Khi mẹ kế bị con chồng bắt nạt

,
Chia sẻ

Trong hai tuần, Linh đòi mẹ kế 4 triệu đồng tiền học. Thấy quá nhiều, chị Khanh yêu cầu nói cụ thể từng khoản thì Linh quát: “Cô vừa phải thôi, tiền là của bố tôi”.

Sau khi kết hôn, chị Khanh (Hà Đông, Hà Nội) cũng phải chịu đựng rất nhiều ấm ức từ con gái riêng của chồng.
Dù luôn mềm mỏng với cô bé, cố gắng hết sức nhưng chị vẫn luôn bị con chồng gây khó dễ.

Bất lực với con chồng

Chị Khanh là giáo viên trung học, được bạn bè, đồng nghiệp nhận xét là tính tình hoà nhã, dễ chịu. Tuy nhiên, điểm về hình thức của chị không được cao lắm nên đã ngoài 30 tuổi mà  vẫn chưa tìm được nhân duyên.

Anh Phúc, giám đốc một công ty tư nhân, đã ly dị vợ và đang nuôi một cô con gái học lớp 9. Đã một lần lỡ dở với người vợ tuy xinh đẹp nhưng kém chính chuyên (cũng vì lý do này mà hai người chia tay) nên khi gặp chị Khanh, anh thấy những đức tính tốt đẹp của chị và biết đó chính là điều anh cần ở một người vợ. Hai người nhanh chóng có được sự đồng cảm và trở thành vợ chồng.

Tuy nhiên, rắc rối lại đến từ phía Linh, cô con gái riêng của anh Phúc. Từ ngày về làm mẹ kế của cô bé, chị Khanh toàn bị con gái chồng bắt nạt mà chẳng khi nào dám mắng con lấy một câu. Một phần cũng là vì chị thực lòng muốn sống hoà thuận với con chồng, phần nữa vì tính chị nhu mì, lại là nhà giáo nên không muốn phải mang tiếng dì ghẻ con chồng. Với những thái độ hay câu nói thiếu thiện cảm, nhiều khi là thiếu tôn trọng, vô lễ của Linh, chị Khanh đều bỏ qua. Chị mong qua thời gian, Linh sẽ hiểu được tấm lòng mình.

Được thể, Linh càng ngày càng quá đáng. Hằng ngày đi học về là đã có cơm mẹ kế dọn sẵn, cô bé chỉ việc tắm rửa và ngồi vào bàn. Thế nhưng bữa nào Linh cũng chê bai, hôm thì chê rau luộc nát, hôm thì bảo “cô chả biết đổi món gì cả, ăn mãi cá thế này thì ăn sao được”, rồi Linh buông đũa chạy thẳng lên phòng.

Dành được tình cảm và sự tin cậy của con chồng là một điều khó khăn.Ảnh: Inmagine.

Do hay phải đi công tác, cũng muốn để cho vợ và con riêng gần gũi nhau hơn, anh Phúc thường để chị Khanh đảm nhiệm hết những việc liên quan đến Linh. Tiền tiêu vặt và đóng học của con, anh cũng giao cho chị. Linh thường xin tiền vượt quá mức cần dùng rất nhiều. Có lần, anh Phúc đi công tác nước ngoài,  trong hai tuần mà Linh đòi chị Khanh đưa đến 4 triệu đồng tiền học. Thấy quá nhiều, chị Khanh bảo Linh nói cụ thể từng khoản nhưng cô bé  không nói mà còn quát thẳng vào mặt chị: “Cô vừa phải thôi, tiền là của bố tôi, hỏi thì cô có nhiệm vụ phải đưa chứ sao còn vặn vẹo nhiều thế”. Rồi Linh ra khỏi nhà đến tận chiều tối mới về.

Hôm sau, chị Khanh nhận được điện thoại từ mẹ đẻ của Linh với những lời lẽ hết sức gay gắt, kết tội, trách móc chị hà khắc với con chồng. Thì ra Linh đã sang nhà mẹ đẻ kể tội mẹ kế là không chịu đưa tiền đóng học cho nó. Mẹ đẻ của Linh còn buông một câu khiến chị Khanh lặng người: “Tôi biết ngay mà, đời nào bánh đúc lại có xương!”.

Tuy con riêng của chồng chị Nguyệt (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) năm nay mới học mẫu giáo lớn nhưng "sự nghiệp"  làm mẹ kế của chị cũng không phải dễ dàng. Khi Nguyệt và bố của Tuấn An còn là bạn thì cu cậu tỏ ra khá quý mến chị. Thế nhưng khi Nguyệt cưới bố của Tuấn An và về sống chung nhà thì cậu bé lại quay ngoắt 180 độ.

Mặc dù Nguyệt đã cố gắng hết sức quan tâm, chăm sóc Tuấn An nhưng dường như không có kết quả. An không thèm nói chuyện, không đi đâu một mình với Nguyệt mặc dù trước đây nó vẫn luôn “thích đi chơi với cô Nguyệt”. Chỉ duy nhất khi Nguyệt đón Tuấn An từ lớp học về nhà là nó chịu ngồi xe một mình với cô. Nhưng mặc kệ cho Nguyệt hỏi han tình hình ở lớp hay bạn bè ra sao, An chỉ ngồi im, không trả lời, dù tối về gặp bố, cu cậu lại líu lo đủ chuyện. Nguyệt thấy mệt mỏi vì gần một năm trôi qua mà cô vẫn chưa tiến gần đến được với con chồng thêm bước nào dù đã cố gắng rất nhiều.

Mẹ kế chỉ là người giúp việc

Ông Mão (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) goá vợ khi đã ngoài 60 tuổi. Thấy ông tuổi già hiu quạnh, dù có đến 6 người con nhưng vẫn sống một mình trong căn nhà rộng thênh thang, vài người bạn mai mối cho ông lấy bà Huệ, một phụ nữ goá chồng, không có con, kém ông hơn chục tuổi, nhà ở cách đó 20 km. Lúc đầu nghe tin bố muốn lấy vợ mới, 6 người con của ông Mão, đều đã ở riêng, phản đối kịch liệt. Họ bảo tuổi của ông còn lấy vợ làm gì nữa, họ sẽ có trách nhiệm chăm sóc cho ông chu đáo. Thế nhưng sau khi được những người bạn của bố khuyên giải thiệt hơn, họ cũng đành chấp nhận.

Vốn là một phụ nữ hiền lành, đảm đang, lại chịu thương chịu khó, bà Huệ chăm sóc cho ông Mão rất chu đáo. Từ ngày có bà về, ông Mão khoẻ và vui lên thấy rõ. Chính các con ông cũng nhận ra điều đó. Thế nhưng họ vẫn không tỏ ra thiện cảm với người vợ mới của bố. Có bà Huệ chăm sóc ông, họ phó mặc mọi việc cho mẹ kế. Thỉnh thoảng họ mới ghé qua vừa để thăm bố vừa để kiểm tra, doạ và “giao nhiệm vụ” cho mẹ kế rằng phải làm thế này thế kia cho bố của họ. Bà Huệ cũng cảm nhận được rằng trong mắt các con ông Mão, bà không được nhìn nhận như một người vợ của ông mà chỉ như người giúp việc chăm sóc bố cho họ. Tuy nhiên, những tình cảm chân thành quyến luyến của ông Mão dành cho bà là niềm an ủi giúp bà tự tin ở lại bên cạnh ông.

Mỗi khi trái gió trở trời, ông Mão có bị cảm cúm hay đau mình, nhức chân một chút là các con ông lại kéo đến. Chỉ sau vài câu hỏi thăm bố, họ quay ra trách móc, kết tội bà Huệ là không chú ý chăm sóc cho ông tử tế. Bà Huệ tủi thân lắm nhưng chỉ biết im lặng trước những lời vô tình, vô nghĩa ấy của đám con chồng.

Đến cả ngày giỗ người vợ trước của ông Mão, các con cũng giao hết trách nhiệm cho bà Huệ. Một mình bà lụi cụi làm cỗ cúng và cả bốn mâm cơm. Các con ông Mão gần đến bữa mới đủng đỉnh đem lễ đến đặt lên bàn thờ cúng mẹ. Anh con trưởng nhìn thấy bàn thờ có chút bụi mà hôm trước bà Huệ chưa kịp lau, chẳng nể mặt bố, quát om sòm: “Đến cả ngày giỗ mà bàn thờ mẹ tôi, dì cũng không buồn lau lấy một lần, để bụi phủ kín thế này hả”. Lúc ấy, bà Huệ chỉ biết chui vào buồng ngồi chấm nước mắt.

Ba năm sau, ông Mão chết vì bệnh ung thư gan. Các con ông “kết tội” bà Huệ là có số sát chồng nên mới làm bố họ bị bệnh mà chết. Đúng lễ cúng 49 ngày của ông Mão, họ tuyên bố thẳng rằng bà Huệ nên về nhà mình chứ họ không muốn bà ở lại và bà cũng không có quyền thừa kế bất cứ thứ gì của ông Mão. Không còn gì vương vấn và cũng không muốn rắc rối với đám con chồng, ngay hôm sau, bà Huệ thu dọn quần áo đi khỏi đó.

"Chiến thuật mưa dầm thấm lâu"

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình, tâm lý chung của những đứa con chồng đối với mẹ kế ban đầu bao giờ cũng là sự nghi ngại, không thoải mái, thậm chí là lo lắng sẽ mất đi hay phải san sẻ quyền lợi (về tình cảm hay về kinh tế) với người mẹ kế đó. Vì thế, họ sẽ phản ứng, tìm mọi cách chống lại mẹ kế để bảo vệ quyền lợi và cũng là để khẳng định rằng, vai trò của mình trong nhà không bị mất đi.

Nếu con riêng của chồng còn nhỏ thì việc chống lại mẹ kế chủ yếu là vì tình cảm. Đứa trẻ lo sợ bà mẹ kế sẽ lấy hết tình cảm, sự quan tâm chăm sóc mà bố nó dành cho nó. Còn đối với trường hợp con chồng đã trưởng thành thì hầu hết việc chống lại mẹ kế là vì quyền lợi về kinh tế (như nhà cửa, tiền bạc…)

Từ những phân tích trên, chuyên gia Hồng Hà đưa ra lời khuyên đối với từng trường hợp. Với con chồng còn nhỏ, người mẹ kế ngay từ đầu nên tỏ rõ rằng mình không muốn và cũng không có ý định giành giật, chiếm hết tình cảm của bố đứa trẻ. Hãy khuyến khích chồng và tạo điều kiện để hai bố con có càng nhiều thời gian ở bên nhau càng tốt, tạo tâm lý yên tâm cho đứa trẻ. Nếu có mâu thuẫn gì thì nên lắng nghe, tạo cơ hội cho trẻ nói ra để sau đó bình tĩnh giải thích, phân tích phải trái cho nó hiểu. Cần nhất là phải có cách cư xử với con chồng một cách ôn hòa, có thiện chí, trao đổi thẳng thắn, không nên cấm đoán hay mắng mỏ mà nên lựa lời phân tích cho trẻ hiểu nếu như nó làm sai.

Ngoài ra, nên cố gắng thân thiện, thể hiện tình cảm, sự quan tâm thật lòng, chân thành với con chồng. Có thể người mẹ kế chưa nhanh chóng lấy được lòng tin và tình cảm của đứa trẻ nhưng bằng “chiến thuật” mưa dầm thấm lâu, họ sẽ có nhiều khả năng thành công.

Trường hợp con chồng đã trưởng thành thì người mẹ kế càng phải khéo léo hơn. Luôn cư xử đúng mực, thể hiện sự tôn trọng, lắng nghe đối với con chồng, qua đó dần dần thuyết phục họ rằng bạn chân thành, thật lòng đến với bố họ chứ không phải vì mục đích nào khác.
 
Tuy nhiên, chuyên gia Hồng Hà cũng nhấn mạnh, là người ở giữa,  người cha cũng có vai trò rất quan trọng vào mối quan hệ giữa vợ mới và những đứa con của mình. Nếu con còn nhỏ thì nên cho nó thấy rằng mình vẫn quan tâm và yêu thương nó chứ không hề thay đổi, bằng cả lời nói và hành động. Nếu con đã lớn thì nên nói chuyện thẳng thắn, tỏ rõ quan điểm và mong muốn của mình, đặc biệt là vấn đề liên quan đến quyền lợi kinh tế của “các bên liên quan” nhằm giải tỏa những lo lắng, băn khoăn không cần thiết của các con.

Nếu các con tỏ ra bắt nạt mẹ kế một cách quá quắt, người bố nên thẳng thắn và kiên quyết yêu cầu con cư xử phải phép, làm rõ những quyền lợi của vợ, không để vợ cảm thấy mình có địa vị thấp trong gia đình và chịu thiệt thòi quá mức như trường hợp của bà Huệ.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ