Giận điên người vì con nói tục

,
Chia sẻ

Một lần, cả nhà đang xem tivi, con búp bê của bé Bí bị rơi vào gậm ghế. Bé với tay mãi không lấy được nên buột miệng, chửi thề, bắt chước câu bé nghe được từ hôm trước.

Lúc đi ngang qua quán nước, hai mẹ con bé Bí (3 tuổi) tình cờ nghe thấy một câu nói bậy. Bé Bí hỏi mẹ ngay, câu đó nghĩa là gì nhưng Hải (mẹ bé Bí) chỉ bảo, đó là từ không ngoan, không được phép nói thì bé ngoan ngoãn, gật đầu.

Một lần, cả nhà đang xem tivi, con búp bê của bé Bí bị rơi vào gậm ghế. Bé với tay mãi không lấy được nên buột miệng, chửi thề, bắt chước câu bé nghe được từ hôm trước. Chồng Hải nghe vậy, rất choáng váng và quát con rất lớn. May Hải nhanh trí, ngăn cản: “Con còn bé, chưa biết gì. Để em dạy con từ từ”. Hải không nghĩ con lại học lời nói xấu của người lớn nhanh đến thế.

Nghe mẹ nhắc: “Đó là từ không ngoan. Con nói thế là bố mẹ không yêu đâu” là bé Bí tỏ ra rất hiểu biết. Bé chỉ ngơ ngác: “Thế là xấu lắm hả mẹ? Không được nói hả mẹ?”. Sau đó, thấy mẹ gật đầu, bé thôi không hỏi nữa.

Tuy nhiên, vài ngày sau, khi Hải đưa con đến nhà chị họ (hơn bé Bí 1 tuổi) thì lúc tranh nhau quả bóng, bị thua, bé Bí lại buột miệng nói tục. Lần này, Hải không giữ được bình tĩnh, đánh vào mông con khiến bé khóc ầm ĩ. Hải biết, con chưa đủ nhận thức để không nói tục nhưng cô cũng chưa tìm ra cách dạy con hiệu quả.


Không nên bực tức, đánh mắng con khi con "vô tình" nói bậy

Bé Bom (4 tuổi), một lần, bị mẹ mắng vì tội không ngủ trưa (do mải nghịch siêu nhân). Lúc bị mẹ quát, bé Bom đã nói lại một câu rất bậy. Lần đầu tiên thấy con nói hư, Thúy (mẹ bé Bom) giật nảy mình và đánh luôn vào lưng con. Khi bình tĩnh hơn, Thúy lại hối hận vì đã thiếu kiềm chế. Cô nghĩ, chắc do bé Bom bắt chước người lớn chứ có khi cũng không hiểu, đó là từ thiếu văn minh. Vì thế, cô đã ngồi truy tìm nguyên nhân và giảng giải với con. Bé Bom hứa không nói thế nữa.

Xong, có vài lần nổi cáu, bé Bom lại nói hỗn với bất kỳ ai. Cho dù đó là bố mẹ, hay ông bà, các bạn chơi cùng, nếu bị phật ý là bé nói bậy luôn. Hôm trước, Thúy nghe ông nội, đón con ở lớp mẫu giáo về phàn nàn, bé Bom bị cô giáo phạt vì tội chửi thề. Nguyên nhân là bé Bom bị một cậu bạn đánh. Bé tức lắm nhưng không dám đánh lại bạn (vì nghe lời mẹ dặn) nên phải nói bậy. Bình tĩnh lại, Thúy dạy con không được đánh bạn, cũng không được chửi thề, nếu có gì thì mách với cô giáo hoặc chạy đến chỗ khác. Tuy nhiên, cô vẫn lo lắng vì khi cáu giận, bé Bom hay buột miệng nói bậy.

Dạy con không nói bậy

Khoảng 3-4 tuổi, bé có thể vô tình thốt ra những lời nói tục. Thực ra, các bé chưa hiểu hết ý nghĩa của những câu nói. Hành vi này thường do bé bắt chước người lớn, giống như bé đang cố học từ mới nhưng áp dụng lại không đúng cách. Nếu nghe thấy con nói bậy, cha mẹ cần bình tĩnh. Tránh bực tức hoặc trừng phạt con quá nặng. Nên nhớ, lời nói và hành vi của bé giai đoạn này chủ yếu do học được từ thế giới xung quanh. Cho nên, chỉ quát mắng, đánh đập thì bé sẽ không hiểu mình sai ở chỗ nào, phải sửa đổi ra sao.

Nhiều câu nói bậy của bé không hợp với hoàn cảnh. Có khi nói bậy với con búp bê, cái ôtô hay một món đồ chơi khiến cha mẹ buồn cười. Dù lý do gì, cũng không được cười trêu bé. Làm như thế, bé sẽ nghĩ lời nói của mình là đúng và càng phát huy.

Cần giải thích cho bé đó là những từ không nên nói. Nếu nói là bé không ngoan, ông bà hay bố mẹ không vui. Khi phải tiếp xúc với môi trường không tốt, nếu bé hỏi về từ này, từ kia vừa nghe được, hãy giải thích cho con. Hỏi xem bé nghe từ đó ở đâu, ai đã nói? Khẳng định với bé, đó là từ hư, không ai thích nghe cả. Vì thế, bé không nên học nói theo.

Nhiều bé buột miệng chửi thề vì bực bội. Cha mẹ hãy hướng bé giải tỏa bực bội bằng những ngôn từ khác, không phải nói bậy. Khi đã xây dựng được lời nói tốt, bé sẽ dần dần tiến bộ lên.

Cũng tránh cho là, các bé còn nhỏ, chưa biết gì, chờ lớn lên sẽ tự ngoan hơn. Nếu giữ thái độ im lặng, các bé sẽ nghĩ lời nói đó là không sai và càng dùng chúng với tần suất nhiều hơn. Đúng là khi lớn lên, bé sẽ hiểu đâu là lời hay ý đẹp, đâu là lời nói xấu, cần loại bỏ. Nhưng việc dạy dỗ con phải được định hướng từ nhỏ. Bởi vì, nếu bé đã có thói quen xấu thì khi lớn lên, không dễ gì để giảng dạy lại từ đầu. Chuyện dạy con được ví như trồng một cái cây. Nếu gốc cây bị sâu mục thì dĩ nhiên, cây không thể xanh tốt, ra hoa, kết quả. 

Theo Mẹ và Bé

Chia sẻ