Kịp thời lấy mảnh kim loại trong dạ dày bé 4 tuổi

Tuấn Bảo ,
Chia sẻ

Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa tiếp nhận bệnh nhi T.Đ.L. (4 tuổi, trú tại Thiệu Công, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) bị hóc dị vật.

Theo gia đình kể, trẻ có nuốt nắp pin con thỏ. Sau nuốt, trẻ buồn nôn, nôn khan, không tím tái.

Tại bệnh viện, hình ảnh chụp X-quang lồng ngực cho thấy: Dị vật cản quang ngang đốt sống ngực D4 sau đó di chuyển xuống dạ dày. Bệnh nhân được chỉ định nội soi tiêu hóa gắp dị vật.

Dị vật được lấy ra là một mảnh kim loại bằng nhôm, hình tròn, đường kính 1,5 cm. Sau gắp dị vật, bệnh nhi ổn định và được xuất viện.

Theo các bác sĩ, dị vật đường tiêu hóa là một cấp cứu trong đời sống sinh hoạt. Tai nạn sinh hoạt này có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong.

Dị vật có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa từ miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn nhưng ở đoạn thực quản và ruột non là hay gặp nhất. Dị vật thường là các xương động vật, các dị vật trong đời sống sinh hoạt hay các khối thức ăn dạng cơ gân. Biến chứng khi bị dị vật đường tiêu hóa trên rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, gây thủng nội tạng chảy máu, áp xe tại chỗ, nhiễm trùng máu thậm chí gây tử vong.

Kịp thời lấy mảnh kim loại trong dạ dày bé 4 tuổi - Ảnh 1.

Nắp pin con thỏ trong dạ dày bệnh nhi.

Qua trường hợp của bệnh nhi trên, ThS.BS Lê Thị Vân Anh, Trưởng Khoa Tiêu hóa khuyến cáo:

- Không nên cho trẻ ngậm vật nhỏ để tránh nuốt. Việc phòng ngừa trước hết phải tránh các nguy cơ cao, dễ gây mắc dị vật.

- Khi phát hiện dị vật, điều quan trọng cần phải đến ngay các bệnh viện, cơ sở y tế, đặc biệt là các trung tâm can thiệp qua nội soi để nhanh chóng chẩn đoán và xử trí kịp thời.

- Tuyệt đối không nên chữa bằng thuốc nam hoặc bằng mẹo... vì không khỏi mà để muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng.

- Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ phải chuẩn bị kỹ thức ăn cho trẻ, lấy hết xương cá, xương lợn ra khỏi món ăn.

- Tập cho trẻ lớn thói quen ăn chậm, nhai kỹ. Không cho trẻ ngậm bất kỳ vật nhỏ gì ở miệng vì trẻ dễ nuốt vào. Không nên đùa, gây cười khi trẻ đang ăn uống, vì dễ khiến trẻ bị sặc.

- Không nên cho trẻ ăn các loại hạt hoặc những loại quả chưa lấy hạt, vì hạt dễ rớt vào đường thở hoặc thực quản, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời…

Kịp thời lấy mảnh kim loại trong dạ dày bé 4 tuổi - Ảnh 2.

Chia sẻ