Giữ thành công thai IVF 3 lần dọa sảy, chân thai nhi thò ra ngoài âm đạo thai phụ
Dọa sảy, cổ tử cung mở, nguy cơ vỡ ối sớm từ tuần thai 22, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã cấp cứu 3 lần thành công, giữ thai nhi trong bụng mẹ thêm 5 tuần. Em bé chào đời khỏe mạnh ở tuần thai thứ 27.
5 tuần cân não giữ thai cho sản phụ dọa sinh non ở tuần thai 22
Vượt gần 500 km từ Lai Châu, sản phụ Lê Thị Hợp (39 tuổi) nhập viện khoa Phụ Sản BVĐK Tâm Anh, Hà Nội trong tình trạng cổ tử cung mở 3 phân, ối phồng căng, nguy cơ vỡ ối sớm ở tuần thai 22, tiên lượng thai nhi sẽ không thể sống sót nếu chào đời ở giai đoạn này.
Tiền sử hiếm muộn 10 năm, 3 lần IVF thất bại, thai nhi 22 tuần tuổi này là đứa con mà vợ chồng chị Hợp cùng cả gia đình nội, ngoại mong ngóng.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê - Bác sĩ cao cấp khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ, trường hợp cổ tử cung đã mở ở tuần thai thứ 22, ối đã sa ra ngoài âm đạo có thể dẫn tới những nguy cơ nguy hiểm như vỡ ối, nhiễm trùng cho cả thai nhi và sản phụ, khả năng giữ thai cực thấp, khó có thể đảm bảo được chuyện mẹ tròn con vuông.
Hơn 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sơ sinh, từng nuôi thành công nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Lê Tố Như - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội nhận định, nếu như thai nhi chào đời lúc 22 tuần thì việc nuôi sống trẻ là điều không thể. Trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê và bác sĩ Tố Như, cùng các chuyên gia hàng đầu về sản khoa và khoa sơ sinh của BVĐK Tâm Anh đã hội chẩn khẩn cấp, quyết tâm bằng mọi giá phải giữ được con cho cặp vợ chồng hiếm muộn.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội quyết định khâu vòng tử cung và áp dụng nhiều phương pháp cấp cứu khác để giữ thai nhi ở thêm trong bụng mẹ.
Thai phụ được tiến hành khép cổ tử cung bằng phương pháp khâu vòng cổ tử cung. Một vòng tròn quanh cổ tử cung của thai phụ được bác sĩ tạo hình để thu hẹp lỗ trong tử cung, bảo vệ cho thai nhi không tuột ra ngoài, tránh nguy cơ sảy thai và sinh non. Việc thực hiện thủ thuật này trong tình trạng ối đã sa ra ngoài âm đạo vô cùng khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ làm vỡ ối, không cứu được thai nhi.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, làm chủ những kỹ thuật hiện đại nhất trong can thiệp bào thai như phẫu thuật điều trị truyền máu song thai, phẫu thuật trong màng ối, bác sĩ Hiền Lê không mấy khó khăn khi đưa thành công màng ối vào sâu trong tử cung và tiến hành khâu eo cổ tử cung.
Hai ngày sau, thai phụ lại xuất hiện cơn gò, cổ tử cung lại xóa mỏng, ối phồng ra ngoài. Chỉ cần thêm vài cơn gò, nguy cơ ối bị vỡ và sẽ không giữ được thai. Bác sĩ Hiền Lê tiếp tục khâu vòng cổ tử cung lần hai, đưa ối vào sâu trong tử cung người mẹ. Sau thủ thuật này, thai ngoan ngoãn nằm yên trong bụng mẹ suốt 4 tuần sau đó.
Lần dọa sảy thứ ba còn "gay cấn" hơn khi thai phụ bất ngờ bị vỡ ối ở tuần thai 26, chân thai nhi đã sa ra ngoài âm đạo. Bằng "bí kíp" riêng, bác sĩ Hiền Lê một lần nữa lại thành công khi đưa đôi bàn chân xinh của bé trở lại vị trí an toàn bên trong bụng mẹ.
"Mỗi ngày được nằm thêm trong bụng mẹ bằng cả một tuần khi bé chào đời. Do đó, việc giữ bé trong bụng mẹ sẽ giúp tăng khả năng sống sót cho thai nhi", Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê chia sẻ.
Người mẹ hiếm muộn hạnh phúc bên con trai sau chặng đường thai nghén gian nan. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Theo thống kê, tỷ lệ sống của trẻ sinh non chỉ 53% nếu sinh ở tuần 24 tuần. Ở tuần thai 25-26-27, tỷ lệ sống của trẻ lần lượt là 67% - 85% - 95%. Ở tuần thai 27 + 3 ngày, cơ hội sống khỏe mạnh của trẻ lên tới 98%. Bé sinh ra từ 27 tuần sẽ giảm nguy cơ biến chứng của thần kinh so với các trẻ sinh ra trước đó.
Trong suốt quá trình giữ thai kéo dài 5 tuần, nguy cơ nhiễm trùng của mẹ và thai nhi là rất lớn, đòi hỏi sự theo dõi vô cùng chặt chẽ bằng thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm. Việc kiểm tra chức năng sinh tồn của thai nhi trên siêu âm cũng được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh giám sát sát chặt chẽ.
Thai được 27 tuần 3 ngày, sản phụ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu xấu,đe doạ sức khoẻ cả mẹ và bé, bác sĩ Hiền Lê quyết định mổ lấy thai. Kế hoạch phối hợp giữa các chuyên gia sản - nhi sơ sinh được đưa ra nhằm hồi sức sơ sinh ngay cho bé khi vừa chào đời.
Với sự chăm sóc đặc biệt của các chuyên gia Sơ sinh, ngay sau khi chào đời, con trai chị Hợp có thể tự thở, không có dấu hiệu nhiễm trùng và suy hô hấp, sức khỏe tiến triển tốt, hạn chế nguy cơ biến chứng thần kinh. Bé được sử dụng phương pháp kangaroo (da kề da) sớm để ổn định nhịp thở, nhịp tim của trẻ đồng thời tăng sự gắn bó mẹ con. Sau khi ra viện, gia đình được hướng dẫn theo dõi những vấn đề như vàng da sơ sinh, tình trạng bú, hướng dẫn massage, hướng dẫn mẹ cho bé bú đúng - bú đủ, hướng dẫn cho mẹ có đủ nguồn sữa...
Nhiều trẻ sinh non từ tuần 25 đã được BVĐK Tâm Anh nuôi dưỡng thành công, phát triển khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của gia đình.
"Công nghệ hiện đại nuôi trẻ sinh non" ở BVĐK Tâm Anh
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu ca sinh non trên toàn cầu, 1 triệu trẻ trong số đó tử vong. Việt Nam có gần 2 triệu phụ nữ mang thai hàng năm, gần 800 sản phụ tử vong, 15-20% có nguy cơ sảy thai trong 20 tuần đầu thai kỳ.
"Lựa chọn đơn vị chăm sóc thai kỳ và sinh nở là việc vô cùng quan trọng. Không chỉ cần cơ sở vật chất đầy đủ, dịch vụ tốt nên lựa chọn nơi có đầy đủ máy móc hiện đại, có sự liên kết chặt chẽ với các chuyên khoa Nhi sơ sinh, tim mạch, nội tiết, xét nghiệm… để có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các biến chứng thai kỳ, tầm soát sớm dị tật thai nhi, và chăm sóc nhi sơ sinh tốt nhất", bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nhấn mạnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Cam Ngọc Phượng - Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, tình trạng sinh non chứa nhiều vấn đề cả mẹ và bé. Trẻ sinh non có nhiều biến chứng liên quan đến sự chưa trưởng thành của các cơ quan, như hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, não... Phổi của trẻ chưa đủ chất để làm giãn nở (surfactant) nên dễ bị thở mệt, tím tái, cần được hồi sức ngay tại phòng sinh. Não của trẻ sơ sinh non tháng rất mỏng manh, hệ thống mạch máu rất dễ vỡ nên trẻ sinh cực non dưới 28 tuần có nguy cơ bị xuất huyết não cao và để lại di chứng về sau. Hệ thống tiêu hóa non yếu, do lượng máu cung cấp cho ruột giảm nên trẻ sinh non không dung nạp được sữa công thức, dẫn đến tình trạng viêm ruột hoại tử, bụng chướng, tiêu ra máu. Trẻ sinh non cũng dễ bị bệnh lý tim bẩm sinh tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, hệ miễn dịch còn non yếu nên trẻ sinh non có nguy cơ bị nhiễm trùng dai dẳng trong suốt thời kỳ nằm viện, bất kỳ giai đoạn nào trẻ cũng dễ bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Những bệnh lý về mắt, tổn thương võng mạc do mạch máu chưa trưởng thành ở tuần tuổi quá nhỏ dẫn đến giảm thị lực, trẻ có thể bị mù vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời. Cuối cùng là hệ thống tạo máu: nồng độ elestopoitin ở trẻ sinh non giảm so với trẻ đủ tháng, cơ thể trẻ không tạo ra được hồng cầu nên trẻ sinh non có nguy cơ thiếu máu, có thể phải truyền máu trong quá trình điều trị.
Trẻ sinh non được chăm sóc kỹ lưỡng ngay sau khi chào đời.
Theo xu hướng chung của thế giới, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng áp dụng những biện pháp ít xâm lấn cho trẻ sinh non, không đặt nội khí quản và không thở máy mà bơm surfactant, đặt catheter rốn vào đường thở, ổn định về thân nhiệt bằng lồng ấp đặc biệt với độ ẩm lên tới 80% giữ cho em bé không bị mất nước, rối loạn điện giải… Các biến chứng trong tuần lễ đầu tiên như xuất huyết não, biến chứng ống động mạch, được các chuyên gia chăm sóc trẻ sinh non tầm soát sớm bằng cách siêu âm tim, siêu âm thóp và xử lý kịp thời. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh xây dựng hệ thống chống nhiễm khuẩn bệnh viện ở mức cao nhất, đảm bảo điều kiện chống nhiễm khuẩn cho trẻ sơ sinh.
Cũng theo bác sĩ Ngọc Phượng, vấn đề hồi sức cho trẻ sinh non và rất non vô cùng quan trọng, quyết định vấn đề điều trị về sau. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh áp dụng có phác đồ giờ vàng hiện đại trên thế giới, xử trí trong 60 phút đầu sau sinh như: giữ ấm, bọc trẻ trong túi nhựa để tránh mất nước, mất nhiệt; cung cấp áp lực dương liên tục giúp phổi trẻ nở ra ngay khi chưa cắt dây rốn, giảm đáng kể tỷ lệ điều trị thở máy, dùng thuốc; kẹp dây rốn muộn giúp cung cấp thêm một lượng máu trong lúc chờ dây rốn ngừng đập, có thêm lượng máu từ mẹ sang con, giúp giảm nguy cơ thiếu máu và ổn định huyết áp cho trẻ…
Tiến sĩ, bác sĩ Cam Ngọc Phượng - Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM đang chăm sóc trẻ sinh non bằng chế độ chăm sóc đặc biệt.
Sau khi sinh tại BVĐK Tâm Anh, trẻ còn được thực hiện sàng lọc 73 bệnh bằng xét nghiệm máu gót chân em bé trong 48h đầu sau sinh, tầm soát những bệnh thường gặp hoặc hiếm gặp nhưng nguy hiểm như bệnh tăng sinh thượng thận bẩm sinh (không thường gặp nhưng nếu không phát hiện sẽ khiến bé sốc, tụt huyết áp, tử vong…), các bệnh rối loạn chuyển hóa chất đạm (sinh ra độc tố khiến trẻ hôn mê, co giật, dẫn đến tử vong), tầm soát thính lực, tầm soát tim bẩm sinh, tầm soát siêu âm não, bụng để tìm các dị tật trong các cơ quan; xét nghiệm máu xem có thiếu máu do các bệnh lý bẩm sinh, di truyền; tầm soát nâng cao để đánh giá sự phát triển toàn diện của bé như tình trạng thiếu máu thiếu sắt; định lượng canxi, vitamin D xem bé có còi xương hay không; đánh giá chức năng gan, thận...
Theo bác sĩ Lê Tố Như, không chỉ trẻ sinh non, tại Bệnh viện Tâm Anh, tất cả trẻ sơ sinh đều được sàng lọc sơ sinh. Đây là chương trình thăm khám, xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các rối loạn có thể đe dọa tính mạng hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của trẻ như: dị tật tim bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh, tăng sản bẩm sinh, G6PD thấp, sàng lọc thính lực… Đặc biệt, trẻ sẽ được tiêm phòng đúng lịch. Đây là điểm khác biệt so với nhiều trẻ sinh non khác, vì Bệnh viện Tâm Anh có trung tâm tiêm chủng riêng nên các mũi vắc xin dành cho trẻ sơ sinh được tiêm cho bé đầy đủ.