Kawasaki - căn bệnh "sát thủ" với trẻ em

,
Chia sẻ

Các bác sĩ đã phong cho căn bệnh Kawasaki là sát thủ bởi mức độ nguy hiểm của nó là cướp đi mạng sống của bệnh nhi rất nhanh.

Tuy nhiên đến nay, theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra căn bệnh vẫn chưa được khẳng định một cách rõ ràng nên việc điều trị cũng gặp vô số khó khăn.



“Cách đây năm năm, mỗi năm có khoảng 20 ca mắc bệnh Kawasaki được đưa đến điều trị tại BV Nhi đồng 1. Vậy nhưng chỉ trong năm 2009 đã có hơn 100 ca gặp, chủ yếu là trẻ dưới năm tuổi”- bác sĩ Vũ Minh Phúc - Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.

Theo bác sĩ Phúc, 10 ngày đầu năm 2010, tại đây đã tiếp nhận và điều trị cho năm trẻ ở TPHCM mắc phải căn bệnh này. Rất may, do phát hiện và điều trị kịp thời nên sức khỏe của năm bệnh nhi ổn định.

Theo các bác sĩ, không chỉ xuất hiện bệnh nhi mới ngày càng tăng, mới đây BV Nhi đồng 1 còn tiếp nhận một trường hợp bệnh Kawasaki tái phát khi bệnh nhi này mới 33 tháng tuổi mặc dù trước đó, bệnh nhi đã được điều trị dứt điểm.

Theo bác sĩ  Phúc, bệnh Kawasaki tái phát hiếm gặp, trong y văn những năm gần đây mới có một vài nghiên cứu về tình trạng này với tỉ lệ tái phát được công bố là 7/1.000 trẻ mắc bệnh.

Dễ nhầm bệnh khác

Thấy con sốt cao kéo dài, mắt sưng đỏ và trong lưỡi xuất hiện các nốt đỏ, anh Nguyễn Đức Trung ở Biên Hòa, Đồng Nai đưa con là Nguyễn Đức Hưng, 15 tháng tuổi ra ngay BV Nhi đồng Đồng Nai với nghi ngại con mắc sốt xuất huyết. Tại đây các bác sĩ đo thân nhiệt và cho Hưng uống thuốc hạ sốt nhưng tình trạng bệnh cũng không thuyên giảm: Sốt cao 39 độ, trên da và quầng mắt nổi thêm nhiều nốt đỏ kèm tiêu chảy.

“Nhiều lần chẩn đoán, các bác sĩ cho biết con tôi bị bệnh sốt xuất huyết vì có các biểu hiện như bệnh này. Tuy nhiên sau ba ngày điều trị không thuyên giảm, các bác sĩ đã làm xét nghiệm thử phân, nước tiểu, thử máu và cho biết bé bị căn bệnh Kawasaki, rồi yêu cầu tôi đưa cháu tới bệnh viện tuyến trên”- Anh Trung cho biết.

Năm 1967, bác sĩ  Tomisaku Kawasaki (Nhật Bản) đã phát hiện ra căn bệnh này nên đặt tên nó là Kawasaki, nhưng đến nay y văn thế giới vẫn chưa tìm ra cụ thể nguyên nhân của căn bệnh. Do đó, theo bác sĩ Phúc, vì không tìm ra được nguyên nhân chính thức nên các bác sĩ chỉ điều trị dựa vào các triệu chứng của bệnh nhi gặp phải.
Chưa bao giờ nghe đến căn bệnh Kawasaki nên khi đưa con vào nhập viện ở BV Nhi đồng 1 TPHCM, anh Trung và vợ vô cùng lo lắng. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, bác sĩ Minh Phúc cho biết, Hưng mới mắc căn bệnh lạ Kawasaki và được chuyển viện kịp thời.

“Bác sĩ cho biết nếu để bệnh quá lâu khi da tay, da chân của bệnh nhi bị bong tróc mà chưa được chữa trị thì bệnh sẽ gây biến chứng suy tim và dễ đột tử”- anh Trung kể lại.

Cũng có biểu hiện sốt cao, cháu Thùy Dung, ba tuổi ở Bình Dương được mẹ đưa ngay vào một phòng mạch tư ở Thị xã Thủ Dầu Một thăm khám. Thấy bệnh nhi nổi ban đỏ ở da kèm theo sốt cao, bác sĩ ở phòng mạch này cho biết Dung bị viêm phế quản nên gây sốt. Tuy nhiên, ba ngày bé vẫn sốt cao nên người nhà chuyển đến BV Nhi đồng 1 điều trị. Tại đây họ mới biết con mình mắc căn bệnh Kawasaki.

Bác sĩ Vũ Minh Phúc cho biết trẻ mắc bệnh Kawasaki rất khó chẩn đoán chính xác do những biểu hiện lâm sàng na ná bệnh sốt xuất huyết hay viêm phế quản.


Một bệnh nhi mắc bệnh Kawasaki đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1

nguyên nhân! 

Bác sĩ Vũ Minh Phúc cho rằng, sở dĩ gọi đây là căn bệnh nguy hiểm vì  kể từ khi phát bệnh đến sau 10 ngày mới đưa trẻ đến bệnh viện thì khả năng biến chứng viêm tắc và giãn tĩnh mạch vành, dẫn đến trụy tim và tử vong rất nhanh.

Bệnh Kawasaki thường có các triệu chứng ban đầu của bệnh thường là sốt cao kéo dài, phát ban đỏ khắp cơ thể, hai mắt đỏ, lưỡi đỏ, bong rộp miệng và các đầu ngón tay, chân; nổi hạch ở cổ, có thể kèm theo sưng và đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và có thể làm rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy kéo dài.

Theo bác sĩ Phúc: Vì không biết nguyên nhân gây bệnh nên không thể phòng ngừa được. Nếu trẻ sốt kèm theo phát ban  nổi mẩn đỏ ở da, gia đình nên đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Các tài liệu cho thấy bệnh Kawasaki xuất hiện nhiều ở trẻ em dưới năm tuổi, nhiều nhất là trẻ 1-2 tuổi. Bệnh gây biến chứng phình động mạch vành hoặc giãn động mạch vành do hậu quả viêm mạch và thường chiếm tới 15-25% số bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong do bệnh này chiếm khoảng 0,1-1%.

Theo Tiền Phong

Chia sẻ