Kinh ngạc trước 3 bình sữa mẹ có 3 màu khác nhau đều được hút trong một lần, cùng 1 bên ngực
Không chỉ chính bà mẹ này mà bất cứ ai nhìn thấy bức ảnh chụp 3 bình sữa mẹ với 3 màu khác nhau đều sẽ "ồ" lên vì kinh ngạc.
Nếu bạn là một mẹ sữa, bạn thường không để ý một cách chính xác lượng sữa bé con của mình đã bú cũng như đặc điểm của sữa. Đó là lý do tại sao đôi khi, bạn cảm thấy bất ngờ vì những gì được chứng kiến khi hút sữa bằng máy. Sự thực là thứ vàng lỏng tuyệt diệu này có thể thay đổi màu sắc – mà người mẹ không hề cảm nhận thấy sự khác biệt. Nó hoàn toàn không giống với màu trắng kem mà mọi bà mẹ đều đinh ninh rằng sữa của mình chắc có màu như vậy.
Và Elisabeth Anderson-Sierra (hiện đang sống tại Beaverton, Oregon, Hoa Kỳ) là một mẹ sữa như vậy. Bà mẹ 2 con chia sẻ rằng: "Tất cả đều được hút ra trong cùng một lần và chỉ từ một bên ngực". Nhìn có vẻ thật lạ lùng nhưng theo giải thích của Elisabeth, sữa mẹ thực sự có thể có các dải màu khác biệt và chúng hoàn toàn bình thường. "Sữa mẹ lúc đầu có ánh sắc xanh bởi nó thiếu hàm lượng chất béo lớn nhất so với sữa cuối. Những thực phẩm có màu nhuộm như Gatorade (nước uống thể thao) hay lớp kem phủ bánh có thể tác động tới màu sắc của sữa mẹ".
Ba bình sữa với 3 màu sắc hoàn toàn khác nhau dù đều được hút trong một lần và từ một bên ngực của Elisabeth Anderson-Sierra.
Bình sữa có màu đỏ là do máu trong sữa và Elisabeth không hề muốn mọi người hoảng hốt khi nhìn thấy. Trong trường hợp này, sữa có màu đỏ máu là do một ống dẫn sữa bị tắc khiến mạch máu bị vỡ. "Bạn cũng có thể thấy máu trong sữa nếu bạn bị tổn thương núm vú, mô ngực bị bầm tím hay một trong những thành mạch máu của bạn bị yếu đi và trở nên kiệt quệ. Đừng hoảng sợ nếu bạn thấy máu trong sữa! Tôi biết nó chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy như vậy".
Theo Tổ chức quốc tế chuyên về nuôi con bằng sữa mẹ La Leche League International (LLLI), cho trẻ bú sữa mẹ có lẫn một chút máu nhìn chung là an toàn.
Theo chuyên gia sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy, máu trong sữa mẹ thường gây ra bởi những lý do không nguy hiểm như vỡ các mao mạch trong ngực mẹ; chảy máu từ các u nhú giữa các ống sữa; u nang xơ lành tính; mẹ lần đầu sinh con; dùng máy hút sữa không đúng cách; nứt đầu ti. Nếu máu trong sữa mẹ xuất phát từ các nguyên nhân trên, nó sẽ tự biến mất trong vòng 3 - 7 ngày. Bé không nôn trớ, đi ngoài, mẹ có thể tiếp tục cho bé bú. Nếu hiện tượng này không mất đi, mẹ nên đi khám bác sĩ.
Nếu bạn để ý thấy ánh hồng trong sữa, Elisabeth khuyên bạn trước hết nên tìm hiểu xem nguyên nhân là gì trước khi rơi vào trạng thái buồn chán, suy sụp: "Nếu là do núm vú bị tổn thương, hãy tìm kiếm các biện pháp điều trị. Nếu nguyên nhân xuất phát từ bên trong mô ngực, hãy mát-xa bầu vú nhẹ nhàng và sử dụng miếng chườm nóng hay lạnh tùy thuộc vào việc bạn cần giảm sưng hay cần thông tuyến sữa".
Elisabeth cũng khéo léo gọi dạng sữa mẹ có ánh đỏ này là "sữa dâu". Cô cam đoan với các bà mẹ rằng bất chấp màu sắc có vẻ đáng lo ngại, không cần phải bỏ sữa này đi nếu không muốn: "Bạn có thể loại bỏ chút máu lẫn đó nếu để sữa trong tủ lạnh. Máu sẽ lắng xuống đáy bình và bạn có thể rót phần sữa bên trên sang một bình khác. Bạn cũng có thể trộn 'sữa dâu' với sữa bình thường để làm nhạt màu sữa đi nếu vẫn cảm thấy không thoải mái. Sữa mẹ thực sự là thứ vàng lỏng và chúng ta phải làm việc vất vả mới có được đó. Đó là thành quả của tình yêu".
Theo Very Well Family - một website Mỹ chuyên cung cấp các kiến thức về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe của các chuyên gia y tế, chế độ ăn, các loại thuốc đang dùng và một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới màu sắc sữa mẹ. Nhưng nhìn chung, tất cả đều bình thường và không có gì đáng lo ngại.
Amy Barron Smolinski, trong ban lãnh đạo Mom2Mom Global - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì mục tiêu hỗ trợ, giáo dục và ủng hộ các gia đình quân nhân nuôi con sữa mẹ - cho biết, sữa mẹ thoáng sắc nâu hoặc hồng vẫn là bình thường.
"Trường hợp duy nhất bạn cần bận tâm đến sữa mẹ ánh hồng là trông nó bình thường (màu trắng, vàng, kem hoặc hơi xanh) khi được tiết ra từ bầu ngực người mẹ sau đó đột nhiên chuyển sang màu hồng tươi hoặc hồng sẫm. Đôi khi, bạn có thể quan sát sự chuyển màu này khi sữa được vắt ra và trữ trong bình. Đôi khi, bạn nhận thấy ánh hồng đó trong chỗ sữa mà bé trớ ra sau khi được vỗ để ợ hơi. Đây có thể là dấu hiệu của Serratia marascens, một vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng và cần điều trị bằng kháng sinh", Smolinski lý giải.
Elisabeth Anderson-Sierra cho rằng: "Sữa mẹ thực sự là thứ vàng lỏng và chúng ta phải làm việc vất vả mới có được đó. Đó là thành quả của tình yêu, máu, mồ hôi và nước mắt".
Smolinski cũng có một lý giải khác dành cho sữa mẹ màu xanh nhạt: "Đây là hiện tượng phổ biến khi bé cần được bổ sung thêm nước trong điều kiện thời tiết nóng bức hoặc môi trường sống khô cằn. Sữa mẹ xanh thường ít béo hơn và nhiều nước. Điều quan trọng là cha mẹ cần nhận ra, mặc dù sữa xanh có hàm lượng chất béo thấp hơn so với sữa màu kem hoặc màu vàng nhẹ, nó vẫn cực kỳ cần thiết cho bé".
Ngoài 3 màu sắc của sữa mẹ như trong bức ảnh của Anderson-Sierra, trang Very Well Family khẳng định, sữa mẹ còn có thể có màu trong, xanh lá cây, cam và đen. Cụ thể là:
- Sữa trong hoặc hơi xanh: Đó là sữa đầu khi bạn mới vắt ra. Sau đó, sữa sau sẽ đặc hơn và bắt đầu có màu trắng.
- Sữa màu xanh lá cây: Đây là biểu hiện của việc bạn đã ăn rất nhiều rau xanh như rong biển, rau bina hoặc đồ uống có màu xanh lá.
- Sữa màu vàng hoặc cam: Đây có thể là kết quả của chế độ mẹ ăn giàu carotene - chất có trong các loại củ quả như khoai lang, bí đỏ, cà rốt. Tương tự, sữa mẹ đông lạnh cũng sẽ có màu vàng.
- Sữa màu đen: Là kết quả của một loại kháng sinh cụ thể nào đó và bạn không nên dùng nó khi đang cho con bú. Đây là màu sắc biểu hiện sữa mẹ không bình thường.
Nguồn: Cafemom, Romper