Làm gì khi trẻ sốt phát ban?

Ths. Nguyễn Lập Thu,
Chia sẻ

Sốt phát ban do virus rubella là bệnh phổ biến ở trẻ bùng phát vào mùa Đông Xuân. Việc điều trị cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sỹ để tránh những biến chứng đáng tiếc.

Phô Mai đi học về khỏe mạnh thế nhưng tối đến bỗng nhiên nóng sốt mấy hôm liên tục. Đến hôm thứ ba, bé hết sốt, nhưng bắt đầu nổi những nốt nhỏ màu đỏ như rôm sảy màu hồng mịn ở mặt và nhanh chóng xuất hiện toàn thân. Bé lười chơi, ăn uống trễ nãi làm cả nhà vô cùng lo lắng.

Còn chị Chi Mai thì ôm cu Nghé đến bệnh viện với vẻ mặt hớt hải bởi con sốt cao kèm ho, sổ mũi, mắt đỏ, triệu chứng giống như viêm tai giữa cấp nhưng uống kháng sinh mấy hôm rồi không khỏi, giờ lại nổi mẩn đỏ khắp người Cu Nghé còn có triệu chứng đi ngoài, đêm ngày quấy khóc, có dấu hiệu giảm cân.

Hầu hết những trường hợp bệnh trên, trẻ đều bị nhiễm dịch sốt phát ban rubella, một loại sốt thường gặp ở trẻ nhò và bùng phát vào mùa Đông xuân do thời tiết thay đổi ở Việt nam. Bệnh do virus Rubella gây ra, dễ lây lan và chủ yếu lây qua đường hô hấp. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới quốc gia, từ cuối tháng 1 năm 2011 đến nay đã tiếp nhận gần 200 bệnh nhân bị sốt phát ban, trong đó phần lớn bệnh nhân là trẻ nhỏ.

Bệnh sốt phát ban có nguy hiểm không?

Trường hợp nhiễm bệnh của bé Phomai và bé Nghé trên đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy virus Rubella rất khó xác định sớm. Sốt phát ban là một bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, và nó chỉ nguy hiểm khi hiểu sai cách chữa trị và dẫn tới biến chứng. Phát ban ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến những biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, nặng hơn sẽ là viêm não. Trong khoảng thời gian từ 7 ngày trước phát ban và trong lúc phát ban là thời gian bé có khả năng lây bệnh cao nhất. Sự nguy hiểm ở đây là bệnh rất dễ lây lan và nguồn lây bệnh không thể phát hiện được cho đến khi bé bị nhiễm có triệu chứng phát ban 7 ngày sau đó. Biện pháp cách ly đến thời điểm này cũng được xem là đã quá trễ.

Điều trị sốt phát ban theo cách nào?

Một số phụ huynh khi thấy con sốt, chưa xác định cụ thể bệnh vẫn thường tự điều trị tại nhà cho con bằng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ dẫn đến bệnh của trẻ không giảm mà còn nặng lên. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng kháng sinh không có tác dụng với virus, bạn cần tư vấn của bác sỹ để xác minh bé có thực sự bị sốt phát ban do virut rubella hay không.

Bé Phô Mai sau khi khám và xác định bị sốt virut đã được điều trị tại nhà, bố mẹ hạ sốt cho bé bằng cách chườm khăn mát, uống thuốc hạ sốt dạng xiro, và được bổ sung vitamin C, uống nước cam, chanh để bé tăng sức đề kháng. Một tuần sau, các nốt đỏ mờ dần đi, bé cũng trở nên vui hơn, không còn khó chịu vì ngứa nữa nên đã chịu ăn cháo uống sữa trở lại.

Nghe theo chỉ dẫn của bác sỹ, chị Mai vẫn lau người cho cu Nghé bằng nước ấm bình thường và tắm nhanh, tắm ở nơi kín gió và lau khô nhanh cho bé vì sạch sẽ sẽ giúp da bé bài tiết tốt hơn. Khi tắm xong, tránh cơ thể Nghé tiếp xúc với gió, ngay cả gió quạt máy. Chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn điều trị bệnh cũng được chị rất quan trọng, vừa cung cấp năng lượng cho cơ thể con chống lại bệnh, vừa đảm bảo vệ sinh để bé không bị mắc tiêu chảy. Chế độ ăn được tăng thêm , chị cho con ăn nhiều hơn bình thường, chia thành nhiều bữa và ưu tiên cho những thức ăn dễ tiêu hóa. Đến hôm nay, cơn sốt được hạ, cu Nghé đã tíu tít vui chơi trở lại dù vết ban vẫn còn mờ đỏ, đang giảm dần từng ngày.

Chị Mai cũng chia sẻ rằng trong suốt thời gian bị sốt phát ban, nếu kiêng gió, kiêng nước bằng cách hạn chế vệ sinh cá nhân cho bé, thì bé sẽ cảm thấy không thoải mái, tệ hơn là cơ thể bé sẽ khó hạ sốt, nguy cơ bị nhiễm trùng da và gặp biến chứng viêm phổi rất cao. Ăn tinh sẽ làm cho bé rơi vào tình trạng thiếu năng lượng, rất dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém nên khó chống chọi được với bệnh tật. Đặc biệt, khi con bạn sốt phát ban rubella, bạn cần hạn chế bé tiếp xúc với nhiều người để tránh lây nhiễm bệnh và điều trị cho con phải tuyệt đối tuân thủ sự chỉ dẫn của bác sỹ.
Chia sẻ