Khi trẻ cắn móng tay thường xuyên bố mẹ chớ chủ quan, để lâu sẽ tổn thương tâm lý nghiêm trọng dẫn đến ám ảnh cưỡng chế

PHAN HIỀN,
Chia sẻ

Trẻ cắn móng tay không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính thẩm mỹ mà nguy hiểm hơn là nó khiến trẻ mắc những căn bệnh tâm lý.

Giai đoạn trẻ đi học mẫu giáo là thời điểm quan trọng để hình thành thói quen và tính cách của một người. Nếu chẳng may trẻ có thói quen xấu, bố mẹ nên kịp thời tìm hiểu và giúp con mình thay đổi.

Bố mẹ của Tiểu Ưu đã ly hôn khi cậu bé mới 3 tuổi. Mỗi khi thấy bố mẹ cãi nhau, cậu bé thường trốn xuống gầm bàn. Bây giờ cậu bé sống với mẹ, lúc người mẹ căng thẳng hay tức giận chuyện gì đó, cậu bé cũng có xu hướng tìm một góc nào đó trốn đi.

Trẻ cắn móng tay - Ảnh 1.

Tiểu Ưu có tật xấu là hay cắn móng tay. (Ảnh minh họa)

Khi đi học trở lại, cô giáo phát hiện ra cậu bé có tật xấu hay cho tay vào miệng và liên tục cắn móng tay. Có những lúc móng tay xước chảy máu nhưng cậu bé vẫn im lặng, không khóc.

Thấy như vậy, cô giáo liền mời mẹ của Tiểu Ưu lên trao đổi và nói: "Trẻ con có thói quen cắn móng tay thường hay căng thẳng, buồn phiền trong lòng. Vì thế, bố mẹ cần phải giúp con mình thay đổi tật xấu này, tìm ra nguyên nhân cụ thể, nếu không sẽ rất khó để thay đổi khi trẻ lớn lên".

Sau khi nói chuyện với cô giáo xong, mẹ của Tiểu Ưu liền mua một lọ sơn móng tay. Lọ sơn này có vị đắng, được thiết kế đặc biệt để trị tật cắn móng tay ở trẻ con. Khi nhìn thấy móng tay của Tiểu Ưu có màu kỳ lạ, bạn bè xúm lại xem khiến cậu bé phải giấu tay vào túi, không dám duỗi ra.

Quả thật, Tiểu Ưu đã không cắn móng tay trong 2 ngày nhưng đến ngày thứ 3 vẫn tiếp tục thói quen này. Điều này càng khiến cho mẹ của cậu bé phiền não.

Cắn móng tay ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ như thế nào?

Nguyên nhân hình thành tật cắn móng tay phần lớn do tâm lý trẻ bất ổn, chẳng hạn như không cảm thấy an toàn, tâm trạng căng thẳng, thiếu tình thương của bố mẹ, buồn phiền, chán nản… Một số bố mẹ thường không quá quan tâm tới tật xấu này của con mình, hoặc cho rằng trẻ sẽ thay đổi khi lớn lên.

Trên thực tế, nếu thói quen xấu của trẻ không được điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng tới tính cách sau này của chúng. Trong những nghiên cứu về tâm lý học, người ta phát hiện ra rằng, những đứa trẻ hay cắn móng tay thường có chung 3 tính cách này:

1. Nhút nhát, sợ hãi, thường trốn chạy khi gặp rắc rối

Khi bố mẹ cãi nhau, một số trẻ sẽ ngăn cản, bênh vực bố hoặc mẹ mình. Trong khi số khác có xu hướng trốn tránh, tìm cách giải tỏa sự sợ hãi bên trong bằng cách cắn móng tay.

Mỗi khi đối mặt với những điều khiến bản thân cảm thấy sợ hãi, trẻ không muốn tìm cách giải quyết mà chỉ muốn trốn tránh. Cắn móng tay là một trong những cách đơn giản để trẻ giải tỏa những cảm xúc tiêu cực này.

Trẻ cắn móng tay - Ảnh 2.

Vì thế, không có gì lạ khi thấy những đứa trẻ thích cắn móng tay từ nhỏ đều có xu hướng rụt rè, ít nói, sống nội tâm, hay né tránh khi gặp vấn đề.

2. Tâm hồn nhạy cảm, dễ bị tổn thương

Trẻ cắn móng tay cũng cho thấy chúng đang có sự lo lắng bên trong và dùng hành động này để xoa dịu cảm xúc. Những đứa trẻ như thế này thường không có cảm giác an toàn, tâm hồn nhạy cảm, yếu đuối, dễ bị tổn thương.

3. Tự ti, không muốn giao tiếp với người khác

Cắn móng tay là dấu hiệu cho thấy người đó sống hướng nội và có lòng tự trọng thấp. Những đứa trẻ này thường tự ti, không tin vào khả năng của bản thân, thích giấu giếm mọi việc, hay cúi đầu khi nói chuyện với người khác.

Bố mẹ có thể làm gì để ngăn chặn trẻ cắn móng tay?

Việc trẻ thích cắn móng tay không chỉ ảnh hưởng tới vấn đề sức khỏe, nghiêm trọng hơn là nó hình thành những tính cách tiêu cực. Việc bôi thuốc hoặc sơn móng tay không phải là cách giải quyết tối ưu. Nếu bố mẹ áp dụng cách đánh đập, la mắng, cưỡng ép càng khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Trẻ cắn móng tay - Ảnh 3.

Bố mẹ cần ngăn chặn thói quen trẻ cắn móng tay.

Sau đây là 2 cách bố mẹ có thể ngăn chặn việc con mình cắn móng tay:

Bố mẹ quan tâm, yêu thương trẻ nhiều hơn

Việc trẻ thích cắn móng tay là do chúng có vấn đề về nội tâm, khi bố mẹ không quan tâm hoặc môi trường sống không ổn định khiến trẻ luôn có cảm giác lo lắng, bất an và sợ hãi.

Đối với những đứa trẻ này, bố mẹ cần quan tâm, yêu thương nhiều hơn để xoa dịu những bất an trong lòng chúng. Khi trẻ cảm thấy không cô đơn nữa, chúng sẽ ngày càng tự tin và mạnh dạn hơn, từ đó sẽ thay đổi dần thói quen cắn móng tay.

Bố mẹ phân tán sự chú ý của trẻ

Thay vì dùng những cách mang tính cưỡng ép, la mắng, bố mẹ có thể đánh lạc sự chú ý của trẻ mỗi khi chúng cắn móng tay. Chẳng hạn như mỗi khi thấy con mình cắn móng tay, bố mẹ có thể nhờ chúng làm việc này việc khác, phân tán sự tập trung, theo thời gian tật xấu này có thể sẽ giảm bớt.

Những tác hại khác khi trẻ cắn móng tay

Trẻ có thói quen cắn móng tay trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tâm lý như sau:

Trẻ cắn móng tay - Ảnh 4.

Trẻ cắn móng tay có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm.

- Hình thành bệnh nấm móng mãn tính do nhiễm trùng vùng da quanh ngón tay.

- Cản trở sự phát triển bình thường của móng tay, gây tổn thương vĩnh viễn.

- Gây ra các vấn đề về răng miệng như răng bị lệch, biến dạng, ảnh hưởng tới chức năng nhai hoặc các vấn đề liên quan tới sự kết nối giữa hộp sọ và xương hàm.

- Dấu hiệu của rối loạn ám ảnh cưỡng chế, cần phải dùng thuốc để điều trị.

Nguồn: QQ, Zhihu

Chia sẻ