Giải mã lý do Phương Oanh cứ luôn gọi 2 con là "thần zớt", khiến mẹ với bà phải than phiền liên tục
Có vẻ như 2 em bé đang trong giai đoạn đặc biệt này rồi.
Ai theo dõi gia đình Phương Oanh - shark Bình lâu sẽ để ý thấy bà mẹ 2 con hay gọi các bé là "thần zớt". Thoạt tiên cứ tưởng là biệt danh mới gọi cho đáng yêu thôi, thế nhưng hóa ra là có lý do cả các mẹ ạ.
Cụ thể mới đây, Phương Oanh chia sẻ hình ảnh 2 con của mình đang ngồi chơi với nhau cùng chiếc yếm ướt nhoẹt. Các em bé rớt nước dãi liên tục khiến cả bà và mẹ Oanh phải than phiền: "Ướt hết rồi, thay thôi", "Vừa mới thay xong mà"...
Các mẹ nào có con trải qua giai đoạn này chắc chắn thấu hiểu, 1 ngày phải thay đến chục chiếc yếm mà vẫn không đủ. Nhiều mẹ lại tưởng con bị bệnh gì vì quá nhiều nước dãi! Vậy tại sao trong quá trình trưởng thành, trẻ lại trải qua giai đoạn như vây?
Trong quá trình trẻ phát triển, có một số phản ứng khiến không ít người mẹ cảm thấy phiền lòng, chẳng hạn như trẻ hay chảy nước dãi. Mặc dù biết rằng điều này là hoàn toàn bình thường, nhưng trong một số trường hợp người mẹ lại phàn nàn và tỏ ra khó chịu.
Trên thực tế, việc trẻ hay chảy nước dãi cũng có những lợi ích nhất định, nếu biết được những lợi ích này, có lẽ người mẹ sẽ không còn cảm thấy quá khó chịu nữa.
1. Giữ cho môi và miệng luôn ẩm ướt, tránh bị khô
Trẻ hay chảy nước dãi có thể gây ra phiền phức cho người mẹ khi phải lau liên tục, nhưng bạn cần biết rằng, nước bọt có thể giúp cho miệng và môi của trẻ luôn trong tình trạng ẩm ướt và tránh bị khô nứt.
Nước bọt giống như một chất bôi trơn, nó có chứa chất mucin giúp cho miệng của trẻ trơn và mềm hơn. Nước dãi có tác dụng dưỡng ẩm, bảo vệ niêm mạc miệng, khiến trẻ không cảm thấy bị khó chịu khi bị khô nứt. Ngoài ra, việc tiết nhiều nước bọt có lợi cho đường tiêu hóa của trẻ.
Trong quá trình trẻ mọc răng, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, bứt rứt ở nướu, lúc này tuyến nước bọt hoạt động mạnh mẽ sẽ giúp trẻ đỡ bị đau nướu hơn. Vì vậy, nếu nhận thấy trẻ ít chảy nước dãi, đồng thời miệng hay bị khô, bạn có thể dùng khăn ấm thường xuyên lau miệng và bổ sung thêm nước cho trẻ.
2. Làm sạch răng miệng
Trên thực tế, giai đoạn trẻ mọc răng là lúc mà chúng chảy nước dãi nhiều nhất. Vì khi răng sữa mọc lệch, niêm mạc miệng sẽ bị kích thích khiến tuyến nước bọt tiết ra nhiều hơn. Sau khi quá trình mọc răng kết thúc, tình trạng chảy nước dãi của trẻ cũng sẽ biến mất. Ở giai đoạn này, bạn không nên để trẻ cho tay chạm vào nướu, điều này có kích thích làm tăng tuyến nước bọt tiết ra, đồng thời vi khuẩn dễ xâm nhập vào khoang miệng.
Mỗi đứa trẻ sẽ có mức khó chịu khác nhau khi mọc răng, chúng có thể khóc hoặc thể hiện các hành vi khác. Khi đó, nước bọt đóng vai trò làm dịu bớt sự khó chịu cho trẻ.
Trẻ hay chảy nước dãi cũng có liên quan đến vấn đề răng miệng, khi lượng nước bọt được tiết ra nhiều hơn, nó cuốn đi phần nào cặn thức ăn, sữa, vi khuẩn trong khoang miệng, giúp răng của trẻ được sạch sẽ hơn. Nước bọt bám vào lớp men răng bên ngoài tạo thành hàng rào bảo vệ, giúp ngăn ngừa sâu răng ở trẻ.
3. Hỗ trợ tốt cho việc tiêu hóa thức ăn
Sau khi trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm, vai trò của nước bọt lại càng thêm quan trọng. Điều này là do trong nước bọt có chứa nhiều enzyme tiêu hóa carbohydrate, giúp phân hủy tinh bột nhanh hơn. Khi cho trẻ ăn dặm cơm và bánh mì, nếu trẻ tiết nhiều nước bọt sẽ giúp tiêu hóa những loại thức ăn này hiệu quả hơn.
Khi trẻ từ 4 đến 6 tuổi, bạn sẽ nhận thấy tuyến nước bọt của trẻ hoạt động mạnh mẽ hơn. Lúc này, chức năng tuyến nước bọt của trẻ đã hoàn thiện, có thể đảm nhận việc tiêu hóa thức ăn.
Khi thức ăn chứa trong khoang miệng, men amylase trong nước bọt phản ứng với thức ăn, sau đó chuyển hóa tinh bột thành đường, giúp tiêu hóa thức ăn nhanh hơn và bảo vệ đường ruột khỏe mạnh.
Bạn cần lưu ý rằng, trong thời điểm trẻ ăn dặm, chức năng tiêu hóa của trẻ vẫn còn yếu nên có thể xuất hiện tình trạng khó tiêu, đầy hơi và một số triệu chứng khó chịu khác. Lúc này, bạn có thể bổ sung thêm một số loại men vi sinh phù hợp để thúc đẩy hệ tiêu hóa và hấp thu của trẻ.
4. Hỗ trợ khả năng nuốt
Khi trẻ hay chảy nước dãi, có nghĩa là trẻ đang tự điều khiển miệng của mình qua các chuyển động của môi và lưỡi. Chức năng ngôn ngữ của cơ thể phụ thuộc vào 2 cơ quan này nên sẽ tác động tới việc trẻ nhanh biết nói hơn. Ngoài ra, việc tiết nhiều nước bọt sẽ kích thích khả năng nuốt của trẻ.
Đối với trẻ đang tập nuốt thức ăn, nước bọt sẽ giúp bôi trơn cổ họng, giúp trẻ tránh bớt tình trạng nôn trớ. Các thành phần trong nước bọt cũng có thể kích thích sự phát triển của niêm mạc biểu bì trong ruột non, có lợi cho việc học nuốt.
Nhìn chung, trẻ hay chảy nước dãi có những lợi ích nhất định mà người mẹ không nên xem nhẹ. Dù trong bất kỳ trường hợp nào, người mẹ cũng nên chú ý đến việc vệ sinh răng miệng cho trẻ, tránh để trẻ chảy quá nhiều nước dãi, ảnh hưởng đến sức khỏe và làn da của trẻ. Khi thấy trẻ chảy nước dãi nhiều, bạn có thể dùng khăn gạt mềm lau đi, thường xuyên thay quần áo bị ướt bởi nước bọt.
Trẻ chảy dãi nhiều có bất thường?
Ở một số trẻ, tuyến nước bọt hoạt động nhiều nên có hiện tượng tăng tiết nước bọt, trẻ hay chảy nước dãi. Không chỉ chảy dãi nhiều khi thức, mà khi ngủ và ban đêm, dãi vẫn có thể chảy.
Hơn nữa, thường những trẻ có hiện tượng tăng tuyến nước bọt lại thường dễ nuôi, không khó ăn, vì vậy tăng cân tốt. Do trong nước bọ có chứa Amylase, là Enzym thủy phân tinh bột, một khâu quan trọng trong quá trình tiêu hoá, giúp việc tiêu hoá thức ăn dễ dàng hơn.
Không có thuốc nào làm giảm hiện tượng tăng tuyến nước bọt khi trẻ còn nhỏ. Vì thế, chị nên đeo yếm dãi, dùng khăn sữa lau nhẹ cho bé thường xuyên là cách tốt nhất.
Hiện tượng này thường mất đi khi trẻ đã lớn. Có một số ít trẻ khi lớn vẫn tiếp tục có hiện tượng tăng tuyến nước bọt. Đây là biểu hiện của bệnh lý nội khoa, thường do rối loạn ở các tuyến, có liên quan đến yếu tố thần kinh, khi ấy cần phải khám và điều trị ở các chuyên khoa Tai Mũi Họng, Nội tiết, Tiêu Hoá.