Giải mã hành vi phản ứng lại bố mẹ của trẻ
Khi không hài lòng, trẻ dưới 6 tuổi thường đánh, tát… bố mẹ mình. Không ít phụ huynh cho rằng, đó là hành vi không thể chấp nhận được.
Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ bày tỏ lo lắng về việc liệu trẻ có trở thành người bạo lực khi trưởng thành không.
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cần được giáo dục rằng, dù mục đích là gì thì bạo lực và làm đau người khác đều sai. Trẻ cũng nên hiểu rằng, có nhiều cách cư xử ôn hòa và văn minh hơn mà vẫn giúp bé đạt được điều mình muốn.
“Muối mặt” vì bị con… đánh
Không ít trẻ đột nhiên gắt gỏng, cau có, thậm chí đánh người lớn, dù trước đó vẫn vui vẻ, cười nói. Điều đó khiến nhiều phụ huynh lo sợ rằng, con mình đang gặp vấn đề tâm lý nào đó. Thực tế, các chuyên gia cho biết, trẻ đánh bố mẹ là do chưa có đủ kỹ năng và ngôn ngữ để điều chỉnh cảm xúc cũng như suy nghĩ. Do đó, trẻ thường chọn các cách phi ngôn ngữ như la hét, khóc, thậm chí đánh để giao tiếp với bố mẹ.
Chị Nguyễn Thị Thanh (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, bé Chíp nhà chị thường hay đánh bố mẹ mỗi khi không vừa ý về chuyện gì đó. Khi nhỏ hơn, Chíp thường khóc và ăn vạ để được bố mẹ chú ý. Tuy nhiên, từ khi lên 3, bé thường tát hoặc cào bố mẹ.
“Nếu gia đình đi chơi nhưng ngồi vào hàng ăn có không gian hẹp, Chíp ngay lập tức khóc to và quay ra tát mẹ. Vợ chồng tôi nhiều lúc cảm thấy vừa bực, vừa bất lực trước hành vi này của con. Nhiều lần, chúng tôi đành đứng lên đi ra khỏi nhà hàng đó. Khi mọi chuyện theo ý mình, Chíp ngay lập tức trở về trạng thái bình thường. Nhiều lần bực quá lại đau, tôi đánh cho vài cái vào mông. Tuy nhiên, mỗi lần như thế, Chíp càng gào to hơn”, chị Thanh tâm sự.
Mỗi lúc thấy vậy, chị Thanh thường xót và nựng con rằng, lần sau không được như thế. Mặc dù vâng dạ ngay lúc đó, nhưng Chíp vẫn tiếp diễn hành vi đánh bố mẹ. Không biết phải làm gì với con, nên nhiều lần, vợ chồng chị Thanh đành nhượng bộ, chiều theo ý bé.
Trong khi đó, chị Hoàng Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể, bé Sữa nhà chị không chỉ hay đánh bố mẹ, mà còn bắt nạt các bạn ở lớp. Mới 4 tuổi, nhưng Sữa thường xuyên bị cô giáo nhắc nhở vì thói hung hăng với các bạn. Không ít lần, chị Hoàng Anh “muối mặt” vì hành vi của con. Tuy nhiên, dù nhắc thế nào, Sữa cũng “đâu lại vào đấy”.
“Nhiều lúc, khi tôi đang ngủ mà Sữa dậy trước, con thường lấy tay đánh thật mạnh vào người tôi. Nhiều lúc vì quá bực, nên tôi đánh vào bàn tay con, hoặc bắt Sữa đứng úp mặt vào tường. Tuy nhiên, những cách làm đó dường như đều không có hiệu quả. Thậm chí, khi đi học, con cũng rất hay gây gổ với các bạn. Khi thì tranh giành đồ chơi, lúc lại cãi nhau... Mỗi lần như vậy, Sữa thường đẩy hoặc cấu các bạn”, chị Hoàng Anh cho biết.
Đi tìm gốc rễ hành vi
Chuyên gia tư vấn phụ huynh và nhà tâm lý trẻ em Vũ Ngọc Quỳnh Anh (Alicia Vu) chia sẻ, chị từng nhận được câu hỏi từ một phụ huynh về việc trẻ đánh bố mẹ. Chị Quỳnh Anh cho rằng, sau mỗi lần như vậy, phụ huynh có thể hỏi con về lý do bé đánh mẹ. Ví dụ: Con nghĩ gì khi đánh mẹ? Con muốn mẹ chú ý nên con đánh mẹ phải không? Con cảm thấy buồn chán/tức giận nên đánh mẹ à?.
Bởi, theo chuyên gia này, hành vi đánh bố mẹ có thể xuất hiện do trẻ muốn gây chú ý. Thực tế, chính trẻ cũng không ý thức được con muốn gì rõ ràng, chỉ có một cảm xúc thôi thúc bé hãy làm vậy. Do đó, trong trường hợp như vậy, phụ huynh có thể thử hướng dẫn con cách khác. Ví dụ: “Nếu con muốn mẹ chơi cùng, thì hãy nói: Mẹ ơi, mẹ chơi với con. Không cần đánh mẹ đau”.
Chị Quỳnh Anh cho biết, nếu muốn dạy con dùng lời nói thay vì đánh đấm, các phụ huynh phải phản hồi ngay từ khi trẻ còn đang nói. Nhờ đó, để trẻ thấy là cách làm đó hiệu quả. Bởi, nếu phụ huynh không phản hồi cho đến khi trẻ phải đánh bố mẹ, thì tất nhiên lời dạy sẽ không có tác dụng.
“Đằng sau mỗi hành động của trẻ đều có nguyên nhân. Không có chuyện “thích đánh nên đánh”. Đằng sau hành động đánh đó có thể là cảm giác sợ bị bỏ rơi, buồn chán, tức giận, tủi thân, lo lắng, sợ hãi… Thay vì chỉ đi tìm cách giải quyết theo công thức chung, cách tốt hơn vẫn là ngồi xuống quan sát xem nguyên nhân thật sự là gì. Tìm cách khắc phục từ gốc rễ sẽ tốt hơn”, chị Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cần được giáo dục rằng, bạo lực là sai, làm đau người khác cũng là sai, dù mục đích của con là gì. Có nhiều cách cư xử ôn hòa và văn minh hơn mà vẫn đạt được điều mình muốn. Khi một đứa trẻ được cổ vũ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, chúng sẽ ngày càng hung hăng và hiếu chiến.
Bạo lực không hiệu quả
Chị Quỳnh Anh cho biết, nếu là phụ huynh có con hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, các bố mẹ cần thường xuyên để mắt đến trẻ. Đồng thời, ngay lập tức gỡ trẻ ra khỏi tình huống trước khi bé kịp gây tổn thương cho người khác. Tuy nhiên, cha mẹ không nên la mắng hay đưa hình phạt ngay lập tức. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng hướng dẫn con cách cư xử đúng. Dù là đứa trẻ “cục súc” nhưng con vẫn đang học. Điều đó nghĩa là trẻ cần cha mẹ hướng dẫn. Phụ huynh cũng không nên nghĩ rằng, trẻ con xô xát thôi, có gì đâu.
“Khi con là tác nhân gây tổn thương dù vô tình cho trẻ khác, phụ huynh sẽ phải có trách nhiệm. Đừng để đến một ngày con nhận ra: À, thì ra bạo lực lại hiệu quả đến vậy thì đã quá muộn”, chị Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, mọi thông điệp phụ huynh gửi đến con phải thống nhất. Không nên một mặt thì lên án, ngăn cản con khi có các phụ huynh khác ở đó, song, về nhà lại hãnh diện kể với người thân hôm nay con đã “chiến đấu” giỏi như thế nào. Khi các thông điệp đầy mâu thuẫn, trẻ sẽ học được thêm từ cha mẹ tính dối trá, lươn lẹo. Ngoài ra, cha mẹ còn cần phải nghiêm túc và đồng cảm nhiều hơn. Cha mẹ phải thật sự sát sao và để mắt đến trẻ, tìm hiểu xem tại sao con bắt nạt người khác. Theo chị Quỳnh Anh, những đứa trẻ hạnh phúc và được cha mẹ lắng nghe, giúp đỡ sẽ không bao giờ đi bắt nạt.
“Cha mẹ có đã và đang làm gì đó khiến con cảm thấy không công bằng, ấm ức hay bị cô lập không? Cách cha mẹ xử lý hành vi xấu của con có khác biệt khi có khách và không có khách đến nhà (có khách thì nhẹ nhàng chỉ bảo, không có khách thì cùng hành vi đó con ăn đòn no)? Cha mẹ có thường xuyên đánh, quát, dọa nạt con để bắt con nghe lời? Có hay thiên vị các anh chị em khác trong nhà? Có thường gạt con qua một bên và cằn nhằn “bố/mẹ bận lắm” rồi dán mắt vào điện thoại khi trẻ muốn cha mẹ chơi cùng hay lắng nghe điều gì đó?”, nữ chuyên gia đưa ra một số câu hỏi phụ huynh cần trả lời.
Theo chuyên gia này, nếu câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào bên trên là có, thì trẻ chỉ đang lặp lại hành vi của chính cha mẹ lên người khác. Đó là: Thao túng, không thấu hiểu, không đồng cảm và bạo lực. Trẻ không cố tình, mà đơn giản là chưa từng được đối xử bằng cách nào tốt hơn. Bởi, đó là những điều duy nhất trẻ học được từ người chăm sóc.
“Để thay đổi, hãy dẹp tự ái và sĩ diện sang một bên và ngồi xuống xin lỗi con. Nếu vẫn không biết mình sai ở đâu, hãy chân thành hỏi trẻ. Có rất nhiều việc người lớn cho phép mình quyền quên, quyền không để ý nhưng lại là nhát rìu chặt lên thân cây với trẻ, mãi mãi không bao giờ biến mất. Khi con nói, đừng cố thanh minh mà hãy thành tâm lắng nghe. Đây là lúc cha mẹ cần đồng cảm với con, thay vì cố chứng minh mình đúng hay mình không cố tình. Nói với con tất cả những gì phụ huynh nhận ra mình đã sai và hãy thật sự cùng con cố gắng. Việc đánh, phạt con trong trường hợp này chỉ càng đẩy trẻ đi xa hơn và hành động ngày càng hung hăng”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.
Theo chuyên gia này, điều quan trọng cuối cùng là cha mẹ không nên quá dằn vặt hay trách móc bản thân vì những hành động từng làm sai. “Ngã ở đâu đứng lên ở đó. Sai ở đâu thì sửa ở đó. Con sẽ cảm nhận được yêu thương khi cha mẹ dũng cảm thừa nhận sai lầm và sửa chữa. Không những thế, phụ huynh đã dạy con thêm một bài học lớn về sự dũng cảm thật sự. Bạn của ngày hôm nay đã tốt hơn hôm qua - hãy tự hào về điều đó”, chị Quỳnh Anh cho biết.