Kiểm soát bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ

MAI HƯƠNG,
Chia sẻ

Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh liên quan đến đường hô hấp, sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Mùa đông xuân không khí lạnh, nhiệt độ ẩm thấp tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển khiến số trẻ bị viêm mũi dị ứng tăng.

Con chị Nguyễn Thị Hằng, 4 tuổi bị bệnh viêm mũi dị ứng. Thời tiết thay đổi, nhất là vào mùa đông, bệnh thường hay tái phát. Mỗi lần bị như vậy, bệnh dai dẳng kéo dài cả tuần. Chị cũng đã đưa con đi khám bác sĩ nhưng cũng chỉ đỡ một thời gian rồi bệnh lại đâu vào đấy.

“Tôi cho con đi khám khoa nhi ở Bệnh viện rồi, rồi cả phòng khám tư nữa nhưng có hết hẳn đâu, cứ bị đi bị lại thành quen, bây giờ thấy triệu chứng tương tự cái là tôi lấy đơn thuốc cũ của bác sĩ ra mua dùng cho con” - chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

Cùng tâm lý với chị Hằng, nhiều mẹ vì đã quen với các biểu hiện bệnh của con nên chủ quan, thường cho con sử dụng lại đơn thuốc cũ hoặc dùng thuốc theo sự hướng dẫn của nhân viên hiệu thuốc.

Trường hợp của con chị Hằng không phải hiếm. Khảo sát tại khoa Nhi của các bệnh viện cho thấy, số trẻ đến khám do bị sốt, ho, viêm tai giữa…. mà nguyên nhân sâu sa là bệnh viêm mũi dị ứng gia tăng.

Theo TS.BS Bùi Văn Dân – Quyền phụ trách khoa Dị ứng miễn dịch và da liễu BV E, biến chứng hay gặp của viêm mũi dị ứng là bệnh viêm xoang tiến triển mạn tính sau này, thứ hai là viêm tai giữa… ảnh hưởng đến giấc ngủ và việc học tập của trẻ.

Kiểm soát bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ - Ảnh 1.

Biến chứng thường gặp của viêm mũi dị ứng là viêm xoang mạn tính, viêm tai giữa...

Nghiên cứu cho thấy, 40-50% trẻ bị viêm mũi dị ứng có kèm với bệnh hen và 80% trẻ em bị hen suyễn có kèm theo viêm mũi dị ứng. Lý giải về điều này, TS.BS Bùi Văn Dân cho biết: Không khí đi qua mũi, sau đó đi xuống đường thở nên các bệnh lý, các dị nguyên ở mũi cũng có thể kích hoạt thêm các biểu hiện triệu chứng của đường hô hấp dưới. Ngoài ra còn có thuyết khác, ví dụ dịch viêm ở trong mũi có thể rơi xuống ở đường hô hấp tạo nên phản ứng viêm toàn thân, trong đó có biểu hiện hô hấp.

Do đó, TS.BS Bùi Văn Dân khuyên bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng thì nên đi tầm soát các biểu hiện triệu chứng của hen phế quản và ngược lại trong những trường hợp bệnh nhân bị hen phế quản thì nên tầm soát các bệnh lý dị ứng. Các bệnh lý hen phế quản chỉ được tầm soát hoàn toàn khi bệnh viêm mũi dị ứng được kiểm soát.

TS.BS Bùi Văn Dân lưu ý các cha mẹ nên mua thuốc nhỏ mũi cho con theo hướng dẫn của bác sĩ bởi đôi khi thuốc tự mua có thể chỉ có tác dụng tức thời nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này.

“Với trường hợp trẻ bị viêm mũi dị ứng có một số vấn đề cần lưu ý, như là khi ra hiệu thuốc có thể mua được loại thuốc làm co mạch, giảm triệu chứng tắc mũi rất nhanh chỉ sau vài phút. Tuy nhiên, thuốc đó chỉ khuyến cáo dùng trong 3 ngày thôi nhưng nếu dùng kéo dài liên tục trong khoảng 1 tuần thì sau này nếu ngừng lại thuốc đó thì đôi khi triệu chứng của nó còn nặng hơn so với bình thường do quen thuốc và gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch ở mũi.

Nếu dùng quá nhiều lần trong ngày thì sẽ dẫn đến triệu chứng liên quan đến kích thích giao cảm gây ra tình trạng khó chịu, tăng nhịp tim, ở trẻ có thể thấy là tím ở các đầu chi liên quan đến vận mạch nên nếu có triệu chứng thì nên đưa con đi khám”

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng ở trẻ tùy từng giai đoạn mà có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau, ở giai đoạn sớm trẻ có thể có biểu hiện ngứa mắt, ngứa mũi thông thường và sẽ hắt hơi thành từng tràng nhưng ở giai đoạn muộn có thể dẫn đến ngạt tắc mũi và chảy nước mũi rất nhiều. Với mỗi giai đoạn có thể có những điều trị khác nhau. Trong trường hợp chỉ có ngứa mắt ngứa mũi thông thường thì có thể kiểm soát bằng thuốc chống dị ứng đường uống nhưng khi con trẻ đã chuẩn đoán dị ứng rồi và có biểu hiện ngạt tắc mũi thì phải dùng các thuốc corticoid đường mũi.

Kiểm soát bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ - Ảnh 2.

Cha mẹ nên đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường để phòng các bệnh về đường hô hấp

Trẻ bị viêm mũi dị ứng nếu đi khám và điều trị sớm sẽ được các bác sĩ cho làm xét nghiệm máu hoặc làm test tìm dị nguyên gây bệnh, từ đó biết cách phòng bệnh.

“Ở Việt Nam hay gặp các dị nguyên liên quan đến bọ nhà, các con bọ sống trong nhà, nấm mốc. Khi đã xác định viêm mũi dị ứng rồi thì có chiến lược điều trị bởi vì với viêm mũi dị ứng gần như chiến lược điều trị rất dai dẳng cần thời gian và theo khuyến cáo cần điều trị từng bậc một, không thể dùng một đơn có thể điều trị hết viêm mũi dị ứng” – TS.BS Bùi Văn Dân khuyến cáo.

Thời gian gần đây, không khí ô nhiễm ở các thành phố lớn luôn ở mức báo động. Do vậy, ở những nơi có mật độ bụi mịn trong không khí cao, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ chơi ngoài trời. Nếu ra đường cho trẻ đeo khẩu trang để vừa giữ ấm mũi cho trẻ vừa cản trở hạt bụi đi vào trong phổi. Khi về nhà, cha mẹ có thể rửa mũi cho con bằng dung dịch nước muối sinh lý hay là dung dịch nước muối biển sẵn có trên thị trường.

Chia sẻ