Lắng nghe và đặt câu hỏi: 2 "vũ khí" thần kỳ trong việc nuôi dạy con cái ngày nay
Lắng nghe và đặt câu hỏi là yếu tố quan trọng trong việc nuôi dạy con cái ngày nay.
Nuôi dạy con cái ngày nay khác trước rất nhiều, vì điều kiện kinh tế được cải thiện nên các bậc phụ huynh đầu tư nhiều thời gian và công sức để giúp con mình có nhiều lợi thế hơn người khác.
Tuy nhiên, đã bao giờ bạn đặt câu hỏi điều gì là quan trọng nhất trong quá trình dạy dỗ con cái chưa? Đó là điểm số, tài năng hay cái gì khác? Trong bài viết này, bạn sẽ có một góc nhìn mới mẻ hơn khi biết được cách nuôi dạy con cái hiệu quả chính là cha mẹ biết lắng nghe và đặt câu hỏi.
Tầm quan trọng của việc lắng nghe trong việc nuôi dạy con cái
Trong xã hội hiện đại, trẻ em phải đối mặt với nhiều căng thẳng và lo lắng. Lắng nghe chính là chìa khóa để cha mẹ xây dựng mối liên kết tình cảm sâu sắc với con cái, khiến chúng cảm thấy được quan tâm và công nhận. Muốn lắng nghe con cái một cách hiệu quả, bạn cần chú ý những điều dưới đây:
- Đừng ngắt lời con nói
Đôi khi, tất cả những gì con bạn cần chỉ là cha mẹ ngồi đó im lặng lắng nghe. Cha mẹ không làm gián đoạn khi con cái đang nói, cho phép chúng bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc thật của mình.
- Chấp nhận cảm xúc của con
Cho dù con bạn đang bày tỏ cảm xúc vui, buồn, tức giận hay bối rối, với tư cách là cha mẹ, bạn cần thừa nhận và đáp lại cảm xúc của chúng. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu mà còn thúc đẩy sự phát triển cảm xúc lành mạnh từ bên trong.
- Hiểu con mình
Bằng cách lắng nghe, cha mẹ có thể hiểu sâu hơn về nhu cầu, những bối rối và thách thức mà con mình đang gặp phải. Bằng cách này, cha mẹ có thể cung cấp cho con sự hỗ trợ tốt nhất.
Lấy một ví dụ là trường hợp của Tiểu Minh (Trung Quốc), cha mẹ có thể dễ dàng hình dung việc mình nên lắng nghe con như thế nào.
Gần đây, Tiểu Minh gặp một số khó khăn ở trường, điểm số của cậu bé không tốt nên cảm thấy rất thất vọng.
Cách cha mẹ lắng nghe: Sau khi Tiểu Minh trở về nhà, cậu bé đã bày tỏ những khó khăn của mình với cha mẹ. Cha mẹ không ngắt lời mà kiên nhẫn lắng nghe con trai nói ra những cảm xúc của mình. Cha mẹ cậu bé cố gắng hiểu nỗi thất vọng của con trai từ góc nhìn của cậu bé, thừa nhận những nỗ lực của con. Họ cũng đưa ra những lời khuyên và động viên con lấy lại sự tự tin.
Kết quả: Tiểu Minh cảm thấy được thấu hiểu, quan tâm nhờ sự lắng nghe và hỗ trợ của cha mẹ. Cậu bé bắt đầu xem xét lại thái độ và phương pháp học tập của mình, nhờ đó đã cải thiện điểm số nhanh chóng. Cậu bé cũng có mối quan hệ thân thiết hơn với cha mẹ và sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn những suy nghĩ, cảm xúc của mình với họ.
Giá trị của việc đặt câu hỏi trong giáo dục
Trong thời đại ngày nay, trẻ cần có khả năng tư duy độc lập và giải quyết vấn đề. Bằng cách đặt câu hỏi, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ suy nghĩ về các vấn đề từ những góc độ khác nhau, kích thích tư duy sáng tạo và phản biện của trẻ. Muốn có kỹ năng đặt câu hỏi với con cái, bạn nên chú ý những điều dưới đây:
- Đặt câu hỏi mở
Sử dụng các câu hỏi mở (chẳng hạn như "Tại sao con nghĩ điều này xảy ra?" hoặc "Con có thể làm gì để giải quyết vấn đề này?") để khuyến khích trẻ suy nghĩ sâu sắc và phát triển kỹ năng phân tích.
- Khuyến khích trẻ tự tìm kiếm câu trả lời
Khi trẻ gặp vấn đề, đừng vội đưa ra câu trả lời. Bằng cách đặt câu hỏi để hướng dẫn trẻ tự tìm câu trả lời, bạn có thể phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ.
- Thấu hiểu đồng cảm
Khi trẻ chia sẻ những rắc rối hoặc bối rối của mình, cha mẹ có thể cố gắng đặt câu hỏi từ quan điểm của trẻ, điều này có thể dễ dàng khơi dậy sự đồng cảm cho cả 2 bên.
Lấy một ví dụ về trường hợp của Tiểu Hoa (Trung Quốc), cha mẹ có thể hình dung được kỹ năng đặt câu hỏi là như thế nào.
Tiểu Hoa rất thích vẽ tranh nhưng lại gặp nhiều khó khăn. Cô bé cảm thấy tranh của mình không đủ đẹp nên thường xuyên chán nản.
Cách cha mẹ đặt câu hỏi: Cha mẹ Tiểu Hoa không trực tiếp bảo con phải làm gì mà hỏi: "Con nghĩ vấn đề nằm ở đâu?", "Trước đây con có gặp khó khăn tương tự không? Con đã vượt qua nó như thế nào?". Bằng cách này, cha mẹ đang dần hướng dẫn con mình tự khám phá vấn đề và suy nghĩ làm sao để giải quyết nó.
Kết quả: Dưới sự hướng dẫn của cha mẹ, Tiểu Hoa nhận ra vấn đề của mình nằm ở chỗ thiếu chiều sâu và vẽ không đủ chi tiết. Cô bé bắt đầu tích cực tìm kiếm giải pháp, chẳng hạn như tham khảo tác phẩm của các họa sĩ khác và tăng cường luyện tập.
Điều quan trọng nhất là cô bé đã học được cách tự suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Theo thời gian, kỹ năng vẽ tranh của cô bé được cải thiện đáng kể và trở nên tự tin.