy có quả dưa chuột, cô không ngần ngại ăn ngay mà không rửa để đỡ cơn thèm.
Sau khi ăn xong, cô cảm thấy rất sảng khoái, vui vẻ và nghĩ không có gì xảy ra. 2 ngày sau đó, cô bắt đầu có triệu chứng sốt nhẹ, nghỉ ngơi một chút thì cơn sốt cũng giảm nên cô chủ quan không quan tâm. Tuy nhiên, trong lần khám thai định kỳ vài ngày sau đó, cô bàng hoàng khi nghe bác sĩ thông báo không nghe thấy tim thai đập nữa.
Cô La nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Sir Run Run Shaw thuộc Trường Đại học Y Chiết Giang. Qua xét nghiệm máu, bác sĩ phát hiện cô bị nhiễm khuẩn Listeria. Đây là nguyên nhân khiến cô bị sảy thai.
Tại sao vi khuẩn Listeria lại nguy hiểm như vậy?
Bác sĩ Mao Chí Hàm làm việc tại Bệnh viện Sir Run Run Shaw từng nói rằng, Listeria monocytogenes là một loại vi khuẩn đặc biệt, thường lây nhiễm sang người và động vật thông qua thực phẩm bị nhiễm bẩn. Loại vi khuẩn này có sức sống cao, khả năng chịu đựng nhiệt độ lạnh, axit, mặn cực tốt. Khi nhiễm vào thực phẩm, cách duy nhất tiêu diệt được vi khuẩn này là thanh trùng hoặc nấu chín ở nhiệt độ cao.
Theo Cục Vệ sinh Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), vi khuẩn Listeria monocytogenes luôn nằm trong danh sách những "sát thủ" đối với con người. Loại vi khuẩn này thường xuất hiện trong pho mát, sữa, thực phẩm đóng hộp từ động vật bị nhiễm bẩn, rau và trái cây trồng ở nơi không đảm bảo vệ sinh. Listeria monocytogenes có thể sinh sản ở nhiệt độ tủ lạnh.
Trong số những ca bệnh có liên quan tới đường ăn uống, tỷ lệ tử vong do vi khuẩn Listeria monocytogenes đứng thứ 3 (chiếm 16%), chỉ đứng sau vi khuẩn Vibrio vulnificus (35%) và Botulinum Toxin (17%). Ngoài lây qua đường ăn uống, vi khuẩn này còn lây từ mẹ sang con qua nhau thai hay da bị trầy xước.
Ở những người khỏe mạnh, dù ăn một lượng ít thức ăn có chứa vi khuẩn listeria cũng có thể không nhiễm bệnh, nhưng ở những đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai thì dù một lượng nhỏ vi khuẩn listeria trong thức ăn cũng có thể gây nguy hiểm.
Trong lúc mang thai, nếu bị nhiễm listeria, người mẹ chỉ bị triệu chứng nhẹ nhưng vi khuẩn có thể lây truyền sang thai nhi gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não sau sinh từ 1 đến 4 tuần.
Phòng tránh nhiễm khuẩn Listeria như thế nào?
Bác sĩ Mao nhắc nhở mọi người chỉ cần nhớ một số điều này, có thể phòng tránh được vi khuẩn Listeria và nhiều loại vi khuẩn khác.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.
- Để thực phẩm sống và nấu chín cách xa nhau. Dùng bộ dao, thớt khác nhau để xử lý thực phẩm sống và chín. Sau đó phải rửa dao, thớt thật kỹ.
- Điều chỉnh nhiệt độ ở ngăn mát tủ lạnh dưới 4,4 độ C, ngăn đá -17,8 độ C hoặc thấp hơn.
- Rau quả nên được rửa sạch, ngâm nước muối trước khi ăn. Các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật cần nấu ở nhiệt độ cao để chín thịt hoàn toàn.
- Tất cả thực phẩm nên ăn càng sớm càng tốt, tránh để quá lâu trong tủ lạnh.
Nguồn: Sohu