Giúp trẻ phát triển kĩ năng đọc

Maika,
Chia sẻ

Đọc là một trong những kỹ năng quan trọng để phát triển hệ thống ngôn ngữ của trẻ. Những trẻ thường xuyên đọc sách báo từ nhỏ sẽ có vốn ngôn ngữ phong phú hơn so với những trẻ khác.

Đọc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.

Nếu bạn nghĩ việc dạy đọc và tạo thói quen đọc sách cho trẻ là trách nhiệm thuộc về phía nhà trường thì bạn hoàn toàn sai lầm. Trước khi trẻ được theo học ở bất kỳ môi trường giáo dục ngoài xã hội nào thì gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên. Cha mẹ là những người bắt đầu cho quá trình đọc của trẻ ngay từ những năm đầu đời.

Một số cha, mẹ cho rằng việc đọc của trẻ chỉ thực sự quan trọng khi trẻ bắt đầu bước vào bậc tiểu học. Điều này hoàn toàn không chính xác. Đới với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo việc đọc cũng không kém phần quan trọng. Thậm chí nó còn là nền tảng để tạo thói quen, sự thích thú với việc đọc sách của trẻ sau này.

Ở lứa tuổi mẫu giáo, trẻ chưa có khả năng tự đọc, cha mẹ hãy là người hướng dẫn trẻ.Thông qua những câu chuyện mà cha mẹ đọc cho nghe, trẻ sẽ tích lũy cho bản thân một số lượng từ ngữ nhất định. Khi đó trẻ có thể diễn đạt câu nói một cách ngắn gọn, đúng nghĩa.
 

Đọc còn giúp cho trẻ phát triển tâm hồn. Qua những câu chuyện cổ tích mà cha, mẹ kể trẻ sẽ biết thế nào là tốt, xấu, yêu, ghét...từ đó dần dần hình thành nhân cách và tâm hồn biết yêu thương từ nhỏ cho trẻ.

Đối với trẻ sơ sinh, trẻ mới tập đi việc đọc cho trẻ cũng không kém phần quan trọng. Nghe có vẻ vô lý nhưng nó lại là sự thật. Mặc dừ ở lứa tuổi này trẻ chưa hiểu được nội dung của những câu chuyên chúng được nghe, nhưng thông qua việc quan sát, lắng nghe con bạn sẽ dần dần nhận được các mẫu âm thanh và lới nói. Điều đó ảnh hưởng đến việc học nói của trẻ sau này.

Lời khuyên cho cha mẹ.

Rất nhiều bậc cha, mẹ biết rằng việc giúp trẻ phát triển kĩ năng đọc rất tốt cho chúng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách để làm tốt việc này. Một vài gời ý dưới đây sẽ giúp bạn tạo sự yêu thích và thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ nhỏ.

Đọc cho con nghe

Hãy đọc cho con bạn một cuốn sách nhỏ, một câu chuyên trước khi trẻ đi ngủ. Điều này không chỉ cho trẻ cảm giác được yêu thương mà còn cho trẻ thấy đọc sách mà một thói quen tốt. Trẻ thường bắt chước lại những gì cha mẹ thường làm. Hãy để trẻ bắt chước những thói quen tốt của bạn như thói quen đọc sách.

Bên cạnh đó cha, mẹ cũng nên trò chuyện với trẻ những thắc mắc của chúng xung quanh câu chuyện. Qua đó trẻ sẽ hiểu rõ hơn nội dung của câu chuyện chúng được nghe, cũng như việc chúng sẽ học được những điều tốt từ các nhân vật trong mỗi câu chuyện.

Chọn cho trẻ những cuốn sách phù hợp

Đối với người lớn, chỉ những cuốn sách có nội dung hay, phù hợp với tâm lý của lứa tuổi mới khiến chúng ta thích thú để đọc chúng. Trẻ nhỏ cũng vậy. Để tạo được sự yêu thích cho trẻ trong việc đọc sách thì việc trước tiên cha mẹ cần lưu ý đó là hãy chọn những cuốn sách có nội dung phù hợp với tâm lý lứa tuổi của chúng.

Ngoài ra hình thức của mỗi cuốn sách cũng rất quan trọng. Trẻ nhỏ thường thích những hình ảnh có màu sắc sặc sỡ. Vì vậy đây cũng là một lưu tâm cho cha, mẹ mỗi khi định mua sách cho con trẻ.

Cùng trẻ đến hiệu sách.

Cho trẻ thấy đọc sách là miền đam mê không chỉ của riêng bản thân bạn mà đó là miền yêu thích của rất nhiều người khác. Vì vậy hãy cho trẻ đến hiệu sách để chúng thấy được điều đó.

Thay vì những lời hứa mua cho con bạn những món đồ chơi như siêu nhân, ôtô.... hãy nói cho trẻ những câu như “Lĩnh lương tháng này bố (mẹ) sẽ đưa con đến nhà sách mua chuyện về đọc cho con..” Điều đó sẽ khiến cho bé yêu của bạn thấy giá trị của sách.

Không nên cưỡng ép trẻ đọc sách.

Đối với trẻ việc học luôn gắn liền với cảm xúc. Vì vậy hãy biến việc đọc sách trở thành một hoạt động vui vẻ, chứ không phải một hoạt động căng thẳng nhất đối với chúng. Sẽ thật sai lầm nếu bạn cưỡng ép con trẻ một cách thô bạo buộc chúng phải đọc sách. Điều này chỉ khiến cho trẻ cảm thấy đọc sách đối với chúng là một cực hình chứ không phải là một niềm vui. Khi đó bạn sẽ khó mong chờ sự yêu thích của con bạn đối với việc này.

Nói như vậy không có nghĩa là bạn để trẻ được tự do trong việc thích, hay không thích đọc sách. Cha, mẹ hãy là những người hướng dẫn kiên trì để cùng trẻ tạo thói quen đọc sách.

Chia sẻ