Khám phá khác biệt thú vị trong cách nuôi dạy con của nhiều nước trên thế giới

Thủy Linh,
Chia sẻ

Người Nhật Bản có những nguyên tắc nuôi dạy con khá độc đáo trong con mắt người nước ngoài. Và ngược lại, những nguyên tắc phổ biến trên thế giới lại trở nên lạ lùng qua cái nhìn của người Nhật Bản.

Con người Nhật Bản thường không thiên về thể hiện tình cảm dù là ở nơi công cộng hay ở nhà. Người Italia thì hoàn toàn ngược lại như lời nhận xét của một chuyên gia Nhật Bản, “Ở đất nước Italia, những ông bố bà mẹ dường như nuôi dạy con cái với tất cả tình yêu họ có thể thể hiện. Tôi được biết những bà mẹ người Italia luôn rất tình cảm, nhưng vẫn ngạc nhiên khi được tận mắt chứng kiến điều đó. Thậm chí là những ông bố, họ chẳng ngần ngại khi nói những câu như “Các con của tôi rất đáng yêu” hay ôm hôn bọn trẻ ở trước mặt nhiều người”.

Người Thụy Điển cũng giống như vậy. Hệ thống phúc lợi xã hội của quốc gia này cho phép nhiều bậc phụ huynh kéo dài kỳ nghỉ sau sinh của họ, nhờ đó những đứa trẻ mới chào đời được ở bên bố mẹ toàn thời gian đến khi được 1 tuổi. Khi con lớn hơn và đi nhà trẻ, hình ảnh những ông bố địu con từ nhà trẻ về nhà sau khi tan làm đã dần dần trở nên phổ biến ở quốc gia này.

Mỗi quốc gia lại có những nguyên tắc nuôi dạy trẻ khác nhau. Những nguyên tắc đó có thể phổ biến ở nước này nhưng lại là điều lạ lẫm ở nước khác.

Tư tưởng tiến bộ của người Thụy Điển cũng bao hàm vấn đề thưởng phạt trẻ nhỏ. Năm 1979, quốc gia này đã ban hành một bộ luật nhằm hạn chế nghiêm ngặt các hình thức trừng phạt cá nhân, thậm chí quy định bố mẹ cũng không được phép trừng phạt con cái. Từ đó đến nay, 29 quốc gia khác cũng ban lành những đạo luật tương tự.

Trẻ nhỏ ở châu Âu không phải được hoàn toàn tự do theo ý mình. Người Anh dạy con về các quy tắc ứng xử phù hợp từ khi con còn nhỏ, trong khi đó người Nhật cho rằng không nhất thiết phải dạy sớm như vậy.
 
Trẻ nhỏ ở Anh được bố mẹ dạy các quy tắc ứng xử ngay từ khi còn nhỏ.
 
Người Pháp thì nghiêm khắc hơn hẳn. Thứ nhất, nhiều bậc phụ huynh luôn theo sát thời gian biểu cho các bữa ăn của trẻ. Thứ hai, bố mẹ người Pháp chỉ ngủ chung giường với trẻ đến khi trẻ ba tháng tuổi. Một vài lý do để giải thích bao gồm: khuyến khích tính độc lập ở trẻ ngay từ khi còn nhỏ, tránh làm trẻ nghẹt thở nếu vô tình nằm đè lên trẻ, và tất nhiên là để bố mẹ bắt đầu lại “cuộc sống bình thường”.
 
Từ 3 tháng tuổi trở đi, trẻ nhỏ ở Pháp được bố mẹ tách riêng khi ngủ với lý do quan trọng là nhằm hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra khi bố mẹ nằm đè lên trẻ khi ngủ.
 
Quan điểm của người Đức cũng không có nhiều khác biệt, họ tập cho trẻ ngủ một mình trong cũi, và họ không bế con lên dỗ dành ngay khi đứa trẻ đó khóc. Và họ để dành sự quan tâm đến các con theo nhiều cách khác. Một trong các cách đó là, bố mẹ luôn đảm bảo bọn trẻ đeo tất thậm chí khi ở nhà, và nhất thiết phải đội một chiếc mũ chùm qua tai nếu ra ngoài vào những ngày giá rét.
 
Mũ len trùm qua tai là trang phục trẻ nhỏ ở Đức phải đội khi ra ngoài ngày trời rét.
 
Ở Thụy Sỹ, bố mẹ có thể đưa đứa con mới được vài ngày tuổi ra ngoài thư giãn. Một người Nhật sống ở đây cho biết, "Tôi thường thấy những đứa trẻ trong xe đẩy trong khi trên đầu chưa có một sợi tóc nào cả. Thậm chí bác sỹ của tôi còn nói rằng, ‘Đưa trẻ mới sinh ra ngoài cũng không sao cả. Bạn chỉ cần cho trẻ mặc quần áo thật ấm khi trời lạnh, và lựa chọn những bộ quần áo thật mát khi trời nóng’”.

Ở Hàn Quốc, thói quen sau khi sinh con của người phụ nữ khá đặc biệt. Vì thời gian nghỉ ngơi phục hồi sau khi sinh con là khoảng thời gian quan trọng, nên nhiều bà mẹ Hàn Quốc lựa chọn ở lại các phòng khám tư nhân khoảng hai tuần với đứa con mới chào đời. Những phòng khám như vậy khá được ưa chuộng ở đất nước này, do vậy những ông bố bà mẹ có kinh nghiệm thường khuyên gia đình nào có nhu cầu đặt chỗ càng sớm càng tốt ngay khi biết sắp đến ngày người mẹ sinh nở.

Những tập quán trước khi phụ nữ sinh con của người Trung Quốc rất lạ. Bởi chính sách một con của đất nước này, việc người phụ nữ trong gia đình mang thai là cơ hội “chỉ xuất hiện một lần trong đời”. Mẹ bầu Trung Quốc được ưu tiên bồi bổ, ăn khá nhiều. Một người phụ nữ Nhật Bản chia sẻ, “Tôi hỏi các bạn của mình về những gì họ trải qua, và hầu như tất cả đều nói rằng họ tăng từ 20 đến 30 kilogam trong suốt thai kì”.
 
Một bữa ăn điển hình của mẹ bầu người Trung Quốc trong suốt thai kì.
 
Chúng ta đều biết trẻ sơ sinh sẽ không thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ người mẹ một khi cuống rốn của trẻ bị cắt. Vậy người mẹ xoay xở thế nào để vừa chăm sóc trẻ vừa quay trở lại làm việc? Đương nhiên là họ có thể hút sữa của mình ra trước để người trông trẻ cho trẻ ăn sau đó. Nhưng nếu bị hết sữa trước khi đi làm, họ sẽ làm thế nào? Ở Indonesia, những bà mẹ chưa cai sữa cho con có thể tận dụng dịch vụ vận chuyển sữa mẹ. Chỉ cần bỏ ra một mức phí là 3 đô la Mỹ, người vận chuyển sẽ đến tận nơi văn phòng của người mẹ, lấy sữa, và mang về nhà cho đứa trẻ.

Trẻ sơ sinh ở Nam Phi không chỉ được cho ăn bằng sữa mẹ. Trong sữa còn được bố mẹ pha thêm hồng trà Nam Phi (rooibos tea) – một loại trà hơi ngọt không chứa chất kích thích. Hỗn hợp dung dịch sữa mẹ và hồng trà giàu khoáng chất này được cho là có khả năng hỗ trợ trẻ không bị rối loạn tiêu hóa và các căn bệnh về hen suyễn.

Người Brazil cũng tận dụng khá thông minh một loại đồ uống của người lớn để chữa trị vết thương cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ bị trầy da hoặc đứt tay, bố mẹ thường rót loại đồ uống này vào vết trầy hoặc vết đứt đó để thúc đẩy quá trình máu đông.

Văn hóa của người Mỹ trong nuôi dạy con cũng rất khác biệt. Hai trong số những điều lạ lùng nhất đó là: Hầu hết những ông bố bà mẹ ở đây thường cho trẻ mặc bỉm đến khoảng 3 tuổi, nhưng vẫn có nhiều đứa trẻ đã hơn 3 tuổi rồi mà vẫn mặc bỉm.
 
Trẻ nhỏ ở Mỹ thường phải mặc bỉm đến khi 3 tuổi.
 
Và điều thứ hai đó là, trong mắt một bà mẹ Nhật sinh sống tại Mỹ thì: “Ở New York, khi tôi gặp nhiều bà mẹ khác ở công viên, họ sẽ chia sẻ với tôi về bất cứ chuyện gì đang diễn ra trong gia đình họ. Điều đó giúp tôi nhận ra rằng người mẹ nào cũng đều có chung một mối quan tâm, lo lắng khi nuôi dưỡng bọn trẻ nhà mình. Nhưng khi tôi thử trò chuyện cởi mở như vậy ở Nhật Bản, mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt khôi hài. Khi đó tôi cảm thấy như chỉ một mình tôi phải trải qua những khó khăn trong cuộc sống, vì thế khi nói chuyện với những bà mẹ người Mỹ, tôi rất vui khi biết rằng nhiều người khác cũng phải cố gắng vượt qua nỗi vất vả như tôi vậy”.

Nguồn: Tổng hợp
Chia sẻ