Hầu như cha mẹ nào cũng mắc phải một sai lầm trong việc xịt mũi khiến con khóc thét nhưng lại không hề hay biết
Vệ sinh mũi cho con tưởng là chuyện đơn giản, nhưng theo các chuyên gia, có một sai lầm cơ bản ngay từ bước đầu tiên trong quá trình này mà 9/10 ông bố bà mẹ mắc phải.
Nghẹt mũi là một hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là trong điều kiện thời tiết lạnh và khô như hiện nay. Theo Tiến sĩ Erika Krumbeck, người sáng lập trang web naturopathicpediatrics.com và phòng khám Montana Whole Health – một phòng khám trị liệu tự nhiên ở Missoula, Montana (Mỹ), thông thường trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ bị từ 7 -10 lần cảm lạnh trong một năm nên sẽ có những đợt trẻ sổ mũi nghẹt mũi kéo dài trong vài tuần.
Nguyên nhân chính khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nghẹt mũi là do trong mũi của bé tích tụ nhiều chất nhầy vì các con không thể xì mũi cũng như làm thông mũi họng một cách hiệu quả như người lớn. Và hầu hết trẻ đều tự khỏi sau khi bị nghẹt mũi.
Bên cạnh đó, trong những ngày đầu tiên của cuộc đời, trẻ sơ sinh có thể bị nghẹt mũi khi bé tiếp tục đẩy nước ối ra khỏi xoang và đường mũi. Ngoài ra, không khí khô, các chất kích thích như khói thuốc lá, khói bụi có thể gây kích ứng niêm mạc bên trong đường mũi khiến trẻ bị nghẹt. Do đó, vệ sinh mũi cho con là việc quan trọng mà cha mẹ cần làm mỗi khi con bị nghẹt mũi.
Các bước vệ sinh mũi đúng cách dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Tiến sĩ Erika chia sẻ có một sai lầm mà hầu như cha mẹ nào cũng mắc phải trong quá trình vệ sinh mũi cho con. Đó là: "Khi xịt nhỏ mũi cho con, hầu hết các cha mẹ đều đưa thẳng ống bơm nhỏ mũi vào thẳng bên trong mũi của bé. Nhưng tôi muốn nói rằng đó là cách loại bỏ chất nhầy đau đớn nhất. Bạn nên biết rằng vách ngăn mũi - lớp sụn ngăn cách giữa lỗ mũi này với lỗ mũi kia – có nhiều dây thần kinh hơn so với phần thịt bao quanh lỗ mũi. Khi bạn xịt mũi thẳng vào bên trong, nó sẽ thường chạm vào vách ngăn khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên xịt mũi lệch vào cánh mũi bé".
Thuốc nhỏ và thuốc xịt mũi là hai lựa chọn tuyệt vời để giảm nghẹt mũi ở trẻ em, nhất là khi con bị cảm lạnh hay nhiễm trùng đường hô hấp. Những loại thuốc này giúp loại bỏ chất nhầy dư thừa trong đường mũi, trong xoang, từ đó giúp trẻ thở dễ dàng hơn.
Hầu hết các bác sĩ nhi khoa đều khuyên cha mẹ nên sử dụng kết hợp với dụng cụ hút mũi để vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi bé bị nghẹt mũi. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết các bước thực hiện đúng cách để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình này.
Vì thế, Tiến sĩ Erika đã hướng dẫn các bước xịt nhỏ mũi đúng như sau:
- Trước hết, bạn phải chuẩn bị nước muối vô trùng (có thể mua ở bất kỳ hiệu thuốc nào) và một dụng cụ hút mũi sạch.
- Giữ trẻ ở tư thế nằm thẳng hoặc ngồi hơi ngả vào lòng cha mẹ. Nếu trẻ ngồi bạn nhớ cho đầu của bé tựa vào cánh tay của bạn.
- Xịt nhỏ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý vào từng bên lỗ mũi, lưu ý đầu ống xịt nằm chéo về phía cánh mũi.
- Chờ vài giây để nước muối ngấm vào mũi.
- Bước tiếp theo là bạn sẽ lấy dụng cụ hút mũi để làm sạch mũi bé. Nếu sử dụng hút mũi dạng bóp hình bóng đèn, hãy bóp chặt đầu bóng lại nhằm đẩy không khí ra khỏi nó, sau đó đưa vào lỗ mũi mà bạn đã nhỏ nước muối sinh lý.
- Thả bóng của dụng cụ hút mũi ra. Lúc này lực hút được tạo ra khi không khí tràn vào bên trong sẽ hút chất nhầy và nước muối thừa ra khỏi mũi của bé.
- Cuối cùng, bạn bóp dụng cụ hút mũi vào bồn rửa hoặc một miếng vải sạch để đẩy hết chất nhầy ra ngoài.
Bạn tiếp tục hút chất nhầy ở bên mũi còn lại của trẻ bằng cách lặp lại từ bước 5 đến bước 7.
Nếu sử dụng dụng cụ hút mũi khác như dạng ống hút hay máy hút mũi, các thao tác cũng thực hiện tương tự: nhỏ hoặc xịt nước muối làm mềm mũi - sau đó dùng dụng cụ hút chất nhầy trong mũi bé ra.
Một số mẹo nhỏ giúp cha mẹ rửa mũi cho trẻ dễ dàng hơn
Nếu trẻ đang cáu kỉnh, bực bội, khó chịu thì cha mẹ có thể cùng hợp tác với nhau hoặc nhờ thêm một người hỗ trợ nữa trong việc giữ yên đầu, tay chân của bé. Bạn nên nhỏ nước mũi sinh lý để thông mũi cho trẻ trước khi bú hoặc ngủ, đồng thời dùng khăn ấm hoặc tăm bông để lau sạch chất nhầy dính trên lỗ mũi.
Ngoài ra, dụng cụ hút mũi dạng bóng đèn thường khó rửa một cách sạch sẽ và có thể chứa vi khuẩn. Do đó, hãy nhớ rửa nó bằng xà phòng với nước thường xuyên và nên bóp hết không khí bên trong dụng cụ ra trước khi đưa vào trong mũi của bé.
=> Để chăm sóc con tốt hơn giúp trẻ không bị ốm trong những ngày lạnh, cha mẹ có thể tham khảo thêm những thông tin bổ ích TẠI ĐÂY.