Hiệu quả phòng bệnh có bị giảm khi bố mẹ đưa con đi tiêm phòng trễ lịch hẹn?

An Chi,
Chia sẻ

Có rất nhiều lý do dẫn tới việc tiêm phòng không đúng lịch, điều này khiến cha mẹ lo lắng về tác dụng của các loại vắc xin.

Tiêm vắc xin là một bước quan trọng trong việc bảo vệ những đối tượng dễ bị mắc bệnh, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Vắc xin giúp hệ miễn dịch của bé tấn công các tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn bằng cách chuẩn bị sẵn sàng cho hệ miễn dịch ứng phó với một số bệnh cụ thể. Từ đó, nếu vi rút hoặc vi khuẩn tấn công cơ thể bé sau này, hệ miễn dịch của con sẽ nhận diện được và biết cách chống lại.

Trẻ tiêm phòng vắc xin trễ có ảnh hưởng gì đến khả năng phòng bệnh hay không?

Một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ là tuân thủ theo lịch tiêm chủng ở quốc gia mà bạn sinh sống. Nếu bạn trì hoãn và chậm không đưa con đi tiêm vắc xin, bạn sẽ làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh cho con mình.

Tuy nhiên, trẻ không phải lúc nào cũng đủ sức khỏe để tiêm đúng lịch, hoặc cha mẹ bận bịu không thể đưa con tới. Điều này khiến nhiều cha mẹ lo ngại sẽ làm giảm hiệu quả phòng bệnh của vắc xin hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Dù vậy, cha mẹ không cần quá lo lắng bởi trẻ chỉ bị ảnh hưởng khi tiêm sớm hơn lịch hẹn, còn việc trẻ bị chậm lịch tiêm các mũi vắc xin nhắc lại không làm giảm tác dụng của thuốc và cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Lịch hẹn là thời hạn tối thiểu để trẻ có thể tiêm nhắc lại mũi tiếp theo và không có thời gian tối đa. 

Cho dù vậy, cha mẹ vẫn nên cho trẻ tiêm phòng đúng và đủ lịch để sức khỏe của con được bảo vệ một cách tốt nhất. Khi trẻ được tiêm phòng đầy đủ sẽ tạo cho cơ thể một sức đề kháng tốt hơn để phòng, chống các bệnh sau này.

Đưa con đi tiêm phòng trễ lịch hẹn, bố mẹ lo lắng hiệu quả phòng bệnh sẽ bị giảm - Ảnh 1.

Liệu cơ thể của con có tiếp nhận được tất cả các loại vắc-xin?

Rất nhiều cha mẹ băn khoăn rằng trong những năm đầu đời, con phải tiêm chủng quá nhiều, đặc biệt có những lần tiêm liền 2, 3 mũi. Như vậy liệu bé có tiếp nhận được hết các mũi tiêm và những vắc xin này có phát huy hết tác dụng của chúng.

Câu trả lời là "Có". Nhiều cha mẹ lo lắng rằng nhiều vắc-xin có thể làm quá tải hệ miễn dịch của trẻ. Nhưng trẻ em tiếp xúc với hàng trăm loại vi trùng hàng ngày. Thực tế là, bị cảm lạnh hay đau họng sẽ tạo áp lực lớn hơn đến hệ miễn dịch của con bạn hơn là tiêm chủng.

Những trường hợp nào con không được tiêm chủng?

- Trẻ có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần): Sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở cần thận trọng khi tiêm chủng.

- Những trẻ bị suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các vắc xin sống giảm độc lực.

- Không tiêm vắc xin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng tốt lây truyền từ mẹ sang con.

- Ngoài ra, các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Những trường hợp trẻ nên hoãn tiêm chủng

- Trẻ đang ốm sốt, mắc các bệnh cấp tính hay nhiễm trùng thì nên hoãn tiêm chủng, đợi sức khỏe của các bé ổn định và thăm khám lại để quyết định.

- Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednison ≥ 2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày cũng nên hoãn tiêm, nghe theo chỉ định của bác sĩ.

- Cuối cùng, trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2000g nên đợi đến khi trẻ đủ kg (khoảng 4kg hoặc tùy cơ địa bé, số tháng sinh non) mới thực hiện tiêm chủng.

Chia sẻ