Giúp trẻ nhận diện và tránh xa kẻ xấu để ngăn ngừa lạm dụng, bắt cóc trẻ em

Dương Mai Trang,
Chia sẻ

Trang bị cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng và bắt cóc trẻ em.

Nhận diện "người lạ"

Hãy thử hỏi con của mình 1 câu hỏi đơn giản “Theo con, thế nào là người lạ?”. Hãy để cho con tự suy nghĩ, và mình tin chắc phải đến đa số các bạn nhỏ đều có câu trả lời khá giống nhau “người lạ là người xấu, thường mặc áo đen”, hoặc “trông cau có”, “người con không quen”, “trông như 1 bà phù thủy...”. 

Nhưng theo các nghiên cứu, kinh nghiệm của các chuyên gia về sự an toàn trẻ nhỏ thì thường các sự vụ lạm dụng, hoặc bắt cóc trẻ em thường xuất hiện dưới những người có vẻ ngoài thân thiện, quen thuộc hoặc có khiến trẻ tin cậy như là niềm nở giúp trẻ tìm đồ chơi, giúp trẻ thực hiện 1 việc gì đó, khiến trẻ hào hứng và vui vẻ...

Dạy trẻ tránh xa kẻ xấu

Vậy thế nào là người lạ tốt? Là người có thể con hoàn toàn không quen biết nhưng họ có nhiệm vụ là giúp đỡ mọi người nói chung, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Ví dụ: Bác sĩ, công an, cảnh sát, những người gác cổng bảo vệ, cô thu ngân ở siêu thị, thủ thư thư viện, bồi bàn, cô giáo... Một vài dấu hiệu đơn giản có thể nhận ra họ là từ đồng phục, vị trí họ đứng.

Còn người lạ xấu là ai? Là bất kỳ ai con hoàn toàn không quen biết và có các dấu hiệu:

- Khiến con tim đập nhanh, cảm giác sợ, run, vã mồ hôi.
- Có cảm giác đi theo con, nhìn lâu chăm chú.
- Rủ rê con đến 1 nơi nào đó: 1 quán ăn, một chỗ chơi con không biết...
- Thường đưa ra các gợi ý “đổi chác” bằng các món đồ hấp dẫn: Nếu con đi theo... thì con sẽ được....

Nguyên tắc cánh tay tối thiểu

Khi không có sự có mặt của bố mẹ hoặc bố mẹ ở khoảng cách xa với con thì nên giữ 1 khoảng cách bằng tối thiểu 2 lần chiều dài cánh tay người trưởng thành giữa con và người xung quanh.    

Xâm hại

Nếu con đang chơi trong 1 công viên, khu sân cát hoặc 1 sân chơi chung và một người con không biết tiến tới, tất cả những gì con cần là chú ý và thực hiện nguyên tắc trên ngay lập tức. 

Bố mẹ có thể chơi trò “Stand Up – Back Up – Run to” với con và lặp lại trò này để con ghi nhớ: 

- Nếu có 1 người lạ tới khu con đang chơi 1 mình mà bố mẹ không có hiện diện ở đó, hoặc hơi xa và có 1 người lạ tới, con cần đứng dậy ngay lập tức.

- Nếu người lạ tỏ vẻ rất thân thiện, trò chuyện với con, con lùi lại 2 - 3 bước. Nếu người lạ tiếp tục tiến tới con, tươi cười, con lùi lại tiếp và hãy chạy thật nhanh ra chỗ an toàn, có thể hét lên nếu con cảm thấy không an toàn hoặc con thấy run sợ.

Nguyên tắc: Nói không với người lạ 

Thường ở Việt Nam đều có thói quen dạy con chào hỏi, thể hiện sự lễ phép, thân thiện. Nhưng lại ít có định hướng nên chào hỏi như thế nào? Có nhất thiết phải chào hỏi tất cả mọi người, dù trẻ không thích và hoàn toàn xa lạ không? Chính vì tư tưởng lễ phép đó nên trẻ cảm nhận rằng lễ phép thì quan trọng hơn an toàn. Nếu có sự có mặt của bố mẹ thì nếu trẻ muốn nên để trẻ tự chào hỏi, hoặc bố mẹ chủ động việc chào hỏi trước để con có sự “bắt nhịp” tự nhiên. Nếu không có sự có mặt của bố mẹ, trẻ không nhất thiết phải chào hỏi với người lạ. 

Xâm hại

Một một cuộc điều tra nhỏ ở Mỹ cho thấy, khi các em nhỏ đang chơi trong công viên, nếu có người lớn thân thiện tươi cười bước tới và làm quen “Chào con, cô tên là Sarah, con tên gì?...” thì 85% các em sẽ trả lời lại tên chúng. Việc trẻ chào hỏi người lạ sẽ dẫn tới cuộc trò chuyện với người lạ gia tăng hơn, đem tới rủi ro tiềm ẩn cao hơn.   

Nguyên tắc: Không nhận bất cứ thứ gì của người lạ

Nếu trong trường hợp có mặt bố mẹ mà có người lạ tiến đến đưa cho con kẹo, hoặc 1 món đồ chơi bắt mắt thì nên dạy trẻ cách xin phép và khi được sự cho phép của bố/mẹ thì mới được phép nhận hay không. Và dĩ nhiên, nếu từ chối cũng nên dạy trẻ cách cảm ơn về món quà. Trong trường hợp không có sự hiện diện của bố mẹ, hoàn toàn không được nhận bất cứ thứ gì, dù là 1 món đồ con đang ao ước, từ người lạ. 

Bố mẹ có thể đưa ra các tình huống đa dạng, đặc biệt hướng đến các điểm con nhạy dễ bị thu hút… để luyện tập:

- Nếu có ai đó biểu diễn xiếc rất vui nhộn và gọi đúng tên con vào đây xem tiết mục thú vị này thì con sẽ làm gì? 

- Nếu có ai đó bảo bố quên chìa khóa ở công ty và nhờ gửi lại con cầm về, thì con sẽ làm gì? 

- Nếu con đang chơi cát trong công viên, có người lạ tiến đến lấy mất 1 cái xẻng xúc cát của con, và dụ dỗ con đuổi theo lấy, con sẽ làm gì?

Nguyên tắc: Không đi bất cứ đâu với người lạ

Hầu hết trẻ em đều “thấm nhuần” tư tưởng bố mẹ dạy là không đi bất cứ đâu với người lạ. Tuy nhiên nếu có những “kịch bản” thú vị, những câu chuyện hấp dẫn và gần gũi từ người lạ thì liệu các em sẽ phản ứng như thế nào? Ví dụ: “Cô là… làm chỗ mẹ cháu ở…. Có phải điện thoại mẹ cháu là… không? À đúng rồi phải không nào? Hôm nay mẹ nhờ cô đón….”. 

Cần nhắc trẻ ngay lập tức nhớ lại mật mã bố mẹ đã dạy. Mật mã có thể là 1 câu hoàn chỉnh, hoặc 1 cụm ký tự được thống nhất chỉ giữa bố mẹ và con. Không được tiết lộ cho bất kỳ người nào khác biết và bất kỳ tình huống nào không được đi theo người lạ nếu họ không biết mật mã cũng như được sự xác nhận của bố mẹ. 

Hoặc đơn giản hơn, là không nhìn - không nói - không nghe bất cứ lời nào từ người lạ và cố gắng tìm người lạ tốt để có sự giúp đỡ cần thiết hoặc tránh xa vào vùng an toàn hơn như là 1 quán gần đó, nhờ người gọi điện cho bố mẹ tới...
Chia sẻ