Giới trẻ thiếu hay quá… hiểu biết về giới tính và tình dục?

,
Chia sẻ

Nhiều trường hợp các cháu không hề biết mình đã có thai, đến khi thai lớn, gia đình mới hốt hoảng cho đi nạo...

Trong lần trò chuyện cùng hiệu trưởng một trường tiểu học, tôi sửng sốt khi được biết, BGH nhà trường và nhiều thầy cô chủ nhiệm lúc nghỉ giải lao hoặc cuối giờ bán trú, bao giờ cũng phải thay phiên nhau “lượn” quanh trường, đến những chỗ khuất, khu vệ sinh để kiểm tra xem có đôi trẻ con nào “yêu nhau” không.

Nguyên nhân của việc tăng cường quản lý bắt nguồn từ việc nhà trường phát hiện thấy bao cao su trong nhà vệ sinh, và có hiện tượng 1, 2 đôi học sinh lớp 5 trốn ra một góc nào đó để hôn nhau…

Với sự tiếp cận các phương tiện thông tin giải trí hiện đại, việc học sinh tìm hiểu về giới tính và quan hệ sớm là vấn đề rất đáng được lưu tâm bởi nhà trường và gia đình bây giờ đang khá lúng túng khi chưa biết làm thế nào thuyết phục, giáo dục tâm lý giới tính để các em hiểu và chuyên tâm học hành.

Bà Nguyễn Minh Châu, giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn chia sẻ: “Thông tin về giới tính hiện rất thiếu những buổi học và tư vấn nghiêm túc về giới tính, tình dục nhưng lại thừa những cảnh “nhạy cảm” trên phim ảnh, Internet, vô tình kích thích trí tò mò của các em”.

Đặc biệt gần đây xuất hiện những loại truyện tranh sex như Tuổi mộng…, Malisa…, Thục nữ… dành cho tuổi 17, 18, chỉ truyền tai nhau là các em 9-12 tuổi có thể tìm mua, đọc và tưởng tượng.

Khá nhiều phụ huynh nghĩ trang bị cho con ĐTDĐ để dễ quản lý, tuy nhiên có nhiều em  dùng ĐTDĐ như phương tiện riêng để tải những cảnh “nóng” xem… cho vui, hoặc nhắn tin đến các tổng đài tư vấn tìm hiểu “Làm thế nào để đạt được khoái cảm” hay “Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gối chăn”…

Thực tế xã hội phát triển, điều kiện sống đầy đủ, trẻ chưa thành niên ở Việt Nam dậy thì sớm hơn. Việc các em háo hức muốn tìm hiểu những thông tin về giới tính cũng như những biến đổi trên thân thể mình, cảm xúc nam nữ, là bình thường.

Các em có quyền được trang bị những kiến thức đó, song hỏi cha mẹ thì e ngại, trong khi nhiều bậc phụ huynh cũng không tự tin hoặc lảng tránh đề cập. Có người còn giải thích “tình dục là một loại tình cảm có… giáo dục” khiến các em hoang mang, lảng tránh sự quản lý, quan tâm của người lớn.

Bên cạnh đó, việc giáo dục giới tính được đưa vào nhà trường hiện chỉ dừng lại ở một số tiết, và phổ biến ở các thành phố lớn, còn với khu vực nông thôn, dường như giới tính, tình dục vẫn là một đề tài “cấm kỵ” và chính bản thân phụ huynh cũng chưa đủ kiến thức, nhận thức trách nhiệm về vấn đề này. Điều đó đã dẫn đến, nhiều học sinh tự mày mò tìm hiểu qua sách báo, Internet để “bổ sung” kiến thức.

Và, những đoạn video đen, những câu chuyện copy trên mạng được dấm dúi trao đổi, bản thân những kênh thông tin giáo dục giới tính hiện nay ở Việt Nam cũng không theo hệ thống, chủ yếu “giới thiệu” về cảm xúc chứ chưa có cái nhìn logic về sự phát triển giới tính cũng như tình dục lành mạnh và an toàn.

Đó là lý do khi bất chợt đi qua phố Võ Thị Sáu, Pháo đài Láng, Quảng Bá, Phương Mai… có thể gặp những đôi học sinh dắt nhau vào nhà nghỉ. Trên các diễn đàn, cũng không khó nhận ra những cô cậu mới 15-16 đã nghiện sex và bỏ ra nhiều tiếng để chat với những lời lẽ dung tục.

Bác sỹ Nguyễn Mạnh Hà, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Nhiều trường hợp các cháu không hề biết mình đã có thai, đến khi thai lớn, gia đình mới hốt hoảng cho đi nạo, thủ thuật dù đơn giản những vẫn rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ, nhiều trường hợp còn ảnh hưởng đến khả năng sinh nở sau này.

Theo bác sỹ Hà, mỗi ngày có gần chục trường hợp chấm dứt thai kỳ sớm bằng phương pháp sinh non, trong đó khoảng một nửa dưới 20 tuổi đến phá con so. Nhiều bé được sinh ra nặng không quá 500 gam.

Trước đây chúng ta hay cảnh báo các bạn trẻ, “Đừng chết vì thiếu hiểu biết” nhưng hiện nay, họ lại đang tưởng mình biết mọi thứ vì được tiếp cận quá nhiều kênh thông tin. 

Thực tế những kiến thức các bạn trẻ tìm hiểu, trao đổi nhau đều là biết chưa đúng, biết chưa sâu, đến khi áp dụng thực tế dễ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về lối sống, nhân cách, đạo đức xã hội.
Khi bước vào độ tuổi dậy thì, trẻ chưa thành niên bao giờ cũng có xu hướng độc lập trong suy nghĩ và hành động, muốn được tôn trọng và được đối xử như người lớn.

Tuy nhiên trong suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ, các em vẫn là những đứa trẻ hồn nhiên và không biết gì, không nhận được nhiều sự đồng cảm, sẻ chia và định hướng lành mạnh của gia đình, nhà trường, xã hội. Đó là những nguyên nhân dẫn đến những tác hại khôn lường. 

Theo An ninh thủ đô

Chia sẻ