Khuyến khích con nêu chính kiến

Trang Hoàng,
Chia sẻ

Cha mẹ làm thay, trả lời thay, bao bọc con… sẽ khiến trẻ không muốn thể hiện chính kiến, bày tỏ quan điểm.

Khuyến khích con nêu chính kiến - Ảnh 1.

Cha mẹ để con được lựa chọn sẽ khiến con quyết đoán hơn. Ảnh minh họa: ITN

Không bao bọc trẻ

Nuôi dưỡng thói quen tốt cho con là việc vô cùng khó khăn, mất nhiều thời gian và công sức của phụ huynh. Thế nhưng, có những tính cách dễ hình thành trong trẻ và sẽ khó từ bỏ nếu không được người lớn để ý hoặc thường xuyên làm thay.

Đưa con đi chơi, mẹ hỏi con muốn đi đâu. Nhiều bé thẳng thừng trả lời cho qua chuyện rằng “đi đâu cũng được ạ”. Đến bữa ăn, khi được hỏi muốn ăn gì, không ít bé lại ậm ừ “con ăn gì cũng được”. Bảo con đưa ra ý tưởng, con nói “sao cũng được” hoặc “con không có ý kiến”. Sau này, khi lớn lên, trẻ không cần suy nghĩ mà mặc định sẵn những câu trả lời “đồng ý”, “nhất trí”…

Những câu nói, hành động tưởng như vô thức, nhưng thực tế đang hình thành trong bé thói quen không có chính kiến, ba phải.

Hiện nay, nhiều phụ huynh than phiền rằng: “Chúng tôi thấy rất khó khăn vì nhiều lúc chẳng biết bọn trẻ muốn gì”. Rất nhiều bạn nhỏ chọn cách im lặng khi gặp một vấn đề, hoặc cũng có thể chúng không dám nói cho bố mẹ biết để tìm hướng giải quyết hợp lý. Vậy nên, người lớn sẽ không hiểu được con mình có đang chịu những tổn thương về tinh thần hay thể chất gì không, con em mình đang thực sự gặp phải vấn đề gì.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Anh cho rằng, trẻ em từ 3 - 6 tuổi hoàn toàn có thể tư duy độc lập, đây cũng là giai đoạn quan trọng hình thành tính cách trẻ. Nếu trong khoảng thời gian này, cha mẹ vẫn cứ thay con sắp xếp mọi thứ, không lắng nghe ý kiến của con sẽ khiến trẻ dần dần mất đi chủ kiến, không thể hình thành tư duy độc lập, đồng thời sau này rất kém về khả năng độc lập và thường không tự tin về những việc mình làm.

Do vậy, cha mẹ cần hướng dẫn và cho trẻ cơ hội luyện tập, từng bước nhận thức đúng, sai trong hành vi của mình thông qua sự đánh giá của người lớn; tăng cường năng lực phân biệt đúng - sai, tốt - xấu cho trẻ thông qua các câu chuyện, bộ phim thiếu nhi, thường xuyên đưa ra các tình huống để trẻ lựa chọn, từ đó để trẻ nói ra cảm nghĩ của mình.

Tình trạng cha mẹ thay con quyết định hoặc bắt con làm theo sự sắp xếp của mình xảy ra rất nhiều, mục đích bởi vì người lớn lo lắng, muốn con có được những điều tốt nhất hoặc thậm chí tự cho bản thân mình là đúng.

Tuy nhiên, dưới sự bảo bọc quá kỹ của ba mẹ sẽ vô tình hạn chế sự phát triển của trẻ, khiến trẻ thiếu đi tính tự lập và quyết đoán trong cuộc sống, đồng thời không dám tự tin nói ra suy nghĩ của mình.

Nhiều việc bố mẹ làm thay cho con mà không cần hỏi ý kiến. Dần dần bé sẽ có suy nghĩ “Bố mẹ muốn thế nào thì cứ làm theo thế vậy, dù sao ý kiến của mình cũng không ai nghe”.

Khuyến khích con nêu chính kiến - Ảnh 2.

Ảnh minh họa ITN.

Hãy để con thoải mái

Theo chuyên gia Lan Anh, một nguyên tắc mà bố mẹ cần lưu tâm và thực hiện nghiêm túc, đó là khắc phục tính ỷ lại của trẻ. Cần sớm cho trẻ luyện tập kỹ năng cơ bản trong cuộc sống như tự mặc quần áo, lau bàn, rửa tay, quét nhà... Nếu trẻ làm chưa tốt, cha mẹ không nên la mắng mà hãy hướng dẫn, khuyến khích trẻ làm lại cho tốt hơn.

Muốn con trẻ nói lên được những suy nghĩ của bản thân, người lớn hãy để chúng cảm thấy “thích” được tâm sự cũng như thoải mái về tâm lý.

Bố mẹ nên lắng nghe con với thái độ chăm chú và biểu thị đồng tình, có thể chỉ là những cái gật đầu, những lời nói đệm: “Thế à”, “Ừ, con nói tiếp đi”… bằng những cử chỉ rất nhỏ này sẽ giúp con cảm thấy tự tin hơn và tin tưởng là bố mẹ đang quan tâm đến vấn đề của mình.

Trong cuộc sống có rất nhiều tình huống cần con đưa ra sự lựa chọn, từ đó giúp bé có sự tự lập, tự tin hơn khi được đưa ra ý kiến cá nhân của mình mà không “ba phải”. Dần dần bé sẽ hình thành được thói quen để nói ra suy nghĩ và điều mình mong muốn.

Với mỗi hoạt động thường ngày, bố mẹ có thể dùng những câu hỏi để cho bé chọn giống như “Con muốn ăn bánh mì hay bún cho bữa sáng?”, “Hôm nay đi học con muốn mặc áo màu gì?”, “Muốn nghe câu chuyện nào trước khi đi ngủ?”…

Việc cho con nói ra sự lựa chọn của mình giúp bé vừa thực hành được khả năng diễn đạt mong muốn, vừa tạo cơ hội để bố mẹ hiểu được lý do mà con lựa chọn để nắm được sở thích cũng như những điều mà bé muốn. Điều này góp phần tạo mối tương tác giữa bố mẹ với con hiệu quả hơn, hạn chế sự ngại ngùng giữa các thế hệ và giúp trẻ tự tin trong cuộc sống sau này.

Về phía cha mẹ, khi điều chỉnh thói quen xấu của con, phải có thái độ đúng đắn, rõ ràng về bất cứ hành vi, suy nghĩ nào của con. Cha mẹ cần khuyến khích để trẻ đưa ra các giải pháp. Sau đó hãy cùng trẻ bàn bạc, phân tích về ưu và nhược điểm của từng giải pháp mà trẻ đưa ra. Cuối cùng, chúng ta hãy để trẻ tự lựa chọn giải pháp để giải quyết vấn đề.

“Khi con làm được một điều gì đó, cha mẹ hãy có nhận xét, giải thích rõ ràng để trẻ nhận biết được đúng - sai và rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Cần lưu ý, lời nhận xét của cha mẹ với mục đích giúp trẻ trở nên tiến bộ hơn, chứ không phải là phán xét, do vậy những lời nhận xét phải mang tính cổ vũ trẻ”, chuyên gia Lan Anh lưu ý.

Chia sẻ