Huấn luyện viên bơi lội khuyến cáo nhiều cha mẹ mắc SAI LẦM quấn khăn cho con theo cách này khi trẻ đi bơi

PHAN HẰNG,
Chia sẻ

Sau khi trẻ bơi lội, cha mẹ cần chú ý một số điều để đề phòng những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Nikki Scarnati là một huấn luyện viên bơi lội cho trẻ sơ sinh. Cô tiết lộ có một sai lầm mà các bậc phụ huynh thường mắc phải khi quấn khăn cho con mình lúc con lên bờ. Trong một video được chia sẻ trên TikTok, cô kêu gọi mọi người đừng bao giờ quấn khăn lên trên vai trẻ, điều đó có thể khiến trẻ có nguy cơ cao bị đuối nước.

Huấn luyện viên bơi lội khuyến cáo cha mẹ không nên quấn khăn cho con mình theo cách này khi trẻ lên bờ - Ảnh 1.

Hành động quấn khăn cho trẻ như thế này rất nguy hiểm.

Cô khẳng định rằng, hành động tưởng chừng như vô hại này lại tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ gặp nguy hiểm. Một đứa trẻ sẽ không thể cử động cánh tay dưới nước nếu chẳng may rơi xuống bể bơi trong tình trạng bị quấn khăn lên trên vai, bao bọc hết toàn thân như vậy.

Nikki nhấn mạnh nguy cơ quấn khăn tắm sai cách với các bậc cha mẹ. Cô cho biết nhiều cha mẹ làm điều này rất nhiều lần nhưng họ không nhận ra nó gây nguy hiểm cho con mình. Bản năng tự nhiên của người mẹ là quấn khăn tắm cho con mình ngay khi đứa trẻ lên khỏi mặt nước.

"Đương nhiên là chúng ta muốn che chắn ngay cho con mình đúng không nào! Tuy nhiên, nếu chẳng may trẻ rơi xuống hồ bơi trong tình trạng này, tất cả các chi của trẻ không thể cử động bên dưới một chiếc khăn ướt", cô giải thích.

Trong video của mình, Nikki kêu gọi các bậc cha mẹ luôn quấn khăn dưới cánh tay của con mình sau khi lau khô người trẻ trước.

Huấn luyện viên bơi lội khuyến cáo cha mẹ không nên quấn khăn cho con mình theo cách này khi trẻ lên bờ - Ảnh 2.

Trẻ nên được quấn khăn theo cách này.

Cô giải thích: "Khi đưa trẻ ra khỏi hồ bơi, hãy lau khô tay cho trẻ trước, nhấc cánh tay lên và quấn khăn bên dưới cánh tay. Hãy chắc chắn rằng chiếc khăn nằm dưới cánh tay của trẻ chứ không phải bên trên. Bằng cách này, nếu trẻ chẳng may rơi xuống nước, chúng vẫn có thể sử dụng các chi để tự cứu mình".

Những chia sẻ của Nikki nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng, hầu hết bình luận bên dưới video đều bày tỏ sự biết ơn vì lời khuyên của cô.

Một người viết: "Tôi có thể xác nhận điều này hoàn toàn đúng. Khi tôi 2 tuổi, tôi vô tình bị rơi xuống bể bơi với chiếc khăn quấn quanh tay. Tôi chỉ có thể đợi người ta tới cứu".

Một người khác chia sẻ: "Nếu chẳng may trẻ có vấp ngã, chúng vẫn có thể tự đứng vững trước khi chạm đất nếu quấn khăn bên dưới cánh tay".

Một số cư dân mạng nhận xét rằng, nếu quấn khăn theo cách Nikki khuyên, 2 cánh tay của trẻ có thể bị lạnh. Đáp trả vấn đề này, Nikki trả lời: "Hãy thử dùng một chiếc khăn kiểu khác, có áo choàng vải mà trẻ có thể mặc sau khi bơi".

Một người khác sau đó nói thêm: "Đó là một ý tưởng tuyệt vời! Tôi đã mua cho con trai tôi một chiếc áo hoodie quá khổ để che cánh tay nhưng nó vẫn có thể cử động được".

Những điều cần chú ý sau khi trẻ bơi là gì?

Sau khi trẻ bơi ở bể bơi, cần lưu ý những điều sau:

- Vệ sinh cơ thể: Sau khi bơi, cần rửa sạch cơ thể bằng nước sạch để loại bỏ các chất hóa học, vi khuẩn có trong nước bể bơi. Đặc biệt cần vệ sinh kỹ vùng mặt, tai, mũi và họng.

- Thay quần áo sạch: Cần thay ngay quần áo sạch, khô ráo sau khi bơi để tránh nhiễm lạnh.

- Uống bù nước: Trẻ thường mất nhiều nước khi bơi, cần bổ sung nước để tránh tình trạng mất nước.

- Giữ ấm cơ thể: Sau khi bơi, cần choàng khăn hoặc mặc thêm quần áo ấm để giữ nhiệt độ cơ thể.

- Theo dõi sức khỏe: Cần theo dõi các dấu hiệu bất thường như nôn, buồn nôn, tiêu chảy, phát ban... và kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu có vấn đề.

- Không bơi ngay sau khi ăn: Cần chờ ít nhất 1-2 giờ sau khi ăn mới nên cho trẻ bơi để tránh chứng đau bụng, buồn nôn.

Tuân thủ các biện pháp này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và an toàn cho trẻ sau khi bơi.

Chia sẻ