Khi con gặp chuyện, cha mẹ thờ ơ, thiếu niềm tin vào trẻ thường hỏi câu này
Không phải an ủi, bảo vệ con, những bậc phụ huynh thờ ơ thường đay nghiến, khó chịu trước hành vi của trẻ.
Với trẻ nhỏ, cha mẹ luôn là người mà chúng yêu thương, tin tưởng nhất. Niềm tin và lời khuyên từ cha mẹ là động lực để trẻ phấn đấu, cố gắng trong học tập và cuộc sống. Thế nhưng đôi khi, chính cha mẹ lại là những người đặt ra nhiều áp lực khiến con cảm thấy mệt mỏi, mất phương hướng và bờ vai để dựa vào.
Một trường hợp điển hình cho việc bố mẹ thờ ơ, thiếu niềm tin với con là khi con gặp phải vấn đề gì, lời đầu tiên của bố mẹ không phải an ủi mà đặt hàng loạt các câu hỏi "Vì sao?", sau đó đổ lỗi cho chính đứa trẻ. "Vì sao con làm như thế", "Trả lời mẹ ngay, tại sao", "Lý do là gì, nói ngay", "Mẹ không thể hiểu nổi tại sao con cư xử như thế"...
Nếu như bị cảm cúm, lập tức sẽ là lỗi của con do không mặc ấm. Bị trộm lấy mất đồ là do con chủ quan không biết cất đồ cẩn thận. Tất cả những điều trên tưởng chừng là bình thường nhưng nó như một lưỡi dao cắt dần cảm hứng nói chuyện của con với bố mẹ.
Chúng sẽ dần dần chán nản, không muốn nói những vấn đề đang gặp phải vì biết trước kết quả sẽ như thế nào. Bởi vậy, khi mọi việc xảy ra, đặc biệt là lúc con gặp chuyện buồn, nhiều cha mẹ bất ngờ khi mình là người biết cuối cùng.
Không chỉ là bố mẹ mà hãy là người bạn, chuyên gia tâm lý của con
Các bậc phụ huynh thường phàn nàn, con càng lớn càng không thích nói chuyện với bố mẹ. Lỗi không phải chỉ thuộc về những đứa trẻ mà còn đến từ chính bố mẹ. Thay vì phàn nàn, gặng hỏi con "Tại sao", thì bố mẹ hãy đưa ra cách nhẹ nhàng hơn như chia sẻ nỗi buồn với con, đưa con đi ăn, đi chơi để giải tỏa stress, tìm cách trở thành người bạn thay vì một phụ huynh, và cuối cùng mới là lắng nghe những tâm sự, cùng con giải quyết vấn đề.
Cha mẹ hãy thay đổi chính mình bằng các cách sau đây:
- Hãy đứng ở vị trí của con trẻ nói chuyện
Muốn hiểu được con hãy đặt mình vào vị trí của con sẽ thấy được những bức xúc, khó khăn, niềm vui, mong muốn mà con cần là gì? Chính sự thông cảm và thấu hiểu này mà những đứa trẻ sẽ dễ dàng nói chuyện hơn, không gò ép, không lo sợ, giống như một nơi để bầu bạn, tâm sự.
- Tư thế ngồi ngang bằng nhau
Khi nói chuyện với con, bạn nên ngang hàng để con không cảm giác mình đang nói chuyện với bề trên. Chúng sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, sẽ tự nói ra những suy nghĩ, tâm tư hay chỉ đơn giản là ngày hôm nay con ở trường như thế nào. Bạn sẽ thấy được tâm tư, suy nghĩ, lo lắng của con thay đổi theo từng ngày.
- Học cách lắng nghe
Dường như nhiều bậc phụ huynh đã quên mất rằng phải lắng nghe con cần gì, muốn gì thay vào việc áp đặt chúng vào những thứ mình muốn. Bạn nên hiểu rằng bạn muốn không nghĩa là con sẽ thích. Cho nên, hãy học cách lắng nghe, thấu hiểu từng lời nói của con, đặc biệt khi con đang trong giai đoạn dậy thì.
- Đáp ứng kịp thời và phù hợp
Khi trò chuyện với con, bạn nên tập trung cao độ, trả lời ngay những vấn đề thắc mắc của con. Trả lời một cách đúng nghĩa, không phải qua loa cho xong, như vậy cảm hứng của cuộc trò chuyện sẽ giảm đi rất nhiều.