Khám phá cách thai nhi cảm nhận thế giới ở trong bụng mẹ
Sự gắn kết giữa bố mẹ với bé ngay từ khi còn nằm trong bụng sẽ đảm bảo cho bé sự phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần.
Sự phát triển các giác quan
Thính giác: Trong 5 giác quan, thính giác của bé phát triển sớm nhất.
Trong giai đoạn bào thai, bé thường ngủ trong phần lớn thời gian. Đến tháng thứ 6, bé bắt đầu xuất hiện phản ứng nghe được những âm thanh từ bên ngoài.
Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, bé dễ dàng nghe được những tiếng động có âm hưởng trầm. Chẳng hạn như tiếng tim đập, cử động của dạ dày từ cơ thể bạn hoặc sự chuyển động của máu qua nhau thai (cường độ của những âm thanh đó ở mức 30 decibel, tương đương với tiếng thì thầm trong phòng kín).
Bé sẽ có phản ứng với âm thanh có tần số thấp trước, sau mới đến các âm thanh có tần số cao.
Khoảng thời gian này, bé cũng có thể nghe được giọng nói của bạn. Tiếng động có khả năng thay đổi nhịp tim của thai nhi. Tiếng nói của mẹ có tác dụng tới bé một cách trực tiếp vì nó chuyển thẳng từ cơ thể người mẹ tới bé.
Ngoài ra, bé cũng có thể nghe được giọng của bố (hoặc anh hay chị bé), thậm chí là những loại âm nhạc từ bên ngoài bụng mẹ. Từ tuần 32 trở đi, bé có thể nhớ được bản nhạc (hoặc bài hát) mà bé vẫn nghe hàng ngày, đồng thời sau khi sinh, bé sẽ nhận ra được bài hát, bản nhạc đó.
Những hoạt động từ người mẹ
- Tăng cường giao tiếp: Giọng nói từ mẹ có tác dụng gắn kết tình mẫu tử với bé theo cách tự nhiên nhất. Nói cho bé những câu từ vui tươi khi bé thức trong bụng mẹ cũng có tác dụng tốt cho sự phát triển của thai nhi. Những bé được thường xuyên nghe giọng của bố mẹ ngay từ lúc còn trong bụng mẹ sẽ có được sự gần gũi, thân thiện với bố mẹ sau khi chào đời.
Thủ thỉ những tâm tư của bạn: Nói cho bé biết bạn yêu bé nhiều như thế nào, bạn mong chờ được đón chào bé hoặc có thể chia sẻ với bé cả những phần việc bạn vẫn làm hàng ngày. Càng nghe nhiều, bé sẽ càng nhận biết và gần gũi với giọng nói của bạn hơn.
Bạn cũng nên khuyến khích bố của bé cùng giao tiếp. Bé sẽ sớm phân biệt và có phản ứng với giọng nói của bố và mẹ. Gợi ý để bố của bé trò chuyện với bé hàng ngày bằng cách: trước khi đi ngủ, hai vợ chồng cùng đặt tay lên bụng bầu (bố có thể ghé sát đầu xuống bụng bầu, hỏi chuyện hoặc chúc bé ngủ ngon). Đôi khi, bé cũng có phản ứng đáp trả lại lời của bố (mẹ) bằng cách đạp vào bụng mẹ.
Mặc dù chưa hiểu bố mẹ nói gì nhưng bé dần dần sẽ quen những đặc điểm ngôn ngữ. Từ đó giúp bé sau khi chào đời có khả năng phân biệt được giọng nói với các loại âm thanh khác.
- Đọc sách cho bé: Đây cũng là một cách trò chuyện, gần gũi với bé. Bạn có thể đọc to những thông tin trên một cuốn sách (hoặc báo, tạp chí) để bé có cơ hội được nghe giọng nói của bạn.
Đơn giản hơn, bạn có thể ghi nhật ký và đọc to lên cho bé nghe hàng ngày.
- Cho bé nghe nhạc: Nhạc cổ điển có tác dụng kích thích trí thông minh cho bé ngay từ trong bụng mẹ.
Thời gian: 5-10 phút mỗi lần.
Thời điểm: Chọn lúc bé thức giấc, tránh những lúc bé ngủ để đảm bảo không làm bé mệt vì tiếng động.
Nếu bận bịu với công việc, bạn có thể tranh thủ lúc nghỉ giữa giờ, hai mẹ con cùng nghe nhạc trong vòng 5 phút. Bé thường ngủ say khi bạn hoạt động và thức giấc khi bạn nghỉ ngơi, nên bạn có thể cùng thư giãn với bé bằng một bản nhạc êm dịu.
Ở nhà, có thể chọn thời điểm đang ngâm mình trong bồn tắm hoặc trước khi đi ngủ để cùng bé nghe một bản nhạc ưa thích. Nó sẽ giúp bạn và bé vừa thư giãn, đồng thời bạn vừa vận động nhẹ nhàng sẽ giúp cơ thể khoẻ hơn và bé cũng rất thích điều này.
Lưu ý: Bạn nên chọn loại nhạc và bộ tai nghe được thiết kế dành riêng cho bà bầu. Khi đi làm, bạn có thể nối với máy tính ở cơ quan. Khi ở nhà, bạn có thể chọn một chiếc máy nghe nhạc mini để hai mẹ con có thể thưởng thức âm nhạc trên giường.
Thị giác: Thị giác của bé được hình thành từ rất sớm, ngay từ tuần lễ thứ 4 và bắt đầu hoàn thiện dần sau đó. Vào khoảng tuần thứ 20 trở đi, qua màn ảnh siêu âm, bạn có thể thấy mi mắt của bé mở ra hoặc khép lại hoặc có khi mắt bé liếc nhìn về phía bên trái, bên phải.
Mặc dù bé nằm trong tử cung và bị thành bụng che khuất nhưng ánh sáng đủ mạnh cũng có khả năng lọt được vào mắt bé (10% ánh sáng đỏ và 5% ánh sáng xanh có thể xuyên qua thành bụng mẹ và chuyển tới mắt bé). Trường hợp bác sĩ dùng một luồng ánh sáng để soi tử cung thì thấy mắt bé có phản xạ. Thậm chí, bé cũng có thể nhìn thấy vài tia sáng xuyên qua màng từ đường tiểu tiện của người mẹ.
Xúc giác: Bước vào tuần thứ 7, một số bộ phận của thai nhi đã tỏ ra mẫn cảm với những va chạm. Ngay tuần lễ thứ 11 của thai kỳ, toàn bộ mặt (hoặc gan bàn tay, gan bàn chân của bé) đã tỏ ra khá nhạy cảm.
Nằm trong túi nước ối, được bảo vệ khỏi những va chạm mạnh, bé đã có thể cảm nhận được sự tiếp xúc với cơ thể của mẹ (thành tử cung) và cơ thể của bé.
Bé sẽ hoàn thiện cơ quan xúc giác vào tuần thứ 13 hoặc 14 của thai kỳ. Bé có thể chạm vào thành dạ con bằng bàn tay.
Vị giác: Ngay từ tuần lễ thứ 11, cấu trúc lưỡi của thai nhi đã không khác bao nhiêu so với một người lớn. Bé đã phân biệt được 4 vị mặn, ngọt, chua, đắng; và dường như bé cũng đã biết "hảo ngọt".
Dù không trực tiếp ăn bằng miệng nhưng bé vẫn có thể cảm nhận được sở thích và mùi vị thức ăn từ người mẹ qua nước ối. Bé cũng có phản ứng thích mùi này, không thích mùi kia.
Rượu, thuốc lá, chất kích thích... rất có hại cho bé vì những chất này có thể qua được hàng rào nhau thai. Bé cũng đặc biệt nhạy cảm với môi trường khói thuốc lá.
Khứu giác: Cấu trúc của mũi cũng đã bắt đầu được hình thành và hoạt động ngay từ tháng thứ 7. Đến tháng thứ 9, bé có phản ứng hoàn toàn với mùi. Các phân tử mùi thấm vào nước ối cũng được thai nhi cảm nhận và ghi lại.
Ảnh hưởng từ mẹ
Bé cảm nhận thế giới bên ngoài ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Do đó, cảm xúc của người mẹ có vai trò chi phối trực tiếp đến sự phát triển của bé. Chẳng hạn, sự tức giận tạo ra chất andrenalin; Nỗi sợ hãi tạo ra chất cholamine; Niềm hạnh phúc tạo ra chất endorphin. Các chất hóa học này chuyển qua nhau thai vào đến em bé trong bụng trong vòng vài giây sau đó.
Những cảm xúc tiêu cực từ bạn có thể tác động trực tiếp nên bé và bé không hề thích những điều này. Một số nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, nếu bạn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng kéo dài khi mang thai, bé sinh ra sẽ có nguy cơ nhẹ cân hoặc gặp trục trặc về phát triển trí não.
Mọi sự thay đổi ở người mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Để thai nhi có được những tác động tốt, người mẹ cần lưu ý một số điều sau:
- Giữ cho tinh thần thoải mái: Nếu người mẹ có tâm trạng không tốt, bé sẽ dễ bị mắc bệnh tật. Chính vì bạn cần giữ cho mình tinh thần vui vẻ, lạc quan, không nên quá buồn rầu hoặc sợ hãi.
- Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý: Ăn đủ chất. Tránh ăn mặn, quá nóng hoặc quá lạnh. Như vậy, bé mới được khỏe mạnh. Đồng thời, bạn nên duy trì một chế độ lao động cân bằng. Nếu an nhàn quá, khí huyết lưu thông kém; Mệt mỏi quá, khí huyết sẽ suy giảm; Cả hai đều không có lợi cho bé.
Ảnh hưởng từ người bố
Thái độ, cảm xúc của người bố đóng vai trò quan trọng trong quá trình kết nối tình cảm ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ. Bé sẽ cảm nhận được niềm vui từ bố qua giọng nói (bé có thể phân biệt được giọng của bố và giọng của mẹ).
Hơn nữa, niềm hạnh phúc từ người bố cũng có tác dụng truyền sang người mẹ. Bé cũng có thể cảm nhận được cảm giác vui vẻ từ người mẹ.