Làm bố là... làm gì?

,
Chia sẻ

Những ông bố thời @ không chỉ mang đến cho con cái sự bảo đảm về vật chất, mà còn là chỗ dựa tinh thần. Họ tư duy: “Phụ nữ chăm con được, tại sao chúng ta không?”.

Tôi buột miệng: “Vì bố mang tiền về nhà”. Ngay lập tức, tôi cảm thấy không ổn với câu trả lời đó. Nhưng chưa kịp giải thích, con tôi đã buông một câu: “Thôi được, vì bố mang tiền về nhà, nên con sẽ chào hỏi bố và làm theo những gì bố yêu cầu”.
 
Trả lời câu hỏi: “ai là người ảnh hưởng nhất trong cuộc sống của bạn?”, đa số bạn trẻ đều nói: “mẹ”. Vai trò của ông bố ngày càng ít gây ấn tượng đối với con cái. Tuy nhiên, các ông bố lại đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Họ bị giằng co giữa trách nhiêm đối với công viêc và gia đình.
 
Cuối cùng, họ thường “chúi” về phía công viêc. Tại trung tâm tư vấn-giáo dục-hướng nghiêp trẻ (TP.HCM), tỷ lệ trẻ có “vấn đề” về nhân cách, luôn chiếm hơn một nửa. Trong đó, “vai trò” của các ông bố là hoặc không “dính dáng” gì đến chuyên nuôi dạy con, hoặc tạo ra thêm xung đột giữa con và bố.

Làm bố là... làm gì?

Bà Trần Ngọc Tuyết chia sẻ với các chuyên viên tư vấn: “Ông xã tôi công tác ở ngành hàng không. Anh đi suốt. Một lần, đi công tác về, anh lái xe đưa tôi đi đón con. Từ cổng trường, con bé vào xe, không chào bố, vì đang mải nói chuyện điện thoại với bạn. Lập tức, anh cau có với tôi: “Cô ở nhà, chỉ mỗi việc dạy con cũng không xong. Con gặp bố, mà như gặp ông tài xế tắc xi. Mới 12 tuổi, sắm điện thoại di động cho nó làm gì!”. Anh quay ra phản đối chuyện con sống theo kiểu Tây “không biết quan tâm đến ai, suốt ngày rúc trong phòng riêng”.
 
Thế nhưng, không bao giờ anh nhận nhiệm dạy dỗ, uốn nắn con, vì lý do phải lo “kiếm tiền cho gia đình”. Với nguồn thu nhập của chồng, tôi không cần đi làm, nhà lại có người giúp việc, tôi chỉ có mỗi “nhiệm vụ” dạy con, nên anh không thể chấp nhận mọi việc không như mình mong đợi. Hai đứa con tôi từ nhỏ quen gần bên mẹ, nên tôi nói gì chúng cũng nghe. Thế nhưng, càng lớn, chúng càng không muốn bị áp đặt. Một lần, đứa con gái 12 tuổi hỏi tôi: “Tại sao con phải kính trọng và yêu quý bố?”.
 
Tôi buột miệng: “Vì bố mang tiền về nhà”. Ngay lập tức, tôi cảm thấy không ổn với câu trả lời đó. Nhưng chưa kịp giải thích, con tôi đã buông một câu: “Thôi được, vì bố mang tiền về nhà, nên con sẽ chào hỏi bố và làm theo những gì bố yêu cầu”.
 
Các ông bố luôn có xu hướng “hứa hẹn” sẽ tham gia dạy dỗ con khi chúng lớn lên. Thế nhưng, họ gặp nhiều rắc rối với con cái ở tuổi dậy thì. Họ cảm thấy mệt mỏi với những đứa con “cứng đầu”. Khoảng cách tâm lý giữa bố và con có nhiều khác biệt. Mỗi ngày, vin vào lý do phải làm việc nhiều, có đến hàng triệu ông bố không giữ lời hứa với con trẻ. Bố không thể đọc sách cho con, không thể đưa con đi công viên. Lúc nào bố cũng đang ở cơ quan, đang đi trên đường, đang họp... Các nhà giáo dục trên thế giới đã tốn rất nhiều thời gian, công sức để tìm ra các hậu quả của hội chứng “vắng bố”.

 
Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc gia Hoa Kỳ đưa ra kết luận, những đứa trẻ vắng bố dính líu đến ma túy và tội phạm gấp ba lần. Một nghiên cứu của Israel cho thấy, những đứa trẻ không được bố chăm sóc, rất khókhăn trong việc giao tiếp, nhất là trong việc thiết lập các mối quan hệ mới. Theo các nhà tâm lý Úc, với trẻ ở tuổi đi học, vai trò của ông bố quan trọng hơn bà mẹ trong việc giúp con phát triển sự tự trọng.

Một cuộc nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy, thời gian gần gũi với bố ảnh hưởng đến khả năng học toán của con trẻ. Những đứa trẻ chơi thể thao với bố, luôn được bố động viên, trò chuyện sẽ dễ thành công trong sự nghiệp. Một nghiên cứu khác chứng minh rằng, những đứa trẻ “sở hữu” một ông bố tốt, thường có lòng bao dung và tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, cộng đồng.

Các ông bố luôn lên kế hoạch cho sự nghiệp, cho chuyện nghỉ hưu, những chuyến nghỉ mát, nhưng hầu như không có dự án cho việc làm bố. Trông con và vào mạng là những việc họ làm cùng một lúc.

Các ông bố thường cảm thấy... tội lỗi, khi thất bại trong việc cân bằng giữa công việc và nhiệm vụ làm cha. Một ông bố tâm sự: “Tôi cũng nghĩ đến chuyện trở thành một người bố tốt, cũng muốn dành thời gian cho con, nhưng vào các buổi tối, tôi lại cảm thấy... hợp lý khi đi uống vài ly với đồng nghiệp, bạn bè, đối tác... Ngoài ra, thật khó trò chuyện với đứa con gái 4 tuổi”.

Nhà giáo Phan Thúc Xán, giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý-giáo dụchướng nghiệp Trẻ (TP.HCM) cho biết: “Đàn ông bây giờ có quá ít thời gian cho con. Bận rộn với công việc là chuyện dễ thấy, song một lý do khác có vẻ “bí ẩn” hơn là các ông bố dễ bị stress khi công việc “hành hạ” họ. Khác với các bà mẹ, coi việc gần gũi con cái như một giải pháp xả stress, thì các ông bố lại mượn rượu bia “giải sầu”, họ ra khỏi nhà, bù khú với bạn bè hoặc “trốn” ở một nơi nào đó chỉ có một mình. Vì thế, khi bị stress, các ông bố làm mất đi số lượng và chất lượng thời gian dành cho con cái. Một ông bố đang bị stress gần với con cái còn tệ hơn lúc anh ta đi vắng. Trẻ con vốn nhạy với các dấu hiệu căng thẳng trên khuôn mặt của bố, và vì thế chúng cũng biết lảng tránh”.

Các ông bố “thời xa vắng” mang dáng vẻ đường bệ với con cái khi ngồi trên “ngai”, ra lệnh cho con cái, xa cách với con. Thời bây giờ, con cái được quyền dân chủ hơn, thì các ông bố lại không có nhiều thời gian. Đàn ông có xu hướng lấy vợ trễ, làm bố muộn. Song, thời điểm để họ phát triển sự nghiệp thường cũng là lúc họ bắt đầu làm bố. Đó là một thử thách, vì các ông không thể bỏ lỡ các cơ hội thăng tiến. Các cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới đã tác động vào cuộc sống riêng tư của người đàn ông. Họ bị nỗi sợ hãi thất nghiệp, giảm lương, sa thải, phá sản... ám ảnh.
 

Hiện nay, ông bố không còn độc quyền mang tiền về cho gia đình. Các bà mẹ cũng có nhiều cơ hội để gia đình có hai nguồn thu. Thế nhưng, truyền thống lại thay đổi rất chậm. Lẽ ra, nhiều ông bố phải thức thời, chủ động chia sẻ việc nuôi dạy con một cách cụ thể: đưa đón con, đi siêu thị, chơi với con, cho con ăn... thì cánh đàn ông vẫn làm việc này một cách miễn cưỡng hoặc ở mức độ “phụ” cho vợ.

Nguồn cổ vũ

Ở nhiều nước châu Á, nhà nước rất quan tâm đến các ông bố. Truyền hình Trung Quốc dựng một chương trình “đánh thức” buổi sáng, do một ngôi sao nhạc Pop biểu diễn. Ca sĩ ấy không hát mà... nấu ăn, hy vọng nhắc nhở được các ông bố nhiệm vụ chia sẻ với bà xã. Từ năm 2006, đàn ông Nhật, được ghi “điểm” qua tính cách: “Yêu bà xã hơn bất cứ ai”. Đó cũng là nội dung của một bộ phim truyền hình dài tập Khi bố ở nhà. Báo chí Nhật đưa ra quan điểm: đàn ông lập gia đình cần phải qua lớp học làm bố, để biết những điều cần thiết, mà các ông cứ tưởng mình đã biết.

Ở Việt Nam, những “gêm-sô” về gia đình, phần nào giúp “thức tỉnh” năng lực làm bố của đàn ông. Hình ảnh của các ông bố bên cạnh vợ con xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên tivi, thuyết phục một ông bố dành thời gian cho gia đình, không phải vì lợi ích của vợ con, mà của chính anh ta trong quy trình trưởng thành và phát triển bản thân.

Anh Nguyễn Đức Vịnh, một kỹ sư cơ khí, xây dựng thời khóa biểu: “Thức dậy lúc 5 giờ sáng, thể thao, check mail, trong khi vợ chuẩn bị bữa sáng. Đánh thức con dậy, giám sát con đánh răng, thay quần áo, cùng ăn sáng. Có 60 phút trò chuyện, chơi với con, đưa con đi học trước khi đến cơ quan.

Thường về nhà vào lúc 19 giờ. Ăn tối và sau đó kiểm tra bài của con”. Anh cho biết: “Tôi tự ý thay đổi, không phụ thuộc vào sự “gợi ý” của bà xã, tự huấn luyện mình thành người đàn ông hiện đại, biết quản lý thời gian, chủ động tổ chức mọi hoạt động cá nhân dành cho công việc và gia đình, đặc biệt là dự án làm bố”.

Không phải ông bố nào cũng “hy sinh” chịu mất tự do để ở nhà với vợ con. Khảo sát ở Nhật cho thấy: 70% ông bố muốn cân bằng giữa công việc và gia đình. Số còn lại cho biết: “muốn cũng không được”, vì không có hoặc có ít thời gian dành cho con.

Những ông bố thời @ không chỉ mang đến cho con cái sự bảo đảm về vật chất, mà còn là chỗ dựa tinh thần của con. Đó là những ông bố luôn tư duy: “Phụ nữ chăm con được, tại sao chúng ta không?”.
 
Theo Xã luận
Chia sẻ