Hoảng loạn vì cha mẹ ép học

Thanh Hoa,
Chia sẻ

Khi con không đạt được kết quả học tập như mong muốn, nhiều gia đình đã quát mắng, trách phạt con dẫn đến trẻ mắc bệnh về tâm thần.

Từ ngày cu Bi vào lớp 1, chị Nhung (Hoàng Mai) đã đưa ra cả một danh sách những mục tiêu cần phải đạt được cho cậu con trai: "Học sinh xuất sắc, đứng đầu lớp, đạt danh hiệu viết chữ đẹp..."
 
Mong muốn là như vậy nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng thỏa lòng mãn nguyện. Khả năng và sức khỏe của con trẻ là có hạn nên dẫu thúc ép hay đe nạt thì con bạn cũng chỉ tiến triển ở một mức độ nhất định mà thôi. Thậm chí nếu làm quá gay gắt, tâm sinh lý của các em sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cuối năm học, cu Bi chỉ đạt được học sinh tiên tiến. Mắng mỏ con nặng lời một hồi, chị Nhung còn không ăn không ngủ mấy ngày làm cho cu Bi thật sự thấy hoảng sợ. Bi sống khép kín và không còn cười đùa tươi vui như trước kia. Các năm học tiếp theo, mặc dầu có cố gắng hơn nhưng thành tích học tập của cu Bi càng ngày càng đi xuống. Giờ đây mọi người chỉ thấy Bi là một em bé khó gần, ít nói và chậm chạp. Lo lắng mang con đi khám, chị Nhung tá hỏa khi biết con mình bị mắc bệnh trầm cảm.

 

Các bậc phụ huynh vì quá cầu toàn đã kỳ vọng vào con trẻ quá nhiều. “Con tôi không thể thua bạn kém bè. Con người ta lớp 1 đã đọc được báo vanh vách thì không lý gì con tôi lại không thể làm được”. Đó là tâm lý chung của các ông bố bà mẹ chỉ muốn nhìn thấy cái lợi trước mắt mà chưa suy nghĩ đến hậu quả về sau.

Thời gian biểu một ngày của bé Thu (8 tuổi) được chị Ánh lên dày đặc. Sáng học tại trường, chiều học tăng cường, tối học thêm tại nhà cô giáo. Ngay cả thứ 7, chủ nhật chị cũng thuê gia sư đến kèm cặp cho con.

Cuối năm thấy kết quả học tập của con “không đâu vào đâu”,  chị Thu đã la mắng con nặng lời:  “ Con nhà người ta vừa học vừa phải đi làm phụ giúp cha mẹ. Con mình chỉ có ăn mới học mà ....Không học được, sau này chỉ lê la đầu đường xó chợ thôi”.

Bị thúc ép học tập, càng ngày bé Thu càng tỏ ra đãng trí. Kết quả học tập giảm sút. Mặc dù vậy, chị Ánh  vẫn suốt ngày than vãn,  không hề động viên con một lời. Chị còn mang con ra so sánh: "Đấy mày xem, anh Nam nhà bên bố mẹ có bao giờ phải chỉ bảo đâu mà học tốt, còn mày thì học càng ngày càng kém đi...Mày không học thì ở nhà đi làm".

Việc gây áp lực học hành sẽ làm trẻ cảm thấy mệt mỏi, ức chế. Bị thúc ép hay đem ra so sánh nhiều lần, con trẻ cũng tự ti, mâu thuẫn với bạn bè dẫn đến không muốn học. Kết quả không được mong muốn làm nhiều trẻ nhụt chí, cảm thấy sợ hoặc muốn xa lánh cha mẹ...

Học tập là một quá trình cần phải phấn đấu lâu dài. Không phải ai muốn con mình học giỏi đều đạt được ý nguyện nên các bậc cha mẹ thay vì trách móc, kiểm điểm hãy chú ý đến những thành công  dù nhỏ của con để kịp thời động viên giúp con tiến bộ hơn.

                                                                                                                                          Thanh Hòa

Chia sẻ