Học sinh bị sốc trước áp lực gia đình: Làm gì để chữa lành?
Theo Thạc sĩ Tiêu Minh Sơn, tạo môi trường gia đình yên ấm và ổn định là yếu tố quan trọng để giúp trẻ vượt qua tâm lý bất ổn.
Mẹ vừa sinh em bé thứ 2 khi My 13 tuổi. Một mình ba gồng gánh kinh tế trong gia đình. Vì nhà có thêm người nên cha mẹ áp lực về kinh tế, hay mệt mỏi, căng thẳng. Họ dễ cáu giận, cãi vã. Những điều này đã tác động tiêu cực đến tâm lý của My.
Hành động dại dột
Anh Huy Hoàng, 38 tuổi, (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, năm ngoái kinh tế suy thoái, công ty anh phải cắt giảm tiền lương của nhân viên. Vợ vừa sinh con thứ 2, áp lực tiền bạc gia đình khiến anh luôn trong trạng thái cáu gắt. Anh cãi nhau với vợ và hay la mắng con gái đầu là bé My.
Thời gian gần đây, anh thấy My trở nên nóng tính và cộc cằn với ba mẹ. Đi học về con thường xuyên trốn trong phòng, không muốn ai tiếp cận. Cô giáo gọi điện báo con hay trốn học, tình hình học tập sa sút.
“Một lần, mẹ bắt gặp My viết nhật ký kể về việc ba mẹ thay đổi và không còn quan tâm em như trước. Con không còn muốn học, chỉ muốn đi thật xa kiếm tiền để không phải về nhà”, anh Hoàng kể.
Vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM) cứu một trẻ vị thành niên (15 tuổi) ở TPHCM đã uống 20 viên Paracetamol 500 mg để tự tử. May mắn, phụ huynh phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu ở bệnh viện địa phương. Tại đây, bệnh nhân được súc rửa dạ dày, do nôn ói nhiều nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.
Trẻ được chẩn đoán ngộ độc thuốc Paracetamol. Sau thời gian điều trị tích cực, tình trạng trẻ cải thiện, tỉnh táo, nhận biết được xung quanh. Trẻ được khám và tư vấn tâm lý để hỗ trợ vượt qua cú sốc tinh thần.
Qua tâm sự, trẻ học rất giỏi và siêng năng. Dù đang nằm điều trị tại bệnh viện nhưng vẫn tranh thủ làm bài tập ở lớp. Hiện bé gái trên là một học sinh thuộc trường top tại khu vực, có ước mơ du học và mong muốn học ngành y. Tuy nhiên, một phút nông nổi vì áp lực gia đình và không còn được tin tưởng mà đã hành động dại dột.
Môi trường “độc hại”
Thạc sĩ Tiêu Minh Sơn, giảng viên Trường Đại học Văn Lang cho rằng, nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện tâm lý căng thẳng, stress, trước hết cần tìm hiểu nguyên nhân. Có hai nguyên nhân chính có thể làm thay đổi tiêu cực trong tâm sinh lý của trẻ.
Thứ nhất, trẻ đang trong giai đoạn vị thành niên có thể có những cảm xúc lẫn lộn, nhất thời. Khi cảm thấy chán nản, trẻ khó kiểm soát cảm xúc của mình và trở nên nóng tính, la hét với mọi người. Những thay đổi trong tâm lý là vấn đề phổ biến trong giai đoạn này.
Khi bước vào độ tuổi dậy thì, trẻ thường có nhiều nhu cầu kết bạn, yêu đương, hình thành nhiều sở thích cá nhân hơn. Chính các mối quan hệ này cũng được cho là vấn đề có thể gây ra áp lực khiến cho trẻ bị tổn thương về mặt tinh thần.
Nguyên nhân thứ hai là do tác động của môi trường xung quanh. Nguy cơ trẻ bị ảnh hưởng tâm lý vì áp lực gia đình sẽ có xu hướng gia tăng nếu thiếu vắng sự đồng cảm, chia sẻ và lắng nghe từ cha mẹ. Trẻ em, nhất là những trẻ ở tuổi dậy thì cần phải nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ người lớn.
Mặc dù phải đón nhận những cảm xúc tiêu cực của cha mẹ, nhưng trẻ lại không thể bày tỏ ra bên ngoài. Điều này thường khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu và cô đơn trong chính gia đình mình.
Xây dựng môi trường gia đình yên bình
Theo Thạc sĩ Sơn, tạo môi trường gia đình yên ấm và ổn định là yếu tố quan trọng để giúp trẻ vượt qua tâm lý bất ổn. Một không gian với tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, an toàn. Gia đình nên dành thời gian để cùng nhau đi chơi, ăn uống. Điều này sẽ giúp gắn kết các thành viên với nhau nhiều hơn.
Cha mẹ cần trò chuyện và lắng nghe con, tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Từ đó, phụ huynh có thể hiểu rõ hơn tâm lý của con. Lắng nghe con còn thể hiện sự tôn trọng ý kiến của trẻ.
“Người lớn hãy tự kiểm soát tốt cảm xúc của mình, không vì những áp lực cuộc sống mà cãi nhau trước mặt trẻ. Cha mẹ cùng nhau động viên nhau vượt qua những khó khăn, tránh những tranh cãi không cần thiết”, Thạc sĩ Sơn nói.
Bên cạnh đó, cha mẹ đừng tạo áp lực học tập hay đặt kỳ vọng quá cao cho trẻ, luôn động viên và thấu hiểu mong muốn của con. Giúp trẻ giảm tải áp lực từ việc học tập và thiết lập mối quan hệ tích cực từ môi trường gia đình cùng với bạn bè.
Nếu cha mẹ phát hiện những biểu hiện của tâm lý bất ổn ở con, nên tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý uy tín hoặc nhà trường. Họ có thể đánh giá tình hình của trẻ một cách chính xác và đề xuất các phương pháp hỗ trợ phù hợp.
Ngoài ra, hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng xã hội để con thấy được giá trị của cuộc sống. Các hoạt động nghệ thuật có thể giúp trẻ giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.