Hầu hết bố mẹ đều mắc phải những lỗi này khi nói chuyện với con, hãy thay đổi ngay trước khi quá muộn

San San,
Chia sẻ

Lời nói với trẻ rất quan trọng, đôi khi chúng để lại những kí ức sâu sắc nhiều hơn so với việc đánh bằng đòn roi.

Nuôi dạy con trẻ là cả một quá trình đầy áp lực và thử thách, đặc biệt là trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Có thể thấy, phương pháp giáo dục của nhiều gia đình đã có phần thay đổi, thay vì bố mẹ ''đặt đâu con ngồi đấy'', các phụ huynh đang hướng đến việc tôn trọng và lắng nghe cảm xúc từ con, yêu thương con bằng sự đồng hành, quan tâm, tránh xa đòn roi, quát mắng...

Lời nói với trẻ trong cuộc sống hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ quyết định việc con có nghe lời hay không mà còn định hướng tính cách và tương lai sau này của bé. Con cái chính là tấm gương phản chiếu từ bố mẹ, một đứa trẻ ngoan, hiểu biết chắc chắn đã nhận được sự giáo dục rất tốt từ gia đình.

Khi giao tiếp với trẻ, rất nhiều người lớn thường mắc những lỗi sau, nghe qua tưởng đơn giản nhưng thực chất sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của con. Về lâu về dài, nếu bố mẹ tiếp tục mắc những lỗi như thế, bé sẽ không còn hứng thú chia sẻ và nói chuyện, không còn nhu cầu muốn tâm sự với bố mẹ nữa. Thế nên, các bậc phụ huynh cần chú ý, hạn chế mắc phải những lỗi này.

Hầu hết bố mẹ đều mắc phải những lỗi này khi nói chuyện với con, hãy thay đổi ngay trước khi quá muộn - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

1. Không chú tâm khi con đặt câu hỏi

Trẻ bước vào độ tuổi 2-5 thường đặt ra rất nhiều câu hỏi: ''vì sao bông hoa có màu vàng, tại sao tường lại có màu xanh, vì sao khi mưa đường lại ướt...''. Những câu hỏi tưởng như rất buồn cười nhưng lại là lúc trẻ đang tìm hiểu và khám phá về thế giới xung quanh. Khi con thắc mắc điều gì đó, chắc hẳn bé đang rất mong mỏi lời giải thích thỏa đáng từ bố mẹ.

Nhiều phụ huynh cho rằng không cần thiết phải quá để ý những lời nói đó của con vì chúng còn nhỏ, nhưng thực ra họ đang bỏ qua những kiến thức quan trọng trong vốn sống, vốn hiểu biết của con. Nếu cứ không lắng nghe và chú tâm vào những gì con nói, trẻ hoàn toàn có thể cảm nhận được rằng câu chuyện của mình không hấp dẫn, không xứng đáng để bố mẹ để tâm.

Nhiều ông bố, bà mẹ về đến nhà mang theo tâm trạng mệt mỏi từ chỗ làm, bỏ qua hết thảy những tâm tình của con. Họ quên mất rằng con cũng đang có nhu cầu chia sẻ, nói cho bố mẹ biết về những điều mới mà con học được trong ngày. Chính vào thời điểm này cả nhà có thể quây quần, trò chuyện với nhau và giúp mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.

Bên cạnh đó, nhiều người có xu hướng chăm chú vào cái điện thoại, miệng thì nói chuyện với con nhưng mắt lại chú tâm vào việc khác. Trẻ sẽ cảm thấy rất buồn và khó chịu nếu bố mẹ cứ làm như thế, dần dần con sẽ cảm thấy ngại chia sẻ với bố mẹ hơn.

Hầu hết bố mẹ đều mắc phải những lỗi này khi nói chuyện với con, hãy thay đổi ngay trước khi quá muộn - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

2. Trả lời qua loa, cho có

Đây là lỗi rất hay mắc phải của hầu hết phụ huynh. Trong mắt những đứa trẻ, cuộc sống có rất nhiều điều mới lạ mà con mong muốn được tìm hiểu và khám phá. Mỗi lần con đặt ra câu hỏi, một số người có thiên hướng trả lời như ''thì tại nó thế, hỏi nhiều làm gì'', hay ''thì nó đã sẵn như thế con cứ cho là thế đi''... Những câu trả lời như vậy sẽ khiến bé cảm thấy mất hứng thú, không muốn tìm hiểu nữa.

Thay vì như vậy, bố mẹ hãy cố gắng giải thích bằng cách đơn giản nhất để con có thể hiểu được. Nếu tại thời điểm đó, bố mẹ chưa có đáp án ngay thì có thể nói với con là ''Vấn đề này mẹ sẽ giải đáp chi tiết cho con vào tối nay nhé'' rồi có thể lên mạng tìm hiểu thêm thông tin để trả lời cho con. Đừng bao giờ coi thường hay trả lời cho có những câu hỏi của con, như thế sẽ khiến bé cảm thấy mất cảm hứng học hỏi.

3. Biết nhưng lại bảo không biết

Nhiều bố mẹ có xu hướng né tránh những câu hỏi ''khó nhằn'' từ con. Một số bé thắc mắc về ''các bộ phận riêng tư của bản thân, con trai khác con gái như thế nào, em bé được hình thành ra sao''... thường bố mẹ sẽ chỉ trả lời qua loa hoặc nói là ''không biết'' để con đỡ hỏi. Nhưng điều này là hoàn toàn sai lầm, khi trẻ muốn tìm hiểu thì bố mẹ nên giải đáp thắc mắc cho con.

Nếu quá nhiều lần bố mẹ cứ né tránh như vậy, con sẽ có 2 xu hướng, 1 là đi tìm lời giải đáp từ một nguồn khác, 2 là không có nhu cầu tìm hiểu nữa. Thế nên, thay vì né tránh, bố mẹ nên cố gắng tìm câu trả lời trong khả năng của mình. Ngày nay, việc trẻ được tiếp xúc với các kiến thức sớm như vậy cũng là điều bình thường, thậm chí còn giúp ích cho bé trong cuộc sống và tương lai sau này.

Trẻ thường xuyên nói 5 câu này chứng tỏ mẹ đã dạy con rất tốt, xứng đáng là một bà mẹ tuyệt vời - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ.

4. Trả lời ngay, ngắt lời của con khi con hỏi

Thực ra, khi trẻ hỏi điều gì đó, điều đầu tiên bố mẹ cần làm là lắng nghe một cách chăm chú những thắc mắc của con. Sau khi hiểu con hỏi gì, bố mẹ cũng không nên đưa ra câu trả lời ngay mà nên gợi mở để trẻ tự tìm ra đáp án. Ví dụ như bé hỏi ''Tại sao con lại phải làm bài tập về nhà ạ", nếu mẹ trả lời ''không làm thì đi học làm cái gì, ở nhà luôn đi'' thì bé sẽ rất tổn thương, cảm giác việc làm bài là bị bắt ép.

Nhưng nếu mẹ khéo léo gợi mở rằng ''ở trường con được học rất nhiều điều, nhưng nếu con không ôn lại thì sẽ bị quên. Và tác dụng của bài tập về nhà chính là để con nhớ kiến thức sâu và lâu hơn, rất có ích cho việc học tập. Nếu hôm nay con không làm thì ngày mai sẽ không nhớ những gì đã học, việc tiếp thu những điều mới cũng sẽ bị hạn chế. Vì thế theo mẹ, việc làm bài tập là cần thiết và nếu em bé nào làm bài ngoan suốt 1 tuần, mẹ sẽ có món quà nho nhỏ''. Như vậy, đảm bảo bé sẽ hào hứng và thích thú hơn nhiều.

Bên cạnh đó, thái độ của bố mẹ mỗi khi trẻ đặt câu hỏi rất quan trọng. Ngoài việc chú tâm, bố mẹ cố gắng lắng nghe trẻ nói hết câu, diễn đạt đủ ý rồi mới tìm câu trả lời. Việc này giúp con rèn luyện vốn từ, cách diễn đạt tốt hơn, và cũng để bố mẹ có thời gian suy nghĩ thấu đáo nên trả lời như thế nào.

Trẻ thường xuyên nói 5 câu này chứng tỏ mẹ đã dạy con rất tốt, xứng đáng là một bà mẹ tuyệt vời - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

5. Dọa nạt, đưa tin fake

Đây là những điều mà hầu như bố mẹ nào cũng mắc phải. Trẻ sẽ trải qua rất nhiều giai đoạn, từ 2-5 là độ tuổi con thích thể hiện bản thân, làm theo ý mình và không chịu nghe lời bố mẹ. Thấy con như vậy, nhiều phụ huynh mất kiên nhẫn, dẫn tới kiểu đe dọa ''không ăn cơm là chú công an tới bắt đi đấy'', hay ''ôi ra ngoài kia buổi tối sợ lắm, có con ma đấy''... làm trẻ hình thành nỗi sợ vô hình về điều không có thật.

Việc cho con một câu trả lời chân thực sẽ giúp bạn không phải có những lời dọa ''đáng sợ'' vào những lần sau. Nếu con hiểu nếu không ăn là sẽ bị đói, mệt và không có sức khỏe hoặc là đi ra ngoài vào buổi tối có thể gặp nguy hiểm... thì bé sẽ hợp tác hơn với bố mẹ đấy.

Trẻ thường xuyên nói 5 câu này chứng tỏ mẹ đã dạy con rất tốt, xứng đáng là một bà mẹ tuyệt vời - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

6. Nói sẽ trả lời sau nhưng quên luôn

Trẻ con rất nhớ những lời người lớn đã nói, đặc biệt là lời hứa. Thế nên khi đã hẹn ước điều gì thì bố mẹ hãy cố gắng giữ lời. Đôi khi do cuộc sống bận rộn nên việc quên cũng là điều dễ hiểu, hãy ghi chú lại về mốc thời gian cần phải đưa cho bé câu trả lời, đảm bảo rằng bạn không quên.

Giáo dục con là một hành trình rất dài, buộc cả bố mẹ lẫn các con đều phải cố gắng hiểu và yêu thương, tôn trọng nhau. Tuổi thơ của con có bố mẹ đồng hành, luôn quan tâm và sát sao là điều hạnh phúc nhất đối với bất kì đứa trẻ nào, thế nên hãy cân nhắc trước khi quát mắng, đánh đòn con. Hãy cho bé một cuộc sống tự chủ, đầy yêu thương nhé.

Chia sẻ