Gửi con cho ông bà để đi làm ăn xa, mẹ bỉm nhói lòng nhìn con qua camera, gạt nước mắt tiếp tục làm việc
Hình ảnh khiến nhiều cha mẹ không cầm được nước mắt.
Chắc hẳn bậc cha mẹ nào cũng muốn được kề cận bên con hàng ngày, đồng hành cùng con trong mỗi chặng đường phát triển. Thế nhưng nhiều khi vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà cha mẹ buộc lòng phải rời xa con cái đi kiếm tiền mưu sinh. Gửi con cho ông bà ở nhà, có khi vài tháng, nửa năm hoặc thậm chí cả năm trời họ mới được về thăm con.
Cách đây ít lâu, câu chuyện của một người mẹ ở Trung Quốc đã khiến không ít bậc phụ huynh xúc động. Nhất là những người đã làm cha làm mẹ sẽ thấu hiểu và đồng cảm hơn hết với tâm trạng và cảm xúc của người mẹ này.
Trong lúc đi làm, vì nhớ con quá mà thi thoảng người mẹ này lại mở camera để theo dõi con từ xa. Bất ngờ, chị nhìn thấy con gái đang hướng đôi mắt về phía camera và gọi mẹ. Trên sân nhà, bé đang chơi một mình với chiếc xe đạp, có lẽ con đang rất nhớ mẹ mà không biết phải làm thế nào.
Người mẹ này buồn đến bật khóc, nhưng vì công việc và kinh tế, chị không còn cách nào khác phải gạt nước mắt và nỗi nhớ con để tiếp tục công việc. Ai cũng biết được ở cạnh con là điều quý giá nhất, đứa trẻ nào cũng cần cha mẹ nhưng họ không thể làm khác vì hoàn cảnh quá khó khăn.
Những đứa trẻ xa cha mẹ từ bé thiếu thốn tình yêu thương và cũng vì thế mà tự lập hơn những đứa trẻ khác. Nhìn cảnh tượng mà ai cũng nhói lòng, thương em bé và cả người mẹ, hy vọng cả gia đình sẽ sớm đoàn tụ
"Tình cảm mà cha mẹ dành cho con cái thật bao la và vĩ đại. Cũng vì hoàn cảnh gia đình mới phải rời xa con đi kiếm tiền. Biết là con mong nhớ mình vô cùng, bản thân cũng đau lòng xót xa khi không được ở bên cạnh lũ trẻ. Thế nhưng vì hoàn cảnh thật sự chẳng còn cách nào khác...", một cư dân mạng có chung cảnh ngộ đã chia sẻ những lời gan ruột.
Vẫn biết mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau, cha mẹ dằn lòng đi xa cũng chỉ vì mong con cái có cuộc sống tốt và tương lai tươi sáng hơn. Song vẫn mong các bậc cha mẹ hãy nhớ một điều rằng tuổi thơ của con một đi sẽ không bao giờ trở lại. Và đó là khoảng thời gian mà lũ trẻ cần hơn bao giờ hết sự đồng hành của cha mẹ. Chính vì thế các bậc phụ huynh hãy cố gắng sắp xếp công việc và cuộc sống để có thể dành thời gian bên con nhiều nhất có thể.
Cha mẹ nên làm gì để nuôi dưỡng tình cảm với con cái khi phải đi làm ăn xa, gửi con lại cho ông bà?
- Lịch trình thăm con: Cha mẹ nên cố gắng sắp xếp thời gian để thăm con một cách định kỳ, có thể là hàng tuần, hàng tháng hoặc quý tùy thuộc vào khoảng cách và điều kiện công việc. Điều này giúp con không cảm thấy bị bỏ rơi và mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không bị xa cách.
- Sử dụng công nghệ liên lạc: Việc gọi video, gửi tin nhắn, và chia sẻ hình ảnh thường xuyên qua các phương tiện như điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính có thể giúp cha mẹ và con cái duy trì mối liên kết mạnh mẽ, giúp con cái cảm thấy cha mẹ luôn có mặt trong cuộc sống hằng ngay của mình.
- Đồng hành cùng ông bà trong việc giáo dục con: Cung cấp thông tin và tài nguyên về các phương pháp giáo dục hiện đại cho ông bà giúp họ nuôi dạy cháu một cách tốt hơn, hài hòa với những tiêu chuẩn và kiến thức phát triển của thế hệ trẻ hiện nay.
- Thông tin định kỳ về con: Trao đổi thường xuyên với ông bà về tình hình sức khỏe, học tập và tình trạng tâm lý của trẻ, để cha mẹ có thể theo dõi và hỗ trợ con từ xa một cách hiệu quả.
- Chuẩn bị tài chính: Tích lũy và quản lý tài chính cẩn thận để đảm bảo chi phí cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản, y tế và giáo dục của con cái, giúp con cái có một cuộc sống ổn định và không thiếu thốn.
- Khích lệ sự tự lập: Hướng dẫn và khích lệ con cái phát triển kỹ năng sống và tự lập, như tự phục vụ, tự giải quyết vấn đề, và có trách nhiệm với hành động của mình, qua đó giúp con trưởng thành và tự tin hơn.
- Hỗ trợ người giúp việc: Nếu có điều kiện, cha mẹ có thể thuê thêm người giúp việc hoặc người trông trẻ chuyên nghiệp để giảm bớt gánh nặng cho ông bà và cung cấp sự chăm sóc tốt hơn cho con.
- Môi trường an toàn và yêu thương: Cần đảm bảo con cái sống trong môi trường an toàn, sạch sẽ, và có điều kiện phát triển toàn diện, cả về thể chất lẫn tinh thần, để con cái có thể cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm từ gia đình mình.