Khơi dậy sự tò mò, ham khám phá của trẻ

Nhà văn Hoàng Anh Tú,
Chia sẻ

Tò mò, hiếu kỳ là đặc tính ở nhiều đứa trẻ. Chỉ tiếc rằng đôi khi người lớn chúng ta quên cách sử dụng hoặc thậm chí, triệt tiêu sự tò mò của con.

Khơi dậy sự tò mò, ham khám phá của trẻ - Ảnh 1.

Tại sao con hết tò mò?

Đầu tiên là việc cha mẹ làm hết mọi thứ cho con. Thương con nên cái gì cha mẹ cũng làm thay con. "Vì nó còn bé quá". Một người 40 tuổi vẫn là đứa trẻ trong mắt cha mẹ mình. Việc cha mẹ giành làm hết mọi thứ sẽ triệt tiêu những thử thách mà con cần vượt qua, trong đó có cả sự tò mò đặc hữu của con.

Thế giới của trẻ sẽ thu hẹp lại bằng đúng… một phần thế giới của cha mẹ khi ta triệt tiêu đi sự tò mò trong con. Đứa trẻ sẽ lớn lên cùng sự hưởng thụ, thay vì khám phá.

Đến cả những lời khen của cha mẹ cũng sẽ không còn là động lực nữa nếu như lời khen đó không đến từ ghi nhận nỗ lực khám phá của con hay thành tựu nhờ con đã tò mò, tìm kiếm và chinh phục.

Con không còn tò mò vì… khó quá, bỏ qua. Là chúng ta cũng dễ dàng bỏ cuộc trước những việc khó, ta dạy con bằng sự thiếu kiên nhẫn của mình. Cha mẹ không kiên nhẫn thì lấy gì dạy con về sự kiên nhẫn?

Như đèn đỏ còn 3 giây đã chạy, như chọn dễ, bỏ khó mỗi khi phải lựa chọn. Sự tò mò ít dần đi khi trẻ thiếu kiên nhẫn.

Điều con muốn và điều con cần

Hai động lực chủ đạo dẫn dắt chúng ta là điều chúng ta muốn và điều chúng ta cần. Nếu chúng ta cảm thấy có ít hoặc không có động lực để hoàn thành một nhiệm vụ nghĩa là ta không cảm thấy cần thiết hoặc không mong muốn hoàn thành nó thì ít có khả năng nhiệm vụ đó sẽ được hoàn thành tốt, hoặc thậm chí không hoàn thành được.

Vậy nên, hãy cho con thấy đầy đủ 2 điều này. Con cần làm gì để đạt được điều con muốn. Tò mò chính là chất xúc tác. Chỉ khi đứa trẻ đủ tò mò, chúng sẽ vào cuộc. Cha mẹ có thể thúc đẩy tò mò bằng những nhiệm vụ khả thi trong những điều cần một cách chi tiết, khoa học.

Con học cho ai?

Nhiều cha mẹ đều nói: Con học cho con. Nhưng thái độ, cảm xúc của cha mẹ thì luôn cho ra kết quả khác với lời cha mẹ nói. Thành con học cho cha mẹ. Làm sao con có thể học cho chính mình nếu như con không có sự tò mò về năng lực của mình, về thế giới mai này của con? Hãy gợi mở, hãy thúc đẩy sự tò mò của con về tương lai của con.

Tò mò không đau đớn

Nhiều cha mẹ vẫn hay áp dụng hình phạt, trừng phạt khi con cái không hoàn thành những nhiệm vụ họ đã giao cho con. Điều này khiến con đối phó hoặc cam chịu chứ chẳng còn hứng thú, tò mò nào nữa.

Hãy thưởng cho con để tạo động lực cho con tiếp tục khám phá thay vì trừng phạt con khiến con thành bị động.

Bằng ghi nhận những gì con khám phá chứ không phải những gì con chỉ làm theo chỉ dẫn.

Biến sự tò mò, khám phá của con luôn không đau đớn ngay cả khi nó thất bại.

Thay vì lúc nào chúng ta cũng chỉ thưởng cho con, hãy bổ sung vào sách lược của cha mẹ những chiêu thức khơi dậy sự tò mò trong con, biến tò mò thành tự nhiên như động lực bên trong của con vậy.

- Tạo ra những thách thức vừa đủ để con chinh phục và hoàn thành nó.

- Giả vờ không biết, gợi ý con có thể giúp bố/mẹ tìm hiểu nó được không?

- Cảm ơn con vì đã khai thông bế tắc này cho bố mẹ. Con thật sự rất có năng lực về vấn đề này đó.

- Chà, để kiếm được điểm 7 này hẳn con đã phải tìm hiểu rất nhiều nhỉ? Có thể kể cho bố mẹ con đã làm thế nào không?

Nói cách khác, việc học tập hiệu quả xảy ra khi trẻ thực sự muốn học. Vì vậy, cha mẹ cần khơi thông sự tò mò trong con, hãy tặng thưởng con vì quá trình thay vì kết quả. Đừng quên, học hành là việc cả đời và nó chỉ duy trì khi chúng ta còn giữ được sự tò mò trong chúng ta.

Chia sẻ