Làm thế nào để con 'hợp tác' khi uống thuốc?
Nhiều cha mẹ thừa nhận, mỗi khi con ốm, hành trình cho con uống thuốc thật sự mệt mỏi.
Do đó, cha mẹ hãy trò chuyện với trẻ nhiều hơn về các bệnh thường gặp, cách phòng, chữa bệnh, trong đó có việc uống thuốc.
Hành trình đẫm nước mắt
Cô giáo Nguyễn Thị Loan, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) cho biết, trong sách Khoa học lớp 5 đã cung cấp nhiều kiến thức cho trẻ về việc dùng thuốc an toàn. Theo đó, chỉ dùng thuốc khi thực sự cần thiết, dùng đúng thuốc, đúng cách và đúng liều lượng. Cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Khi mua thuốc, cần đọc kỹ thông tin in trên vỏ đựng và bản hướng dẫn kèm theo để biết hạn sử dụng, nơi sản xuất, tác dụng và cách dùng thuốc.
Tuy nhiên, có một số trẻ chỉ cần nhìn thấy thuốc là sẽ phản kháng không chịu uống. Thậm chí, nhiều trẻ con la khóc đến nỗi nôn trớ. Và hành trình ép ăn - ép uống - nôn trớ, rồi lại phải ăn - uống cứ liên tiếp xảy ra.
Chị Nguyễn Phương Nhung, phụ huynh học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) chia sẻ, dù có đã nhiều lần giải thích, thậm chí dùng phần thưởng, hứa cho đi chơi, hay cách mạnh hơn là dọa dẫm thì uống thuốc không hề dễ dàng. “Mỗi lần con ốm là mẹ quát tháo, con la hét, khóc lóc ầm ĩ. Nhưng vì sốt ruột, thương con nên không còn cách nào khác. Thực sự uống thuốc đã trở thành cuộc chiến đẫm nước mắt của cả mẹ và con”, chị Nhung kể.
Hầu hết các loại thuốc đều có mùi vị rất đắng, đây cũng là nguyên nhân chính khiến trẻ kháng cự và không muốn uống. Nhiều người thường dùng cách ép buộc, dùng sức mạnh của người lớn giữ chặt khiến con phản kháng quyết liệt hơn. Nhiều cha mẹ lại chọn cách “nói dối”, dụ trẻ thuốc ngọt lắm, hay uống xong sẽ thành siêu nhân, công chúa…
Cách này cũng khá hiệu quả để giải quyết việc uống thuốc khó khăn của trẻ. Nhưng nó có tác dụng trong thời gian ngắn hoặc sẽ làm mất đi niềm tin của con trẻ sau này. Trẻ sẽ lớn lên và không bao lâu chúng sẽ nhận biết rằng người lớn đang nói dối. Đến lúc đó việc uống thuốc sẽ trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa trong tâm lý trẻ sẽ hiểu rằng việc uống thuốc rất đáng sợ nên sẽ càng phản kháng mạnh mẽ.
Có nhiều người khi dụ trẻ, thường hứa cho kẹo hay đồ chơi nếu trẻ chịu uống thuốc ngoan ngoãn, cách này cũng hữu hiệu trong việc khuyến khích trẻ uống thuốc một cách tự nguyện. Tuy nhiên, cha mẹ không nên đưa ra những đáp ứng quá cao cho trẻ. Thậm chí, nó chỉ có tác dụng ở thời điểm ban đầu. Dần dần trẻ hiểu được những món quà đó có hấp dẫn thì chúng cũng nhất quyết không đánh đổi bằng việc uống thuốc.
Có nhiều trường hợp dỗ ngọt không còn hiệu quả, nhiều bậc cha mẹ dùng tới phương thức dọa nạt, thậm chí dùng roi vọt mặc cho trẻ gào khóc. Một số trẻ đã chịu hợp tác hơn nhưng càng dần, trẻ càng trở nên ức chế và sợ hãi với những lần uống thuốc về sau. Điều này càng khó khăn hơn cho người lớn khi chăm sóc con.
Thuyết phục để con hợp tác
Chuyên gia cho rằng, khi có bệnh, trẻ cần uống thuốc và phải uống đúng liều, đúng thời gian. Bởi vậy, nếu trẻ sợ uống thuốc, cha mẹ cần biết một vài bí quyết để giảm nỗi sợ đó để con hợp tác và không nôn trớ. Có như vậy mới đảm bảo tác dụng của thuốc.
Theo ThS Phan Thị Phương, điều dưỡng viên Bệnh viện Vinmec, tùy theo lứa tuổi của trẻ mà có cách cho uống thuốc phù hợp. Đối với trẻ nhỏ, phản ứng với mùi vị của thuốc rất nhạy cảm. Chỉ cần lần đầu tiên uống thuốc có vị đắng, hăng, con sẽ sẵn sàng ọe ra hoặc rất sợ ở những lần sau đó. Vì vậy, cha mẹ có thể thay đổi cách uống và tìm loại thuốc dễ uống cho trẻ.
“Bình thường, sẽ có thuốc dành cho trẻ em riêng và nhiều vị khác nhau. Nếu con bạn rất sợ uống thuốc thì rất có thể trẻ không thích loại thuốc đó. Ví dụ, khi trẻ bị sốt, có bé rất sợ bị dán cao dán hạ sốt lên trán. Ngược lại, có trẻ sợ uống thuốc hạ sốt có vị đắng. Nếu vậy, cha mẹ hãy thử chuyển sang cho con uống thuốc hạ sốt vị khác với cùng liều lượng và đọc kỹ hướng dẫn xem sao. Thực tế, có nhiều thuốc có hương vị trái cây dễ uống với trẻ hơn”, ThS Phương chia sẻ.
Chị Phương cũng khuyên rằng, cha mẹ nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để xem có loại thuốc nào dạng hỗn hợp, dạng lỏng dễ uống hơn dạng viên để chọn cho con. Bác sĩ là người hiểu điều này nhất để có phương án và đưa ra loại thuốc phù hợp với trẻ. Bởi đôi khi nếu tùy tiện thay đổi thuốc lại có tác dụng nguy hại. Cha mẹ cần hiểu đúng thành phần, liều lượng loại thuốc mà mình định sử dụng để thay thế. Vì vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, để cẩn trọng nhất hãy hỏi bác sĩ khi được kê đơn thuốc cho trẻ.
Hơn nữa, thay vì bắt con uống liền một lúc tất cả các loại thuốc trong đơn, hãy chia ra để con uống ít một trong vài phút. Việc này sẽ giúp trẻ nuốt thuốc dễ dàng hơn, tránh bị nôn trớ sau khi uống. Thậm chí, con cảm thấy tâm lý thoải mái hơn và không còn áp lực nữa.
Nói về cách phải “dùng biện pháp mạnh”, ThS Phan Thị Phương nêu quan điểm, cha mẹ cần tránh ép buộc trẻ thái quá như vạch miệng cho thuốc vào, bóp miệng trẻ ép trẻ nuốt… Những cách này vừa làm trẻ hoảng sợ, mất tin tưởng vừa có thể gây sặc nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Cũng theo chị Phương, người lớn nên tạo tâm lý thoải mái, nói cho bé biết việc uống thuốc là điều bình thường. Khi cho bé uống, hãy khích lệ khen, động viên hoặc dùng một vật mà trẻ thích để thu hút sự chú ý.
Đối với trẻ lớn, cần dùng thái độ dứt khoát để con hiểu, khi bị bệnh nhất định phải uống thuốc, mặc dù thuốc rất đắng nhưng nó sẽ giúp con hết bệnh và khỏe mạnh. Từ đó, con cũng sẽ có ý thức bảo vệ bản thân, chăm sóc sức khỏe để tránh bị ốm phải uống thuốc. Thái độ của cha mẹ khiến con hợp tác và cho rằng, uống thuốc không những là bắt buộc, mà còn thể hiện sự dũng cảm. Khi con đã thực hiện tốt, người lớn cần khen ngợi và nói cho con hiểu việc này không hề đáng sợ, lần sau con hãy cứ làm như vậy.