Học cách từ chối con mà không phải nói “Không”
Nói “Không” với trẻ dường như là cách đơn giản nhất mà cha mẹ thường dùng khi muốn từ chối hay ngăn cấm chúng làm một điều gì đó. Tuy nhiên, cách nói này không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả như mong muốn.
Những chuyên gia về nuôi dạy con cái cho rằng, nói “Không” quá nhiều sẽ khiến cho trẻ có cảm giác ức chế và rất có thể sẽ là mầm mống cho những nổi loạn trong tương lai. Có nhiều cách tốt hơn để từ chối hay ngăn cấm trẻ hơn là liên tục nói “Không”. Hãy sử dụng những câu ngắn gọn, rõ ràng và súc tích để giải thích tại sao trẻ lại không nên làm những điều như vậy. Dưới đây sẽ là những gợi ý dành cho các bậc cha mẹ:
1. “Bố/ mẹ biết là con thích ăn kem, nhưng ăn nhiều quá không tốt đâu con ạ”
Các chuyên gia gợi ý rằng khi cha mẹ muốn từ chối những yêu cầu về một món ăn vặt nào đó như kem, kẹo, bánh… cha mẹ nên đưa ra một giải pháp thay thế khác như sữa chua, hoa quả… Không nên hứa với trẻ rằng “có thể ngày mai con sẽ được ăn” bởi vì trẻ không thể hiểu được các khái niệm về thời gian nên nói với trẻ về thời điểm trong tương lai trẻ có thể ăn kem là không có tác dụng. Hầu hết trẻ em chỉ muốn thứ mà chúng cần do vậy cha mẹ cần phải thật bình tĩnh, kiên quyết và cố gắng đưa ra những đồ ăn nhẹ tốt cho sức khoẻ khác bất chấp những trận hờn dỗi, mè nheo của trẻ. Bằng cách này, trẻ vẫn được đáp ứng nhưng với những thứ tốt hơn.
2. “Thức ăn là để ăn chứ không phải để chơi”
Trẻ em thường có xu hướng chơi với thức ăn của chúng khi chúng vẫn còn cảm thấy no vì những bữa ăn trước đó. Và thế là thức ăn sẽ biến thành đồ chơi. Thay vì quát tháo khi trẻ ném bát thức ăn xuống nền nhà, thì đơn giản bạn hãy cất chiếc bát đi và giải thích lý do vì sao chúng không được ném đồ ăn như vậy. Nhưng nếu trẻ uống một ngụm sữa mà không phản đối gì thì bạn hãy nên “thưởng” cho chúng một lời khen nhé!
3. “Đừng phá đồ chơi lego, hãy để bố/ mẹ chỉ cho con cách chơi nhé!”
Nếu bé con tò mò của bạn phá toà tháp lego của các anh lớn thì đó không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của sự ghen tị mà đơn giản nó nhìn thấy khối lego và muốn phá nó đi để chơi mà thôi. Hầu hết trẻ em đều không thích bị bắt phải làm điều gì đó. Nhưng nếu chúng nghe thấy bạn la mắng rằng chúng không được làm thế này, làm thế kia, chúng sẽ cố tiếp tục làm như vậy. Bạn có thể chọn một cách khác hỏi xem nó có muốn chơi lego cùng các anh không và bạn sẽ hướng dẫn chúng chơi cũng như cách chơi với những đứa trẻ khác.
4. “Mọi vật cũng cần lớn lên, hãy nhẹ tay thôi nhé!”
Nếu bạn bắt gặp con ngắt hoa hay kéo đuôi những con vật nuôi trong nhà bạn hãy giải thích với con rằng: “Những bông hoa đó, con vật đó cũng có sự sống, nếu con làm đau nó, nó sẽ thấy rất đau và khó chịu đấy!” Điều này sẽ giúp con bạn phát triển lòng cảm thông và hiểu được cảm giác của những sinh vật sống khác.
5. “Chúng ta dùng lời nói chứ không dùng tay”
Đây là một cách nói khôn khéo để tránh mắng trẻ rằng: “Con không được đánh em”. Khả năng nhận thức của một đứa trẻ về hành động đánh người khác là rất hạn chế. Bạn cần phải dừng hành động đó của trẻ lại ngay lập tức và sau đó bình tĩnh nói với con rằng: “Chúng ta không được đánh nhau khi chúng ta đang tức giận. Chúng ta dùng lời nói chứ không dùng tay”. Trong nhiều trường hợp, trẻ làm như vậy để thể hiện sự thất vọng hay muốn thu hút sự chú ý của người khác. Vì vậy bạn hãy giúp trẻ bình tĩnh lại khi chúng tỏ ra tức giận hoặc hỏi trẻ xem chúng muốn làm gì khi chúng cảm thấy không vui. Điều này sẽ giúp trẻ xác định được cảm xúc của mình trong bất kỳ tình huống nào và khi đã xác định được cảm xúc, bạn hãy hướng dẫn trẻ cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý.
6. “Bố /mẹ không hiểu gì khi con cứ mè nheo, lèo nhèo như vậy. Hãy nói một cách bình thường”
Khi trẻ yêu cầu hay phản đối một điều gì đó, chúng sẽ lèo nhèo, nhõng nhẽo bên tai bạn. Bạn hãy tránh nói: “Đừng có mè nheo nữa” hay “Không được lèo nhèo”…thay vào đó hãy nói với chúng rằng “Mẹ không thể hiểu con muốn nói gì nếu con cứ mè nheo như vậy.” Điều này sẽ khiến con bạn nói với bạn bằng giọng bình thường.
7. “Đưa cho bố/mẹ điện thoại, con sẽ có cái đồ chơi này”
Con bạn lúc nào cũng muốn giữ chiếc Iphone của bạn mỗi khi nó đổ chuông nhưng đó không phải là một thứ đồ chơi. Vậy làm thế nào để bạn có thể lấy được điện thoại mà không cần phải quát mắng chúng? Hãy đưa cho trẻ một thứ đồ chơi nào đó thay vì giằng lấy chiếc điện thoại. Đối với trẻ, việc thay thế một hành động sẽ dễ dàng hơn việc dừng lại hành động đó. Nếu bạn không mang theo đồ chơi, bạn có thể đưa cho trẻ một vật gì đó an toàn và không ăn được. Điều này sẽ tránh được một cuộc “xung đột” hoặc không gây nguy hiểm gì đối với trẻ.
8. “Dừng lại”, “Nguy hiểm” hay “Nóng đấy”
Đôi khi nói “Không” không đủ để truyền đạt được mối nguy hiểm nào đó. Hãy sử dụng những tính từ và động từ mạnh với một giọng điệu khẩn cấp, lắc ngón tay hay thể hiện nét mặt sợ hãi trong những trường hợp khẩn cấp ví dụ khi em bé nhà bạn chuẩn bị sờ tay lên chiếc bếp lò (kể cả khi nó không hoạt động) hãy thể hiện nét mặt sợ hãi cùng với một số cụm từ báo động rồi di chuyển bé đến ngay một nơi an toàn khác.