Hai cột mốc quan trọng đánh dấu thành quả của bé ăn dặm BLW

Mẹ Ong Bông,
Chia sẻ

Sau hai cột mốc quan trọng đầu tiên với rất nhiều thử thách, ở hai giai đoạn sau, dù bé ăn dặm BLW vẫn sẽ gặp phải những thách thức nhất định nhưng mẹ hoàn toàn có thể thư giãn và cùng bé vượt qua giai đoạn này.

1. Giai đoạn 3: Tập dùng thìa

* Khoảng thời gian:

Sau giai đoạn bốc nhón khoảng 2 đến 4 tháng và kéo dài khoảng 6 đến 12 tháng.
              
Tập thìa là một kĩ năng khó và phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn của tay, mắt và não bộ cũng như phải có độ dẻo dai và sức khỏe đủ để giữ vững chiếc thìa, do đó tốc độ hoàn thiện kĩ năng rất khác ở mỗi bé, có bé có thể xúc thìa từ lúc 11 tháng nhưng có bé 18 tháng mới biết xúc, do vậy cha mẹ không nên sốt ruột và so sánh bé với bạn khác.

Hai cột mốc quan trọng đánh dấu thành quả của bé ăn dặm BLW 1
Trong cùng một giai đoạn, có bé biết xúc nhanh, có bé chậm, bố mẹ không nên so sánh con với các bé khác. (Ảnh: Mẹ Tiểu Long)

* Kĩ năng của bé:

- Ban đầu bé chỉ khám phá bằng cách ném và chơi với thìa bát.

- Sau một thời gian bé bắt đầu bắt chước người lớn cho thìa vào mồm, bé có thể biết cách cho thìa lên mồm trước khi biết xúc hoặc ngược lại có thể xúc nhưng lại cho thìa lên đầu hoặc hất lung tung, bé có thể làm rơi đồ trên đường di chuyển của mình.

- Sau thời gian dài luyện tập, bé xúc bớt rơi vãi hơn, cho thìa vào mồm chính xác, cổ tay đủ mạnh để không làm rơi thức ăn trên đường di chuyển.

- Bé có xu hướng giỏi xúc các món sệt hoặc các món khô hơn tùy từng bé.

- Trong giai đoạn này bé sẽ có một thời điểm rơi vào tình trạng nhai nhả (thường xảy ra khi bé được khoảng 11 tháng đến 13 tháng), kéo dài từ 1 tuần đến 3  tháng tùy bé, đây là thời gian bé hoàn thiện kĩ năng nuốt và nhai, sau thời gian này bé xử lý thức ăn gần như người lớn thực thụ.

- Hệ tiêu hóa của bé gần như hoàn chỉnh khi phân của bé càng ngày càng ít lợn cợn hơn.

* Mẹ cần làm gì?

- Bình tĩnh và kiên trì. Đừng so sánh con mình với em bé khác, hãy đợi đến khi kĩ năng của bé đủ chín để cầm thìa thành thạo.

- Làm mẫu cho con bằng cách dùng thìa để ăn cơm.

- Có thể cho con tập dùng dĩa xiên đồ ăn trước, sau đó mới tập dùng thìa.

- Chọn đúng loại thìa để tập cho bé như thìa đầu tròn, sâu lòng, cán dài khoảng 8-10cm. Không dùng thìa silicon, thìa nhỏ ăn bột, thìa vẹo.

- Ban đầu bé có thể sẽ ném vứt thìa, đĩa, bát linh tinh, hãy hiểu cho bé, không phải bé hư, bé chỉ đang tìm hiểu đồ chơi mới mà thôi.

- Bạn có thể xúc thức ăn sẵn vào thìa để bé tập cho thức ăn lên mồm chính xác trước.

- Bạn có thể cung cấp thức ăn dạng lỏng và dạng khô để xem bé có thể dễ dàng tập xúc với loại thức ăn nào, từ đó cho bé tập nhiều bằng loại đó cho quen rồi chuyển sang các dạng thức ăn khó hơn.

Hai cột mốc quan trọng đánh dấu thành quả của bé ăn dặm BLW 2
Cho bé tập xúc với cơm rang. (Ảnh: Mẹ Tiểu Long)

* Món ăn trong giai đoạn này:

- Bé có thể ăn được gần như tất cả các món ăn, kể cả các món nhỏ như hạt đậu Hà Lan, tuy nhiên với các bé dưới 14 tháng bạn vẫn cần gọt vỏ, bỏ hat và cắt đôi một số loại như nho hay vải, nhãn… Sau 1 tuổi bé có thể ăn rau lá.

- Các thức ăn dễ dàng cho việc tập xúc là các món sệt, lỏng hoặc khô như súp, canh, sữa chua, ngô xào,  thịt băm xào, cơm rang, trứng bác, táo nghiền, ruốc...

- Hạn chế cho bé tập xúc các món dính như xôi, cơm dẻo, cơm nếp hoặc các món có độ lớn như mỳ ống dài hoặc các loại thịt nguyên miếng.

- Giai đoạn sau 1 tuổi bé đã có thể ăn một bữa ăn hoàn chỉnh 4 nhóm ngũ cốc, rau củ quả, đạm giống như bữa ăn của người lớn (vẫn hạn chế cho bé ăn muối, đường).

Hai cột mốc quan trọng đánh dấu thành quả của bé ăn dặm BLW 3
Thức ăn dạng lỏng và dạng khô, ngắn sẽ giúp bé học xúc thìa dễ dàng hơn. (Ảnh: Mẹ Tiểu Long)

4. Giai đoạn 4: Giai đoạn hoàn thiện

* Khoảng thời gian:

Khi bé tập thìa thành thạo. Thông thường là sau khi bé được 18 tháng tuổi.

* Kỹ năng của bé:

 - Bé sử dụng thìa tốt và gọn gàng.

- Kỹ năng nhai và nuốt hoàn thiện.

- Hệ tiêu hóa hoàn chỉnh gần như người lớn, phân của bé thành khuôn và hầu như không thấy lợn cợn (trừ khi ăn thức ăn chứa nhiều chất xơ như bưởi, ngô).

- Thái độ ăn uống nghiêm túc, có niềm yêu thích với thức ăn.

Hai cột mốc quan trọng đánh dấu thành quả của bé ăn dặm BLW 4
Bữa ăn hoàn chỉnh và thơm ngon của bé với cá sốt cà chua, canh rau củ, đậu đũa xào và cơm trắng. (Ảnh: Mẹ Tiểu Long)

* Mẹ cần làm gì:


- Tận hưởng niềm vui sau những ngày tháng vất vả.
- Tiếp tục cung cấp cho bé những món ăn bổ dưỡng, thực đơn cân bằng và có lợi cho sức khỏe.

* Món ăn trong giai đoạn này:

- Bé ăn bữa ăn hoàn chỉnh giống như người lớn.

Hai cột mốc quan trọng đánh dấu thành quả của bé ăn dặm BLW 5
Bé Tiểu Long tận hưởng bữa ăn thơm ngon và dễ thương do mẹ nấu. (Ảnh: Mẹ Tiểu Long)
Chia sẻ