Giục sinh dễ đẻ, liệu có an toàn?

Thảo An,
Chia sẻ

Giục sinh là phương pháp nhân tạo. Phương thức này khiến các cơn co tử cung co thắt và giãn ra, thúc đẩy nhanh quá trình sinh con. Tuy nhiên, việc dùng thuốc giục sinh có nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Giục sinh là tên gọi  của một nhóm các phương pháp can thiệp y tế nhằm đẩy nhanh quá trình sinh nở. Giục sinh được các bác sĩ chuyên khoa khuyến nghị cho các thai phụ khó chuyển dạ tự nhiên, quá 40 tuần của thai kỳ, hoặc có dấu hiệu nguy cơ, ảnh hưởng đến sự an toàn của mẹ và con.

Giục sinh để đẻ sớm

Chị Đoàn Thúy Hạnh, 27 tuổi, trú tại Gò Vấp, TP.HCM cho biết, cách đây hơn 2 năm chị sinh bé Bo. Vì mang thai con đầu, nên từ tuần 35, chị đã chuẩn bị hết đồ sơ sinh chỉ mong ngày đón đứa con chào đời. Đợi từ tuần 35, 36 rồi đến 37,38, khiến chị hết sức lo lắng, vì không thấy có dấu hiệu sinh con.

Đến tuần thứ 40, chị Hạnh không có dấu hiệu chuyển dạ. Ngày nào chị Hạnh cũng tới phòng sản khoa để siêu âm cập nhật tình hình nước ối cũng và dấu hiệu chuyển dạ. Thậm chí, chị và chồng còn nghĩ đến việc đăng ký mổ đẻ cho nhanh, bởi rất nóng lòng chờ sinh.

Giục sinh dễ đẻ, liệu có an toàn? - Ảnh 1.

Giục sinh cần được khuyến nghị, theo dõi, chỉ định nghiêm ngặt bởi các bác sĩ chuyên môn.

Qua tuần 40 được 5 ngày, vẫn không có tín hiệu gì, mẹ chồng chị Hạnh đã nhờ người mua thuốc giục sinh, uống vào hy vọng sẽ giúp cơn co tử cung xuất hiện nhiều như dạng chuyển dạ. Tuy nhiên, chị Hạnh sợ không dám uống và chị chọn cách ăn thật nhiều dứa để kích thích co tử cung. Khi tròn 41 tuần, chị Hạnh có cơn đau bụng và được đi đẻ. Kết quả “mẹ tròn, con vuông”, như chị mong đợi cuối cùng cũng đến.

TS.BS Nguyễn Hữu Trung,Trưởng Phòng khám phụ sản (Bệnh viện Đại học Y Dược, cơ sở 2) cho biết,  “giục sinh” là từ rất hay dùng, bởi các sản phụ hay người thân đều mong muốn thai nhi chào đời chủ động, mà không phải trải qua sinh thường hay mổ sinh.

Giục sinh là một thủ thuật y khoa, khi sản phụ đã đến ngày dự sinh hoặc già tháng, nhưng không có dấu hiệu sinh nở, hoặc đã bắt đầu có nhưng diễn biến chậm, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc và thủ thuật y tế để kích thích quá trình chuyển dạ, giúp cho cuộc sinh diễn ra nhanh hơn.

Quan điểm của y học hiện đại, giục sinh là làm “chín” cổ tử cung. Cổ tử cung là “cửa ngõ đầu tiên” của trẻ trước khi ra sinh ra đời. Ở những thai phụ cần được giục sinh tự nhiên, thông thường cổ tử cung vẫn chưa được chuẩn bị tốt.

Tuy nhiên, không phải sản phụ hoặc người nhà cứ muốn là được, vì đây không đơn thuần là một can thiệp vô hại mà kèm theo là các nguy cơ. Do đó, can thiệp này cần thực hiện với chỉ định bởi những bác sĩ chuyên khoa và phải thỏa mãn những điều kiện y khoa nghiêm ngặt.

Nguy cơ giục sinh

Theo bác sĩ Trung, bình thường thai nhi trải qua “9 tháng 10 ngày” trong bụng mẹ. Khi thai nhi muốn chào đời thì cuộc chuyển dạ phải được “khởi phát”; kiểu như xe gắn máy muốn đi thì phải được “khởi động” động cơ. Quá trình này còn được gọi là “khởi phát chuyển dạ”.

Thông thường, quá trình này được diễn ra tự nhiên mà không cần sự can thiệp, tác động nào của bác sĩ chuyên khoa phụ sản. Khi cuộc chuyển dạ chưa được khởi phát tự nhiên. Các bác sĩ chuyên khoa phụ sản khi thấy rằng, việc duy trì thai nhi trong bụng người mẹ sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi hoặc người mẹ, thì sẽ can thiệp bằng cách “giục sinh - khởi phát chuyển dạ”. Đó là trường hợp thai quá ngày, nghi ngờ thai suy dinh dưỡng nặng, thiểu ối, ối vỡ sớm… Cũng có thể là những trường hợp mẹ bị tiền sản giật nặng, đái tháo đường không được kiểm soát…

Giục sinh dễ đẻ, liệu có an toàn? - Ảnh 3.

Thai phụ tuyệt đối không được tự ý sử dụng các thuốc “giục sinh”.

Nhiều phương pháp được sử dụng nhằm giục sinh. Tuy nhiên, vẫn có những phương pháp không hề an toàn. Ngày nay, chỉ còn một vài phương pháp được xem là “khá an toàn, có thể kiểm soát”,  cho phép sử dụng một cách chính thống. Được biết, khi sản phụ bước vào “giục sinh- khởi phát chuyển dạ”, người mẹ sẽ phải đối mặt rất nhiều nguy cơ.

Nguy cơ hàng đầu đó là vỡ tử cung- một tai biến sản khoa nghiêm trọng- có thể gây tử vong cả người mẹ và thai nhi, nếu không được xử trí khẩn cấp. Những nguy cơ khác như cơn gò quá nhiều gây suy thai, nếu không được phẫu thuật sớm, thai nhi có thể tử vong hoặc ngạt sau sinh. Giục sinh thất bại, sản phụ phải trải qua cuộc sinh mổ cũng là một nguy cơ của can thiệp này. Ngoài ra, sau sinh, băng huyết có thể xảy ra nếu chuyển dạ kéo dài.

Nguy cơ của giục sinh rất nhiều, có nhiều trường hợp nghiêm trọng, nên điều kiện giục sinh của hầu hết các trường hợp phải được thực hiện trong những bệnh viện có sẵn phòng mổ. Quá trình giục sinh phải được theo dõi kỹ lưỡng bởi các bác sĩ chuyên khoa phụ sản. Để sẵn sàng can thiệp phẫu thuật bất kỳ lúc nào nếu có các dấu hiệu như: cơn gò tử cung quá nhiều,  suy thai, dọa vỡ tử cung…

TS.BS NGUYỄN HỮU TRUNG

Những trường hợp thai quá ngày, nghi ngờ thai suy dinh dưỡng nặng, thiểu ối, ối vỡ sớm… Thai phụ bị tiền sản giật nặng, đái tháo đường không được kiểm soát. Thì bác sĩ chuyên môn có thể chỉ định "giục sinh" để đảm bảo mẹ tròn con vuông.

Chia sẻ