Hơn 1 nửa thu nhập chi cho 3 con nhỏ, ở tuổi 33, mẹ bỉm "lật đật" học cách cân đối lại từ đầu khi bất ngờ mang thai bé thứ 4

Mạn Ngọc,
Chia sẻ

Mỗi gia đình và mỗi giai đoạn đều có giới hạn tài chính riêng. Việc của người quản lý chi tiêu là sắp xếp mọi thứ trong giới hạn đó mà vẫn giữ được sự bình yên.

Mang thai bé thứ 4 khi đã có 3 con nhỏ – Tôi phải học lại cách “cân đối” từ đầu

Tôi năm nay 33 tuổi. Là một người mẹ có 3 đứa con nhỏ, cuộc sống của tôi có thể gói gọn trong một từ: BẬN. Bận chăm con, bận tính toán, bận vun vén từng đồng cho gia đình.

Tổng thu nhập của vợ chồng tôi hiện tại là 55 triệu/tháng. Trong đó, 30 triệu là dành cho con cái: học phí, sữa, bỉm, khám bệnh, các khoản sinh hoạt và vui chơi… Còn lại 25 triệu, tôi phân bổ cho các chi phí gia đình như ăn uống, điện nước, xăng xe, quà cáp, tiết kiệm.

Với tôi, đó là một bài toán mà tôi từng làm rất ổn. Tôi luôn tin vào quan điểm:

“Bố mẹ sao cũng được, miễn là con cái không thiếu thốn.”

Cho đến khi tôi bất ngờ phát hiện… mình mang thai bé thứ 4.

Tôi hoang mang. Không phải vì không muốn đón bé, mà là vì bài toán chi tiêu cũ không còn áp dụng được nữa.

Với 4 con nhỏ, tất cả mọi khoản sẽ tăng lên, từ số hộp sữa, bịch tã, phí khám thai, sinh nở, đến cả gạo ăn, điện nước, thuốc men. Và tôi hiểu rằng mình cần một kế hoạch tài chính mới để mọi thứ không vỡ trận.

Hơn 1 nửa thu nhập chi cho 3 con nhỏ, ở tuổi 33, mẹ bỉm "lật đật" học cách cân đối lại từ đầu khi bất ngờ mang thai bé thứ 4- Ảnh 1.

Tôi bắt đầu “xây lại từ móng” – kế hoạch chi tiêu cho gia đình có 4 con nhỏ

1. Xem lại những khoản chi cho con hiện tại: cái nào là “cần”, cái nào là “muốn”

Tôi không cắt giảm những thứ thiết yếu (sữa, học phí, thuốc men…). Nhưng tôi đã bắt đầu loại bỏ dần những khoản “muốn” như:

Mua đồ chơi theo trend TikTok.

Gửi học nhiều lớp kỹ năng cùng lúc.

Mua quần áo mới liên tục cho từng bé.

Thay vào đó, tôi luân chuyển đồ giữa các anh chị em. Vì 3 bạn lớn gần bằng tuổi nhau và đều là bé trai nên quần áo tôi mua chung 1 kiểu và để mấy anh em mặc chung đồ ở nhà, đồ đi học, đi chơi sẽ được tách biệt riêng.

Bé út được ưu tiên những gì tốt nhất về dinh dưỡng, còn quần áo toàn tăng xin giảm mua vì xung quanh tôi có rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè có con nhỏ, đồ còn mới nhưng không mặc vừa nữa. Những thứ có thể tiết kiệm thì tôi tiết kiệm triệt để.

2. Chia nhỏ ngân sách theo từng nhóm nhu cầu

Tôi bắt đầu ghi ra giấy (và sau chuyển sang file Excel) các khoản mục lớn:

Chi cho con: học phí, sữa, bỉm, y tế, vui chơi.

Chi cho gia đình: ăn uống, điện nước, xăng xe, chợ búa.

Chi cho mẹ bầu: khám thai, sắt, DHA, chuẩn bị sinh.

Tiết kiệm – dự phòng – bảo hiểm.

Mỗi khoản đều có trần chi tiêu rõ ràng. Nếu tháng này vượt thì tháng sau phải điều chỉnh. Tôi không để mọi thứ theo cảm tính nữa.

Hơn 1 nửa thu nhập chi cho 3 con nhỏ, ở tuổi 33, mẹ bỉm "lật đật" học cách cân đối lại từ đầu khi bất ngờ mang thai bé thứ 4- Ảnh 2.

3. Tìm cách tăng thu nhập

Dù tổng thu hiện là 55 triệu, tôi biết mình không nên chỉ trông vào một nguồn duy nhất. Tôi bắt đầu tận dụng kỹ năng có sẵn để làm thêm tại nhà. Hiện tại thì tôi hay gom đồ đặc sản ở quê, mỗi tuần vài chuyến chuyển lên và giao cho khách. Dù chưa nhiều, nhưng vài triệu đồng một tháng nhưng có lao động là sẽ có thành quả.

Bảng chi tiêu cho gia đình có 4 con nhỏ

(Lưu ý: Đây chỉ là ngân sách chi cho việc nuôi con nhỏ, không đề cập đến các khoản chi chung cho gia đình).

Khoản mục Số tiền (VNĐ) Ghi chú
Chi phí nuôi dạy 4 con 32.000.000 Ưu tiên cao nhất
- Sữa, bỉm tã, ăn dặm 8.000.000 2 bé nhỏ, tiêu tốn nhiều nhất
- Học phí, học thêm, ngoại khóa 10.000.000 Tùy theo trường công/tư
- Khám sức khỏe, thuốc men 3.000.000 Dự phòng cả 4 bé
- Quần áo, đồ dùng sinh hoạt 3.000.000 Có thể tận dụng đồ cũ
- Vui chơi, giải trí cho bé 2.000.000 Đi chơi, xem phim, đồ chơi
- Chuẩn bị cho bé sắp sinh 6.000.000 Khám thai, sắm đồ sơ sinh
Hơn 1 nửa thu nhập chi cho 3 con nhỏ, ở tuổi 33, mẹ bỉm "lật đật" học cách cân đối lại từ đầu khi bất ngờ mang thai bé thứ 4- Ảnh 3.

Quản lý chi tiêu không chỉ là cắt giảm

Khi có con thứ 4, tôi không “thắt lưng buộc bụng” đến mức cực đoan. Nhưng tôi hiểu rằng không thể giữ kiểu chi tiêu như khi chỉ có 2–3 con.

Mỗi gia đình và mỗi giai đoạn đều có giới hạn tài chính riêng. Việc của người quản lý chi tiêu là sắp xếp mọi thứ trong giới hạn đó mà vẫn giữ được sự bình yên.

Tôi không thấy xấu hổ khi không cho con học trường quốc tế. Tôi không áy náy khi nói “không” với một món đồ chơi đắt đỏ. Bởi tôi biết:

Tôi đang dành những gì tốt nhất cho con, trong khả năng thật sự của mình.

Chia sẻ