Không phải bà mẹ nào cũng biết cho con bú

,
Chia sẻ

Dù bạn làm mẹ lần đầu tiên hoặc cũng có thể là lần thứ hai, thứ ba, vẫn còn nhiều "bí mật" về quá trình cho con bú sữa mà chưa chắc bạn đã nắm vững đâu nhé!

Khi nào sữa về?

Trong những ngày đầu tiên kể về từ lúc em bé vừa được sinh ra, cơ thể của bạn đã tiết ra một loại sữa non rất bổ dưỡng đối với trẻ sơ sinh. Với nhiều bà mẹ, sữa non tiết ra nhiều và có màu vàng nhạt. Nhưng ở một số bà mẹ khác, sữa non loãng và có màu trắng.

Thực tế, không phải bà mẹ nào cũng biết hết tác dụng của loại sữa non này, có người còn vắt sữa non rồi đổ đi vì cho rằng dòng sữa ban đầu không có nhiều chất bổ. Sự thực là, sữa non của mẹ chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, kháng sinh khác nhau, giúp cơ thể bé chống lại những vi khuẩn có hại xâm nhập và tăng cường hệ thống miễn dịch.
 
Dòng chảy của sữa non điều tiết từ từ giúp bé làm quen với việc bú sữa và biết làm thế nào để cân bằng yếu tố cùng một lúc trong việc bú như: nuốt, thở và bú một cách hài hòa, hỗ trợ nhau.

Sau khoảng ba đến bốn ngày cho con bú, hai bầu ngực của bạn sẽ trở nên căng và chắc hơn vì sữa trong cơ thể bạn đã bắt đầu thay đổi sang một dạng khác. Từ mười đến mười bốn ngày, dòng sữa dần được hoàn thiện và đủ tiêu chuẩn chất lượng để trở thành nguồn dinh dưỡng cung cấp cho bé hằng ngày.

Trong khoảng thời gian này, lượng sữa trong cơ thể của bạn tăng dần để đáp ứng nhu cầu của bé. Lượng sữa được quyết định bởi sự kích thích tuyến vú. Điều này cho thấy bé bú càng nhiều thì lượng sữa càng lớn. Trong trường hợp bé chưa quen với việc bú sữa, bạn nên có tác động kích thích tuyến vú thường xuyên và vắt sữa ra ngoài để sữa vẫn tiếp tục về.

Với những mẹ đẻ mổ, sữa mẹ sẽ về muộn hơn một chút. Bạn đừng quá lo lắng khi những ngày đầu chưa thấy sữa đâu. Kể cả lúc chưa có sữa, bạn vẫn nên cho con tập bú bằng cách để bé ngậm ti mẹ từ hai đến ba giờ một lần. Sự kích thích này giúp sữa mẹ mau về hơn.

Nếu trong vòng 72 giờ sau khi sinh mà sữa vẫn chưa về, bạn nên thông báo với bác sĩ để bác sĩ cố vấn cho bạn một chế độ dinh dưỡng bên ngoài mà không bị giảm cân nhiều. Tuy nhiên, bạn cũng đừng ngạc nhiên và quá lo lắng nếu bỗng dưng em bé bị... xọp đi. Hầu hết, trẻ sơ sinh thường mất khoảng 7% trọng lượng trong những ngày đầu tiên.
 

Khi nào nên bắt đầu cho trẻ bú sữa?

Nếu có thể, hãy cho em bé bú sữa ngay từ giờ đầu tiên vừa được sinh ra. Đây là khoảng thời gian bé rất... tỉnh táo và chính bản năng tự nhiên của trẻ sẽ giúp trẻ biết cách bú sữa cho dù đây là lần đầu tiên. Sau đó, em bé cần rất nhiều thời gian để ngủ (khoảng 24 giờ). Vì vậy, việc đánh thức bé để bú trong lúc này là điều rất khó. Cho dù bé chịu thức dậy, bé cũng không tỉnh táo như trong giờ đầu tiên và khó tập trung vào công việc bú mẹ.

Ban đầu, nhiều bé chưa quen với việc ngậm ti, nhưng việc luyện tập ngay từ khi sinh ra như thế này sẽ giúp bé làm quen với việc bú sữa và... phấn khởi hơn trong những lần bú kế tiếp. Tất nhiên những lần bú đầu sẽ khiến bé lúng túng, nhưng điều quan trọng nhất chính là bé mở to miệng và ngậm được sâu vào vú của mẹ. Nếu trong lúc bú mà bé ngủ quên, mẹ nên đánh thức bé bằng cách cù nhẹ vào chân để bé tỉnh dậy và tiếp tục làm quen với việc bú sữa.

Có nên cho bé bú bình và sử dụng núm vú giả?

Thực ra, nếu có thể cho bé bú trực tiếp từ mẹ thì đó là cách tốt nhất để đảm bảo cả về chất lượng sữa lẫn sức khỏe của bé. Vì một lý do nào đó mà bạn đã cho bé ngậm vú giả hoặc bú bình ngay từ những ngày đầu tiên thì rất khó để bé dứt ra và làm quen với ti mẹ.

Bé sẽ "nghiện" vú giả và cho rằng ngậm vú giả dễ ti hơn và việc bú diễn ra nhanh chóng hơn. Tốt nhất, hãy cho bé làm quen với nhiều cách bú khác nhau bé sẽ lẫn lộn và không tập trung vào một loại ti nhất định nào, điều đó sẽ dẫn đến việc bé lười bú ti mẹ.

Làm thế nào biết bé đói?

Khóc là dấu hiệu cuối cùng cho biết bé đang đói. Hãy phát hiện điều đó ngay từ những "tín hiệu" đầu tiên để bạn có thể kịp thời đáp ứng nhu cầu cần được ăn của trẻ:

Ngọ nguậy đầu liên tục từ phải qua trái.

Mở to miệng.

Nắm chặt tay lại và đặt lên miệng

Môi chun lại như khi đang bú thật

Muốn rúc vào ngực mẹ khi mẹ lại gần.

Làm thế nào để biết rằng bạn đang có sữa?

Mỗi người mẹ có những dấu hiệu "xuống sữa" không giống nhau. Trong những ngày đầu, có thể bạn sẽ cảm thấy co thắt ở vùng dạ con khi sữa đang xuống. Việc kích thích tuyến sữa bằng cách cho bé bú "thô" (chỉ ngậm ti nhưng mẹ chưa có sữa) cũng giúp cho việc sữa diễn ra dễ dàng hơn.

Mẹ có sữa cũng biểu hiện bằng việc cảm thấy ngực mình căng, tức hoặc cũng có thể xuất hiện những cảm giác ngứa ran ở đầu vú. Nhiều mẹ còn nhìn được cả sữa ứa ra từ ngực mình. Dù không có những dấu hiệu kể trên. Nhưng nếu bạn nghe thấy những tiếng con nuốt sữa khi cho bé bú, điều đó cũng chứng tỏ bạn đang có nhiều sữa.

Làm thế nào để biết được em bé bú đúng cách hay không?

Hãy chắc chắn rằng con bạn mở to miệng và vị trí lưỡi của bé ở phía dưới ti mẹ.

Hỗ trợ bé bú bằng việc dùng tay nâng ngực lên để bé đút miệng vào ti mẹ dễ dàng hơn. Chú ý để bé ngậm hết quầng vú mẹ.

Trong lúc bé đang bú, thỉnh thoảng, mẹ cần kéo nhẹ ti ra khỏi miệng bé rồ chạm ti vào cằm con để ra hiệu cho bé mở to miệng.

Khi con mở to miệng rồi, hãy nhanh chóng đưa con tới gần ti mẹ (chứ không phải là kéo ti mẹ xích vào hướng con). Nhờ đó, bé yêu sẽ dễ dàng ngậm sâu vào vú mẹ hơn.

Hãy chắc chắn rằng mũi em bé chạm gần vào ngực của bạn trong lúc đang bú và bạn còn có thể nghe được tiếng bé "tộp tộp" nữa. Việc bé bú sữa đúng cách cũng có thể quan sát được bằng cách nhìn vào sự chuyển động của các cơ dọc miệng bé, thậm chí là cả tai và thái dương.

Khi bé bú đúng cách, bạn sẽ có cảm giác hơi đau ở đầu vú trong khoảng từ 30 đến 60 giây đầu tiên. Sau đó, cơn đau sẽ dịu bớt. Bạn còn cảm thấy bị giật mạnh ở vú vì em bé đang bú. Nếu vẫn tiếp tục đau, bạn nên tạm thời ngừng lại và chuyển bé nằm bú ở tư thế khác.

Tạo sự thoải mái

Đừng quá căng thẳng trong lúc cho bé bú. Bạn cũng có thể tự tạo sự thoải mái, dễ chịu cho mình trong lúc cho con bú bằng cách:

Để cạnh chỗ bạn nằm cho con bú một chiếc giỏ lớn, trong giỏ chứa đầy đủ những vật dụng cần thiết như tã, khăn sữa, bỉm, thậm chí là cả chai nước sách báo, điều khiển vô tuyến, máy nghe nhạc, điện thoại để mẹ có thể sử dụng trong lúc bé bú mà không cần phải đứng lên nhiều lần để lấy các vật dụng đó.

Vị trí cho con bú hằng ngày cũng rất quan trọng. Các bà mẹ nên chọn một chỗ nằm, chỗ ngồi thoải mái và nên ít thay đổi vì bé cũng sẽ quen với chỗ ngồi này. Khi đã có một vị trí "an toàn", bé sẽ yên tâm hơn trong lúc bú, còn mẹ luôn có cảm giác thoải mái, dễ chịu vì đã có một vị trí phù hợp.

Thỉnh thoảng, các mẹ cũng nên quan tâm tới bàn chân và lưng của mình trong lúc cho con bú. Thay đổi vị trí của chân để chân không bị tê hoặc chuột rút. Ngoài ra, cũng có thể kê lưng mẹ bằng một chiếc gối để ít có cảm giác đau lưng.
 
Theo Mẹ&bé
Chia sẻ