Làm sao để dạy em bé nói tiếng Anh sớm như thế này, biết cách mẹ 9x làm lúc bầu ai cũng gật gù!
Để có được thành quả ngọt ngào là những năm tháng đồng hành và trải nghiệm cùng con từ thuở nhỏ.
Bố mẹ nào cũng chia sẻ rằng nếu một em bé được tiếp xúc, học tiếng Anh từ nhỏ thì bé sẽ dễ làm quen, tiếp thu kiến thức về ngôn ngữ mới này một cách dễ dàng hơn. Đó là lý do mà nhiều ba mẹ hiện nay quyết định cho con theo học tiếng Anh từ sớm. Thế nhưng, theo học ở các trung tâm thôi là chưa đủ, cần có thêm một số yếu tố khác để quyết định bé có nói, hát tốt tiếng Anh hay không.
Theo dõi MXH, nhiều người mê mẩn cô bé tên là Aimee (20 tháng tuổi). Dù mới bé xíu nhưng con đã có thể hiểu và nói một vài câu bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Xem Aimee mà ai cũng cảm thấy em bé siêu đáng yêu, dễ thương và cũng cực kỳ giỏi nữa, điều mà không phải em bé cùng lứa tuổi nào cũng làm được.
Chị Diễm Phương (sống tại TP HCM) là mẹ của Aimee, hiện đang là Giám đốc một trung tâm tiếng Anh trên địa bàn. Chị Phương cho biết việc học của con hiện tại là dựa trên sự yêu thích của bé. Trong quá trình đồng hành cùng con, biết con đang quan tâm đến chủ đề nào thì chị Phương sẽ mua sách song ngữ để cùng con đọc truyện.
Đó có thể là các chủ đề như trái cây, động vật, màu sắc... Bên cạnh dạy từ vựng, chị Phương thường lồng ghép dạy thêm cho con các mẫu câu đơn giản trong các tình huống hằng ngày như con thích ăn gì, con tên gì, các câu chúc theo dịp...
Thai giáo không chỉ nghe nhạc, mà còn là kiến thức IELTS và học thạc sĩ
Tuy ai cũng khen Aimee có khả năng ngôn ngữ tốt nhưng điều chị Phương ưu tiên vẫn là con cần giỏi tiếng Việt trước, sau đó mới là ngôn ngữ khác.
"Trộm vía Aimee là một em bé biết nói sớm và con hợp tác và chịu hát, nên nói nhanh hơn các bạn. Ngay từ khi con còn trong bụng mẹ đến khi con lớn thì mình luôn nói chuyện với con rất nhiều để hỗ trợ con phát triển tốt hơn.
Khi Aimee còn ở trong bụng mẹ, thay vì thai giáo bằng cách chỉ nghe nhạc, đọc truyện, mình đã quyết định học IELTS và thạc sĩ. Mình nghĩ khi mẹ nghe - nói - đọc - viết thì phần nào con cũng sẽ tiếp thu thụ động, ngoài ra lúc đó mình cũng có cơ hội nâng cao chuyên môn để sau này dạy con và phục vụ cho công việc.
Khi con mới sinh đến khi biết nói vài từ đơn giản, mình và ba bé Aimee luôn nói chuyện với con. Một số hoạt động mình làm cùng con là đọc sách, chơi flashcard, cho con nghe nhạc tiếng Anh, hát cho con nghe, nhảy múa với các bài hát đó cùng con.
Khi Aimee nói được 3-4 từ liên tiếp bạn đã bắt đầu ráp từ để hát thành một bài hoàn chỉnh. Bài hát tiếng Anh đầu tiên bạn hát được là Twinkle twinkle little star khi đó Aimee mới 14 tháng tuổi", chị Phương chia sẻ.
Bài hát tiếng Anh đầu tiên Aimee hát được là Twinkle twinkle little star khi đó Aimee mới 14 tháng tuổi
Mẹ là Giám đốc trung tâm tiếng Anh thì cách dạy ngoại ngữ cho con thế nào?
"Đây là cách bây giờ mình vẫn đang áp dụng để dạy con hát tiếng Anh và cả tiếng Việt. Đầu tiên là mình sẽ hát thử cho con nghe, nếu con chăm chú nghe và bày tỏ yêu thích thì mẹ hát nhiều hơn, hát mọi lúc mọi nơi, mình thấy lúc bé chuẩn bị ngủ mà hát ru bài đó thì con sẽ nhanh thuộc hơn.
Mình đa dạng hình thức tương tác như bày trò chơi và hát cùng bài mình muốn dạy, thỉnh thoảng cho con xem TV để kết hợp với thị giác giúp con dễ nhớ hơn. Dần dần mình sẽ nhắc từ để con nối đuôi hát theo và tập dần đến khi con tự hát được. Thường xuyên ôn bài cho con như đi gặp hình ảnh, sự vật nào liên quan sẽ hỏi để con hát.
Các câu tiếng Anh mình dạy con cũng tương tự, khi có chủ đề nào liên quan mình sẽ dạy con nói, sau đó cứ gặp tình huống đó thì khuyến khích con nói để con hiểu tình huống nào mình cần giao tiếp những gì. Quan trọng là mình thường xuyên nhắc đi nhắc lại cho con nhớ. Ví dụ như mình dạy bạn nói "Happy Teachers’ Day" (Chúc mừng ngày nhà giáo) thì cứ gặp giáo viên là mình nhắc con nói để con nhớ câu trong ngữ cảnh", chị Phương chia sẻ về cách dạy con hàng ngày.
Theo chị Phương, tùy theo mỗi bé mà ba mẹ sẽ quyết định cho con bắt đầu học tiếng Anh vì ba mẹ sẽ là sẽ người cảm nhận tốt nhất để quyết định thời điểm thích hợp nhất. Với Aimee, chị Phương mong con sẽ có thể bày tỏ tốt bằng tiếng Việt rồi mới bắt đầu dạy tiếng Anh cho con để phát triển toàn diện hơn về ngôn ngữ.
Mẹ 9x cũng cho biết trước 3 tuổi thì việc học tiếng Anh phụ thuộc vào tốc độ phát triển của mỗi bé, khi ngôn ngữ của con đã sẵn sàng thì ba mẹ có thể bắt đầu dạy thêm tiếng Anh cho con, 3 - 5 tuổi thì con vừa học, vừa chơi, tập trung vào phản xạ và phát triển nền tiếng Anh căn bản như từ vựng, mẫu câu đơn giản cho con. Trước 6 tuổi, chị Phương cho rằng ba mẹ nên coi trọng xây dựng sự yêu thích của con với việc học tiếng Anh để tạo tiền đề cho giai đoạn sau. Không nên quá áp lực với con để con cảm thấy bài xích với học tiếng Anh.
Sau 6 tuổi khi con đã được tập về nền nếp trên trường và sự tập trung khi học, lúc này ba mẹ nên quan tâm nhiều về phương pháp dạy, chú trọng nhiều hơn dạy cho con nói thành câu thay vì chỉ chơi game học từ vựng. Vì nếu vẫn duy trì cách vừa học vừa chơi game từ vựng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếng Anh của bé, lâu dần bé sẽ chỉ trả lời được 1 từ đơn hay không tự tin giao tiếp. Bên cạnh đó phải có thang đo rõ ràng cho quá trình tiến bộ của con, phổ biến nhất là đo lường chuẩn Cambridge.
"Với các bé nhỏ dưới 5 tuổi như Aimee học tiếng Anh chủ yếu cùng ba mẹ, mình nghĩ để con phối hợp ba mẹ nên bắt đầu từ chủ đề mà con yêu thích, ví dụ như Aimee là về trái cây, động vật, có bé có thể thích xe, quần áo,... Bắt đầu từ những món con yêu thích con sẽ dễ tập trung hơn.
Ba mẹ có thể đa dạng hình thức giảng dạy cho con. Nếu con không thích xem TV, ba mẹ có thể tham khảo dạy qua sách tương tác, sticker, kết hợp với trò chơi đơn giản,... như Aimee lúc mới đầu con không thích học flashcard, mình quan sát thấy con thích rút giấy đã bỏ card vào túi rút để con làm quen và vừa học vừa chơi.
Ba mẹ nhớ khen thưởng, động viên khi con nói giỏi, các bé nhỏ cũng rất thích khen đó.
Trường hợp con đã bắt đầu đi học tiếng Anh tại trung tâm, trường, nếu con không chịu nói tiếng Anh có thể do phương pháp giảng dạy của thầy cô chưa phù hợp, ba mẹ nên kiểm tra lại về vốn từ, ngữ pháp và phản xạ tiếng Anh mà con đang có. Phần lớn các bé chưa chịu nói tiếng Anh là vì chưa có đủ từ vựng hoặc chưa có đủ cấu trúc câu để bắt đầu nói. Ba mẹ có thể cân nhắc lựa chọn những trường dạy con nhiều về câu, sĩ số lớp ít hơn và thầy cô chịu khó dạy con nói, thuyết trình hơn là tập trung chơi game.
Một cách mình hay khuyến khích để con nói tiếng Anh là đóng vai mẹ là học sinh, con là cô giáo để bé hào hứng dạy mẹ. Hoặc đóng vai con làm diễn giả, con cầm micro để nói", chị Phương chia sẻ thêm.