Học bố mẹ thông minh cách xử lý 6 thói quen xấu của con cái
Cùng tìm hiểu những thói xấu ở trẻ và cách khắc phục mà bố mẹ không nên bỏ qua nhé.
1. Tỏ thái độ với bố mẹ
Khi trẻ nhỏ có những lời nói không lễ phép với bố mẹ có nghĩa là trẻ đang thiếu sự tôn trọng với bố mẹ và những người lớn khác. Bố mẹ có thể cho rằng việc trẻ bắt chước mình, lườm nguýt hay cãi lại lời bố mẹ chỉ đơn giản là những biểu hiện trong giai đoạn phát triển nào đó, nhưng thói xấu đó có thể trở thành một phần tính cách của trẻ khi trưởng thành nếu không được bố mẹ chấn chỉnh sớm nhất có thể.
Tiến sĩ giáo dục Michele Borba, tác giả cuốn sách "Đừng tỏ thái độ đó với mẹ!: 24 Hành vi thô lỗ, ích kỷ, thiếu khôn ngoan của trẻ và cách ngăn chặn", cho biết: “Một vài bậc phụ huynh không để ý đến những hành vi đó vì họ cho rằng đó là giai đoạn chuyển giao, nhưng nếu bạn không khắc phục chúng, bạn sẽ nhận ra mình có một đứa con thiếu kính trọng người khác và phải rất khó khăn để kết bạn, duy trì tình bạn và được thầy cô giáo, những người lớn khác yêu mến”.
Cách khắc phục
Nếu trẻ nhại lời, bạn có thể bỏ đi hoặc nói với trẻ: "Mẹ không nghe được gì hết khi con nói như thế. Muốn mẹ lắng nghe, con phải nói đàng hoàng".
2. Ngắt lời bố mẹ
Nhiều khi trẻ quá hứng thú kể cho bố mẹ nghe chuyện gì đó đến mức ngắt lời bạn và không để ý đến những điều xung quanh. Nhưng kể cả như vậy bố mẹ cũng không nên bỏ qua hành vi đó. Một khi ngắt lời bố mẹ trở thành một thói quen, trẻ sẽ cho rằng việc thiếu tôn trọng với người khác là hành vi chấp nhận được.
Theo Tiến sỹ tâm lý học Jerry Wyckoff – đồng tác giả của cuốn "Getting Your Child From No to Yes", cho biết: "Kết quả là, con của bạn sẽ nghĩ rằng mình có quyền được người khác chú ý đến và sẽ không thể thích ứng được nếu không được mọi người quan tâm".
Cách khắc phục
Thường xuyên nhắc nhở để trẻ biết phải đợi đến lượt mình mới được nói. Cho trẻ biết rằng việc ngắt lời người lớn là hành vi thô lỗ và bố mẹ sẽ không bao giờ cho phép hành vi đó diễn ra lần nữa.
3. Có hành vi bạo lực khi chơi đùa
Trẻ nhỏ thường có những lúc chơi đùa "quá khích" và vượt quá tầm kiểm soát của bố mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn nên đặt ra một giới hạn nhất định cho những lần vui chơi của trẻ. Hơn nữa, nếu trẻ nhỏ có hành vi thô bạo khi chơi đùa thì lúc này bố mẹ nên can thiệp và quan sát cẩn thận những biểu hiện của trẻ, vì điều đó có thể hình thành thói xấu về hành vi bạo lực khi trẻ trưởng thành.
Tiến sĩ Borba chia sẻ, "Nếu bạn không can thiệp, hành vi bạo lực có thể trở thành một thói quen khó bỏ khi trẻ lên 8. Không những thế, điều đó còn ngầm khiến cho trẻ hiểu rằng tổn thương người khác là hành vi hoàn toàn bình thường".
Cách khắc phục
Dạy trẻ cư xử với người khác theo đúng cách con muốn người khác cư xử với mình. Đồng thời, giải thích để trẻ hiểu chơi đùa bạo lực có thể gây thương tổn cho mọi người xung quanh.
4. Giả vờ không nghe thấy lời bố mẹ nói
Nhiều bố mẹ phải lặp lại yêu cầu trẻ làm một việc nào đó mà trẻ không thích tới hai, ba, thậm chí là bốn lần, ví dụ như cất đồ chơi hay đi tắm. Tình trạng đó khiến trẻ nhận thức rằng, việc không nghe lời bố mẹ cũng không sao cả và có thể làm bất cứ điều gì mình thích.
Tiến sĩ tâm lý học Kevin Leman, tác giả cuốn sách "First-Time Mom: Getting Off on the Right Foot – From Birth to First Grade", khẳng định: "Bố mẹ nhắc đi nhắc lại yêu cầu khiến trẻ quen với việc đợi đến lời nhắc nhở tiếp theo thay vì chú ý đến lần nói đầu tiên của bố mẹ. Trẻ sẽ điều khiển bạn, và nếu hành vi đó vẫn cứ tiếp diễn, rất có thể trẻ sẽ trở nên bướng bỉnh và không quan tâm đến bất kỳ người nào khác ngoài bản thân".
Cách khắc phục
Yêu cầu trẻ nhìn vào bố mẹ khi người lớn đang nói chuyện. Chạm vào vai con, gọi tên con và tắt tivi cũng có thể giúp bố mẹ khiến trẻ phải chú ý.
5. Nói dối
Trẻ nói dối nhiều hơn bố mẹ thường nghĩ. Nếu trẻ nói đã dọn dẹp giường chiếu trong khi rất ít lần gấp nổi một cái chăn thì bố mẹ thường bỏ qua và không quá đặt nặng vấn đề; nhưng hành vi thiếu trung thực đó cần được ngăn chặn trước khi trở thành thói quen của trẻ.
Theo Tiến sỹ Wyckoff chia sẻ: "Nói dối có thể trở thành phản ứng tự động nếu trẻ phát hiện ra rằng đó là cách dễ dàng nhất để bản thân được mọi người tán dương, để tránh phải làm điều gì đó trẻ không muốn, hay để không bị liên quan đến những rắc rối mà trẻ gây ra".
Cách khắc phục
Cho trẻ biết rằng bố mẹ luôn biết được sự thật và nếu cứ tiếp tục nói dối thì sẽ không có ai tin con nữa. Và con cũng sẽ không đạt được mục đích.
6. Tự tiện làm mọi việc mà không xin phép bố mẹ
Nếu trẻ có thể tự mình lấy kẹo bánh trong cửa hàng, bố mẹ sẽ khá nhàn rỗi. Nhưng cho phép trẻ tự thực hiện những hoạt động mà bố mẹ nên kiểm soát sẽ khiến trẻ hình thành ý thức "bất quy tắc". Tiến sĩ Wyckoff cho biết: "Tuy việc đứa con mới được 2 tuổi của bạn tự đi vào nhà bếp để lấy bánh quy là rất đáng khen ngợi, nhưng hãy đợi đến khi đứa trẻ 8 tuổi, nó sẽ đến thăm nhà một người bạn ở cách đó ba tòa nhà mà không xin phép".
Cách khắc phục
Thiết lập một vài quy tắc ứng xử trong nhà và thường xuyên nhắc lại các quy tắc đó để trẻ biết việc gì có thể tự làm, việc gì phải xin phép mới được làm.