Tâm sự của cha:

"Hãy bao dung một lần khi con ăn cắp"

Đức Vinh,
Chia sẻ

Tôi tin rằng, nếu nhận được tình yêu thương, đồng thời với sự nghiêm khắc và tin tưởng của bố mẹ, của xã hội, thì những đứa trẻ đã từng mắc sai lầm sẽ biết ăn năn, hối lỗi và thay đổi.

Sau bữa trưa với đồng nghiệp, chúng tôi ngồi cà phê cà pháo mươi phút cho tỉnh ngủ, tiện thể mở điện thoại cập nhật tình hình từ kinh tế chính trị đến đại gia chân dài. Gặp tin bài về cô bé lấy trộm sách trong siêu thị bị trói và đeo biển “tôi là người ăn cắp”, anh chị em rôm rả hết cả lên, người kêu: “tàn nhẫn quá, đứa trẻ sẽ lớn lên với sự hờn tủi và lòng thù hận”, người bảo “phải thế, cứ dung túng từ nhỏ rồi lớn lên chẳng mấy mà thành Lê Văn Luyện, ăn cắp chém người chẳng ghê tay”.

Riêng tôi không bàn luận gì nhiều, bởi vì chính tôi cũng có một cậu con trai từng ăn cắp.

Vợ chồng tôi rất yêu thương nhau, nhưng khó đường con cái, đủ loại thuốc đông tây, cầu cạnh bốn phương tám hướng mới sinh được một mụn con trai. Vợ tôi lại có nhóm máu Rh- nên bác sỹ khuyến cáo không thể sinh thêm em bé, nếu cố cũng rất dễ hỏng thai.

Không vì có duy nhất một mụn con mà chúng tôi chiều chuộng cháu. Con trai được rèn giũa và giáo dục rất nghiêm khắc, chúng tôi không muốn tạo cho cháu tính ỷ lại, ích kỷ nên ngay từ nhỏ cháu đã rất tự lập, chơi xong tự thu dọn đồ, đánh nhau với bạn tự giải quyết, quần áo tự giặt, bát cả nhà ăn xong bê đi rửa phụ mẹ…

Tuy nhiên, khi bước vào tuổi dậy thì, con trai vốn ngoan ngoãn của chúng tôi có những biến đổi về tâm lý. Chúng tôi nhận ra cháu có niềm ham thích đặc biệt với tiền, cháu rất thích tiền và luôn hỏi làm cách nào để kiếm ra tiền. Lúc đó, chúng tôi chỉ lờ đi “Tuổi của con cần gì tiền? Bố mẹ có để con thiếu cái gì đâu. Thích gì thì trình bày, hợp lý bố mẹ sẽ mua cho!”

Con trai không hỏi nữa, nhưng mọi chuyện bắt đầu từ đó. Vợ tôi phàn nàn rằng dạo này mình có tính hay quên, vừa đi chợ về để chỗ tiền lẻ ở đâu không nhớ. Rồi chỗ tiền điện nước để trong ngăn kéo chờ người đến thu cũng không cánh mà bay…

Nhà có 3 người, vợ chồng tôi dần dần hiểu chuyện gì đang xảy ra, chúng tôi để ý và đau lòng nhận ra con trai đang hàng ngày lén lấy tiền của bố mẹ.

Vợ tôi như phát điên lên, cô ấy là người rất sợ con hư, lập tức lôi cháu ra đánh cho một trận lên bờ xuống ruộng. Không khí gia đình căng thẳng và đặc quánh, ngày nào vợ tôi cũng mang bộ mặt xầm xì, hở ra một cái là mắng mỏ con, gọi con là “thằng bất hiếu”, là “đồ trời đánh”, là “quân ăn cắp”.

Thấy vợ đôi lúc mắng con hơi quá lời, tối nằm ngủ, tôi nói “Có lẽ thế là đủ rồi em ạ”, thì cô ấy nấc lên “Bé ăn trộm, lớn giết người. Mình mà không dạy cho nó nhớ thì sau này nó lại đi chặt tay chặt chân người ta như chơi”. Tôi thở dài, không còn biết nói gì nữa.

Bẵng đi một thời gian, mọi chuyện nhạt dần, không khí gia đình dần dần lấy lại sự ấm áp vui vẻ, vợ tôi cũng ít nhắc dần đến chuyện con lấy trộm tiền. Tiền bạc trong nhà được quản lý chặt chẽ hơn, không để hớ hênh như trước.

Ấy thế mà, một hôm đang làm việc ở cơ quan, tôi nhận được một cuộc gọi từ số lạ, mời đến ngay siêu thị trung tâm để giải quyết. Họ vừa bắt được con tôi ăn trộm một cái quần bò, cháu cho họ số điện thoại của tôi.

Lúc ấy, người tôi như trên mây, bải hoải bài hoài, bao nhiêu đòn roi nhiếc móc của mẹ nó thì ra chẳng “xi nhê” gì. Con không ăn cắp trong nhà thì lại ra ngoài ăn cắp. Tôi định gọi cho vợ, nhưng bỗng nhiên khựng lại, tôi tự hỏi tại sao con nó gọi cho bố chứ không gọi cho mẹ? Có lẽ nó quá sợ mẹ lại đánh mắng nó, nó nghĩ tôi sẽ đánh con nhẹ đi, mắng con ít hơn chăng?

Rồi trong khoảnh khắc máu nóng bốc rần rật trên đầu ấy, tôi bình tĩnh và sáng suốt nhận ra, con đang cầu cứu mình, và tin rằng tôi sẽ giúp nó. Trước khi vội vàng phi đến siêu thị, tôi nhắm mắt tĩnh tâm, quyết định chọn cách giải quyết khác.

Khi đến nơi, con trai tôi đang cúi gằm mặt, xung quanh là ba người bảo vệ đeo băng đỏ cầm gậy, những khách mua hàng hướng ánh mắt dò xét vào con trai tôi. Tôi đến gần, xin gặp ban quản lý, tại đây, tôi cúi đầu xin lỗi họ, xin đền tiền gấp đôi cái quần bò con trai tôi lấy và xin họ cho cháu một cơ hội, đừng báo với nhà trường và dán ảnh con tôi trước cổng siêu thị.



Cầu cạnh mãi ban quản lý cũng nể tình đồng ý. Tôi lái xe đưa con rời khỏi siêu thị, hai bố con lặng thinh không nói gì. Đã 5 giờ hơn, giờ này, vợ tôi đã về chuẩn bị cơm tối. Tôi không về thẳng mà đưa con vào công viên gần nhà.

Con trai tôi rất ngạc nhiên nhưng vẫn theo bố vào. Tôi và con đi bộ loanh quanh, rồi tôi dừng lại ở chiếc ghế đá ít người qua lại, nói chuyện với con. 

 “Con trai ạ. Khi con còn nhỏ, bố mẹ thường đưa con ra đây chơi. Bố và mẹ rất, rất yêu con!” 

Từ khi con 6 tuổi, tôi đã không còn nói những lời nói thể hiện tình cảm của mình như vậy. Đó có thể là một câu nói đơn giản, nhưng với tôi, là một sự dũng cảm. Tôi biết, nếu tiếp tục mắng mỏ quát nạt như vợ tôi từng làm, cháu sẽ ngay lập tức đóng chặt cửa lòng mình và không tiếp nhận bất kỳ lời khuyên nào tiếp theo nữa. 

Tôi thấy con trai bỗng ngẩng phắt lên nhìn bố, mắt mở to nhưng rồi lại ngượng ngập cúi xuống. Tôi tiếp tục: “Bố mẹ chỉ có mình con, và đã dạy con nghiêm khắc. Vậy nên con đã biết như thế nào là tốt, như thế nào là xấu, đúng không? Lần này, con nghĩ là mình đã làm điều tốt hay điều xấu?” 

Con tôi trả lời ngay: “Con đã làm điều xấu ạ” 

“Vậy trước khi ăn trộm, con có biết rằng đó là điều xấu không?”

“…Có ạ.”

"Đã nghĩ là xấu, vậy tại sao con vẫn làm? Bố nghĩ không phải tại con bị thiếu thốn, vì mẹ vừa mua quần áo cho con tuần trước đúng không?”

“Vì… con quá thích nó, nhưng lại không có tiền mua, con cũng không dám xin mẹ.”

“Quá thích nó ư?”

“Vâng, nhưng giờ con không thích nữa.”

“Con không thích nó nữa, vậy bây giờ con nghĩ con nên làm gì?”

“Con sẽ không bao giờ ăn trộm nữa. Con xin lỗi bố…”

Tôi thở nhẹ ra, đặt tay lên vai con:

“Bố tin rằng con sẽ không bao giờ làm điều này nữa.” 

Sau lần đó, con trai mở lòng với tôi hơn, hay nói chuyện cùng bố. Tôi bàn với vợ cho con một khoản nhỏ tiêu vặt hàng tháng để con có thể học cách chi tiêu, quản lý tiền và tiết kiệm để mua những thứ mình muốn.

Con tôi – như những cậu bé nghịch ngợm khác, lớn lên, trưởng thành và mắc thêm rất nhiều lỗi lầm. Nhưng không bao giờ cháu đụng đến những thứ không phải của mình nữa. Mỗi khi cháu mắc lỗi, vợ tôi đôi lúc vẫn quát mắng cháu, và tôi lại lựa lúc hợp lý phân tích cho cháu nghe, bằng sự yêu thương và lòng tin tưởng vào con mình.

Tôi tin rằng, nếu nhận được tình yêu thương, đồng thời với sự nghiêm khắc và tin tưởng của bố mẹ, của xã hội, thì những đứa trẻ đã từng mắc sai lầm sẽ biết ăn năn, hối lỗi và thay đổi. 

Một lần yêu thương và bao dung với lỗi lầm của con, chắc chắn không thể biến con trở thành Lê Văn Luyện.
Chia sẻ