Giúp trẻ phòng ngừa cong vẹo cột sống
Vẹo cột sống là một trong những dị tật cột sống thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể khởi phát ngay từ lúc bệnh nhi còn rất ít tuổi (0-5 tuổi, chiếm khoảng 10% trẻ bị vẹo cột sống) và thường phối hợp với nhiều dị tật bất thường khác của cơ thể, nên đôi khi bệnh cũng có thể được phát hiện từ rất sớm.
Tuy nhiên, không may là 90% số trẻ bị vẹo cột sống lại khởi phát muộn (12-20 tuổi), do bệnh thường diễn tiến rất âm thầm, kín đáo, đến khi cha mẹ của trẻ phát hiện con bị vẹo cột sống thì đã quá muộn để điều trị và trẻ thường phải chịu những cuộc phẫu thuật nặng nề.
Theo TS.BS Đinh Ngọc Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), không quá khó để phụ huynh nhận biết trẻ có các dấu hiệu cong vẹo cột sống của trẻ. Điển hình là trong trường hợp bố mẹ nhìn thấy khi trẻ tắm cởi áo thấy cột sống cong hơn bình thường, khi các cháu ngồi học thấy cong cong.
Ngoài ra, có các dấu hiệu gợi ý thứ nhất bên vai cao, bên vai thấp. Do đó, phụ huynh nghi ngờ trẻ bị vẹo cột sống chỉ cần bảo các cháu bỏ quần áo, đứng thẳng dọc thân sẽ nhìn thấy một vai thấp hơn. Lúc ấy, eo sẽ tạo ra khoảng trống bên rộng bên hẹp, trục cột sống cong. Một bên vai nhô lên. Hoặc phụ huynh có thể cho trẻ cúi lưng cho hai tay ra trước xương sườn bên vẹo co lên so với bên không vẹo.
Bác sĩ Sơn nhấn mạnh, khi có các dấu hiệu nghi ngờ, các gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên về cột sống để làm các chẩn đoán xác định lại xem có bị vẹo không. Để phát hiện vẹo cột sống hay không bác sĩ chỉ định chụp phim chụp X-quang rất đơn giản, nhanh chóng.
Để phòng, chống nguy cơ trẻ bị cong vẹo cột sống, các chuyên gia khuyến cáo, bàn ghế, chiếu sáng nơi học tập, cặp sách các em học sinh mang hàng ngày là những yếu tố nguy cơ gây cong vẹo cột sống ở học sinh.
Ngay từ khi mới đi học (mẫu giáo, tiểu học), giáo viên, gia đình cần nhắc nhở để tạo thói quen ngồi đúng tư thế cho các em. Nếu không tạo thành thói quen đúng ngay từ những ngày đầu đi học sau này rất khó sửa chữa, dù bàn ghế phù hợp, các em vẫn ngồi sai. Tư thế ngồi sai không chỉ gây ra cong vẹo cột sống mà có thể dẫn đến những rối loạn cơ xương khác và nguy cơ mắc tật cận thị cao.
Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có 2 quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về 1 phía.
Ở trường cũng như ở nhà, học sinh không nên ngồi học, xem ti vi quá lâu, giữa các giờ học (khoảng 35-45 phút) học sinh phải có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để giảm gánh nặng thể chất, tăng cường hoạt động vận động ngoài trời.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tính đa dạng về giá trị dinh dưỡng của mỗi bữa ăn nhất là các bữa chính. Đặc biệt cần quan tâm đến các thực phẩm có nhiều can xi và vitamin D, đây là các yếu tố giúp cho sự phát triển của xương trong giai đoạn phát triển.
Đảm bảo thời gian ngủ cần thiết theo từng lứa tuổi. Tuổi càng nhỏ, nhu cầu ngủ càng nhiều. Trung bình, học sinh từ 7-10 tuổi cần ngủ 11 - 10 giờ; Từ 11-14 tuổi thời gian ngủ là 10 - 9 giờ; Từ 15-17 tuổi thời gian ngủ là 9 - 8 giờ.