Không cần mua đồ chơi đắt tiền, hãy biến nhà bạn thành xưởng sản xuất đồ chơi để con phát triển tốt nhất
Thay vì mua đồ chơi đắt tiền và hoàn hảo khiến cho trẻ không cần suy nghĩ, chẳng cần dụng công và trở nên thụ động, lười biếng, bố mẹ nên cho con tự do sáng tạo với tất cả những thứ chổi cùn rế rách trong nhà.
Ngày còn nhỏ, chắc vì nhà nghèo quá, không có tiền mua đồ chơi, nên bố mẹ tôi thường tự chế đồ chơi cho con. Trong khi bọn bạn bè có nào là búp bê, súng lục, vòng đẹp, khăn xinh, son môi, thì chúng tôi chỉ được bố mẹ mua cho rặt sách là sách. Quà sinh nhật là sách, quà năm học mới cũng là sách. Chủ nhật nào cũng đi mua sách. Còn đồ chơi thì cả nhà đều vận dụng hết mọi sự sáng tạo để tự chế lấy.
Bố tôi tháo tung mấy cái đồng hồ hỏng, lấy đám máy móc bên trong ra cho con chơi. Bọn tôi vặn cót, biến cái đồng hồ hỏng thành cái xe tăng chạy ầm ì. Mẹ lấy đất sét cao lanh trắng của nhà máy sứ, nặn thành một con rùa và một con thỏ chạy thi với nhau. Hai bên chơi sẽ gieo xúc xắc, hơi na ná giống trò cá ngựa. Đất sét cao lanh còn thừa được bố nặn thành tượng, thành búp bê, thành ông phỗng rồi vẽ màu vào thành mắt mũi mồm miệng. Thằng em tôi bắt bọ xít rồi dính nhựa đường vào cái miếng thiếc cắt từ tuýp kem đánh răng làm ô tô. Tôi lấy cuộn chỉ làm thân búp bê, khâu vải nhồi bông thành đầu và tay búp bê, lấy chỉ làm tóc, lấy vải vụn may thành quần áo, rồi cũng có búp bê chơi như ai. Tôi lấy len móc làm khăn, làm túi. Bạn bè có cái gì mà chúng tôi không có, là bố mẹ con cái lại bò ra tự chế, thành những món đồ độc đáo, không đụng hàng ai, thành ra tuổi thơ tuy là con nhà nghèo, nhưng cũng tự thấy mình không thiếu thốn.
Trong phòng thí nghiệm có dao, búa, kìm, cưa, tô vít, màu vẽ, giấy lộn, đũa, nắp bia, chai lọ, bật lửa, là một cái xưởng sản xuất đồ chơi và sản sinh ra những trò nghịch dại (Ảnh minh họa).
Thói quen tự chế đó từ ngày bé đã khiến cho hai chị em tôi, dù không thông minh chăm học cho lắm, nhưng thường được các thầy cô khen là có phẩm chất sáng tạo, viết văn thì chẳng bao giờ theo mẫu, giải toán cũng thường hay nghĩ ra những cách khác, nhiều khi lòng vòng hơn nhưng kết quả vẫn đúng, học sử học địa đều không bao giờ cần học thuộc lòng, biết lắp bài nọ sang bài kia để kiếm điểm cao. Sau này trong cuộc sống và công việc, tôi luôn có thói quen tự đặt cho mình câu hỏi: Liệu có cách nào tốt hơn không? Liệu mình có thể làm khác đi không? Liệu mình có thể sống khác đi không? Tôi luôn muốn đi con đường riêng của mình, theo cách riêng của mình. Ý tưởng dù điên khùng, viển vông, vẫn không từ bỏ. Lối sống dù khác biệt, lập dị, vẫn tự cảm thấy vui trước sự lựa chọn của mình. Cuộc sống đó một phần có được là nhờ thói quen phải tự chế đồ chơi hồi bé.
Khi nuôi con, tôi cũng hạn chế tối đa mua cho bọn trẻ con những đồ chơi đắt tiền, hoàn hảo, và cũng phát huy tối đa truyền thống tiết kiệm và sáng tạo của gia đình. Những chiếc ô tô chạy bằng pin, có cảm ứng, vừa chạy vừa la hét inh ỏi là thứ bị loại ra đầu tiên trong danh sách những thứ cần mua. Rồi thì các loại súng ống, có khả năng bắn đạn vèo vèo, phóng tia laze ầm ầm, cũng là đối tượng bị trừ khử. Các loại robot biết nói biết cười biết hát và bảo sao nghe vậy cũng chưa bao giờ lọt vào tầm ngắm.
Một đứa trẻ con giỏi chơi như vậy, cũng đáng khen ngợi chẳng kém những đứa trẻ con giỏi học (Ảnh minh họa).
Tôi chỉ mua về cho bọn trẻ con những thứ mà chúng phải tự động não, tự lao động mới có thể tạo được niềm vui cho mình, may thay, mấy món đó thì rẻ bèo và chơi năm này sang năm khác mà không biết chán. Thằng anh chơi xong thì đến lượt thằng em, không hỏng hóc, không lỗi mốt. Với hàng trăm mẩu gỗ không sơn, chúng có thể xếp thành lâu đài, thành phố, quấn giấy buộc chun làm thành súng. Chỉ với một hộp lego mà bọn chúng chơi được tới 7 năm. Với mấy gam giấy màu và giấy A4, chúng gấp thành phi tiêu, súng, kiếm, dao. Với đũa và que gậy trong nhà và chun quần đã dão, chúng làm thành cung bắn vèo vèo. Nắp lon bia được thằng anh kiên nhẫn đập bẹp, lấy que sắt hơ lửa cho nóng đục thành lỗ, xỏ dây vào quay tít mù. Với một cành cây nhặt được trên đường đi học, chúng cưa cưa đục đục một lúc đã làm thành cái súng cao su.
Thằng em thường khoe vung vít với các bạn là nhà tớ có phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm mà chúng nó nói, thực ra là cái nhà vệ sinh không dùng tới. Đó là không gian mà bọn nó có thể thỏa sức nghịch ngợm những trò dại dột. Trong phòng thí nghiệm có dao, búa, kìm, cưa, tô vít, màu vẽ, giấy lộn, đũa, nắp bia, chai lọ, bật lửa, là một cái xưởng sản xuất đồ chơi và sản sinh ra những trò nghịch dại. Phòng thí nghiệm lúc thì khét mù mùi giấy bị đốt cháy, lúc thì be bét vì giấy vệ sinh bị nhúng nước rồi ném lên tường thành pháo hoa, lúc thì loang lổ màu vẽ vì chúng phải thí nghiệm xem khi các màu trộn vào nhau đổ vào bồn cầu thì nó sẽ thành ra màu gì. Phòng thí nghiệm lúc nào cũng rất bẩn và nhếch nhác, nhưng hai khoa học gia thì bao giờ cũng mặt mày hớn hở khi từ phòng thí nghiệm bước ra.
Dù nhà cửa lúc nào cũng bề bộn vì bọn trẻ con có nhu cầu tích trữ đồng nát sắt vụn để phát minh sáng chế, và chúng nó không ngừng biến bất cứ phòng nào thành phòng thí nghiệm khi cần, nhưng khi quan sát bọn trẻ con, tôi bắt đầu cảm thấy tự hào vì thành quả của mình. Bọn chúng tuy không giỏi học, nhưng chắc chắn là những đứa trẻ con rất giỏi chơi. Chúng giàu ý tưởng, sử dụng bàn tay một cách khéo léo, biết cách quan sát, có cảm nhận tốt về không gian, tập trung cao, kiên nhẫn và biết chịu đựng gian khổ.
Một đứa trẻ con giỏi chơi như vậy, cũng đáng khen ngợi chẳng kém những đứa trẻ con giỏi học. Với một người mẹ chẳng có nhiều kì vọng vào con cái, chỉ mong ước con là một người lao động bình thường, biết tự mưu sinh và sống có ích, thì bấy nhiêu là đủ lắm rồi.
Không có những món đồ chơi đắt tiền hoàn hảo, đó chính là điều kiện thuận lợi để trẻ phát huy trí tưởng tượng và sáng tạo (Ảnh minh họa)
Các đồ chơi đắt tiền và hoàn hảo, đối với bọn trẻ con, thực chất là những món đồ chơi tẻ nhạt. Sau khi đã khám phá hết các tính năng của nó, bọn trẻ con thường quẳng đi và không có nhu cầu chơi lại. Ngược lại, với những mẩu giấy vụn, chai nhựa vứt đi, những mẩu gỗ thừa, trẻ có thể tự biến hóa thành vô vàn món đồ chơi mà chúng thích khi cần. Trong quá trình chế tạo đồ chơi, trẻ học được cách xây dựng ý tưởng, cách sử dụng các công cụ như dao kéo, kìm búa một cách khéo léo. Việc tự chế tạo còn đem lại cho trẻ niềm tự hào khi lao động, niềm vui khi hoàn thành sản phẩm. Đó chính là nguồn gốc sâu xa của mọi sự sáng tạo của con người.
Thay vì mua đồ chơi đắt tiền và hoàn hảo khiến cho trẻ không cần suy nghĩ, chẳng cần dụng công và trở nên thụ động, lười biếng, bố mẹ nên cho con tự do sáng tạo với tất cả những thứ chổi cùn rế rách trong nhà, để chúng được tận hưởng niềm vui của lao động và sáng tạo, để chúng được trưởng thành trong sự mày mò, làm lụng, thử nghiệm, để chúng cảm nhận được sự vất vả của làm việc cũng như sự tự hào của thành công.
Không có những món đồ chơi đắt tiền hoàn hảo, đó chính là điều kiện thuận lợi để trẻ phát huy trí tưởng tượng và sáng tạo, kĩ năng lao động và niềm khao khát được khẳng định bản thân mình.