Giúp con kiềm chế giận dữ
Kể cả ở trẻ, những cơn cáu giận cũng là nguyên nhân của bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh loét dạ dày. Cáu giận trở thành thói quen thường xuyên của trẻ , có thể dẫn đến bệnh trầm uất.
Thông thường, cơn tức giận chủ yếu đến qua giao tiếp với một người nào đó. Vì vậy, cha mẹ phải giúp con hiểu và tìm cách hóa giải chúng bằng cách:
Nói cho con cách thư giãn: Thở thật sâu bằng cách hít vào và thở ra bằng mũi, không thở bằng miệng. Nhắm mắt tưởng tượng mình đang làm một việc gì đó rất thư giãn, như đi dạo trong công viên chẳng hạn. Lặp đi lặp lại câu nói trong đầu “hãy bình tĩnh, hãy bình tĩnh”.
Cho con hiểu giá trị của sự thông cảm: Nếu con bạn đang “bùng nổ” trong một cuộc đấu khẩu, bạn hãy khuyên con nên suy nghĩ về điều mình đang nói. Tốt nhất là lắng nghe cho kỹ, xem người kia muốn nói cái gì. Có khi trong giây phút ngưng lại như thế, con bạn có thể bất ngờ nhận ra những hạn chế của mình.
Tập cách giao tiếp khôi hài: Hãy nói cho con hiểu, sự hài hước trong câu chuyện không chỉ thu hút người khác, mà còn là vũ khí giải nhiệt tình huống căng thẳng rất hiệu quả. Đôi khi, chỉ một tình huống trong tưởng tượng gây cười cũng có tác dụng làm nguôi cơn giận.
Nếu thấy câu chuyện quá đà, hãy tạm thời ra ngoài: Khi cơn giận đến có thể khiến con bạn mất khôn, hãy khuyên chúng tạm thời ra ngoài cho thật bình tĩnh, có thời gian xem xét lại vấn đề rồi mới tiếp tục câu chuyện.
Ngoài các giải pháp kể trên, cha mẹ nên tập cho con biết cách kiềm chế những cơn cáu giận thông qua việc tập các môn thể thao nhẹ nhàng hoặc nghe nhạc. Trò chuyện với những người điềm đạm, khôn ngoan cũng là cách giáo dục con rất tốt để giúp con kiềm chế những cơn nóng giận thái quá.
Chống đỡ với cơn giận rất khó khăn nhất là khi con bạn mới 16 hay 17 tuổi, chưa có kinh nghiệm nén giận như người lớn. Nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể dạy cho con những điều để cản bớt tính cáu giận, giúp con cái biết cách đối mặt với các tình huống căng thẳng một cách dễ chịu hơn.