"Gà trống" nuôi con

,
Chia sẻ

Nhiều người đàn ông vì các hoàn cảnh khác nhau mà phải đảm nhiệm trách nhiệm "vừa làm cha, vừa làm mẹ". Những lời khuyên sau đây sẽ giúp họ giải quyết phần nào các vấn đề thường gặp.

Nhìn sự việc bằng con mắt khác

Điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ tới là: Hãy bình tĩnh và tự tin!

Đứa con là người ruột thịt, thân thiết và gắn bó nhất trong đời bạn. Bế con trên tay, vuốt ve, trò chuyện với con, chia sẻ những chuyện vui buồn, theo dõi tiến bộ của con từng ngày là điều tự nhiên như chúng ta hít thở vậy. Đừng coi việc nuôi con là công việc không thể vượt qua mà hãy thấy đó chỉ là cuộc sống bình thường, của hai bố con.

Nên nói thật với con nhưng cần diễn đạt theo cách phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ

Đương nhiên, giờ đây bạn cần tập trung nhiều sức lực và thời gian vào việc nuôi dạy con, nhưng xét cho cùng thì quy luật của tự nhiên là thế, người ta sinh con cái, nuôi dạy con cái lớn khôn trưởng thành và bạn không phải đang thực hiện nhiệm vụ gì đó bất khả thi. Linh tính và sự hiểu biết sẽ luôn mách bảo bạn khi nào cần làm gì thì tốt cho con. Không cần phải đòi hỏi ở bản thân rằng bạn nhất nhất phải trở thành ông bố lý tưởng, mà nên sống theo quan điểm "được đến đâu, tốt đến đó".

Đừng nghĩ rằng đảm đương các công việc gia đình và chăm sóc con cái là khả năng bẩm sinh của phụ nữ. Các cô gái trẻ khi lấy chồng cũng chẳng có chút kinh nghiệm nào về việc nuôi con, họ đều trải qua quá trình tự học hỏi và rút kinh nghiệm. Vậy cánh đàn ông thì có cớ gì để kém cỏi hơn chứ? Thậm chí bạn còn có những ưu thế khác so với phái yếu, như việc việc bế con chẳng hạn. Công việc này với các ông bố cũng nhẹ nhàng hơn

Thử nhớ lại xem biết bao lần bạn cho rằng vợ chăm sóc và giáo dục con không được như ý bạn, khi thì quá nghiêm khắc, khi lại quá nuông chiều con. Bây giờ chính là lúc bạn có khả năng thay đổi tình thế, nhưng chỉ có điều đừng nên quá lạm dụng những câu nói như "Bố không phải là mẹ để mà chiều con quá mức, con phải nghe lời bố!". Nên nhớ rằng con bạn còn buồn bã và khó khăn hơn bạn khi phải sống thiếu mẹ.

Trả lời những câu hỏi của con về mẹ như thế nào?

Những bực dọc về người vợ đã ly hôn phải được kìm giữ trong lòng bạn, nhất thiết không được để lộ ra trong khi bạn tiếp xúc với con, nếu không bạn sẽ gây thêm tổn thương cho tâm hồn non nớt của bé. Đừng bao giờ nói rằng "Con không có mẹ", mà nên nói rằng "Mẹ có việc phải đi xa, tạm thời chưa về được". Trong trường hợp vợ bạn không may qua đời, hãy luôn nói với con rằng "Mẹ của con là người tuyệt vời nhất trên thế gian này và mẹ yêu con lắm lắm".

Nên nói thật với con nhưng cần diễn đạt theo cách phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ. Ví dụ con bạn lên 3, bạn có thể nói đơn giản là "mẹ của con đã mất", nhưng nếu bé đã tròn 6 tuổi, bạn có thể kể cụ thể là mẹ mất trong trường hợp nào, cùng con ra thăm mộ mẹ và hai bố con cùng xem lại album ảnh có mẹ hồi còn sống...

Tương tự, nếu hai vợ chồng bạn ly hôn khi con còn 3 tuổi, hãy nói rằng "Mẹ đi khỏi nhà vì mẹ cần phải làm thế", nhưng nếu con bạn đã lên 7 thì bạn có thể kể ra những chi tiết cụ thể hơn nếu cháu hỏi. Đừng bao giờ kể xấu về người vợ cũ của mình, xét cho cùng thì mọi việc trên đời này đều sẽ có nhân quả, thời gian sẽ là câu trả lời chính xác nhất.

"Mẹ có yêu con hay không?", đó là câu hỏi trẻ thường đặt ra trong trường hợp người vợ rời bỏ gia đình để ra đi. "Nếu mẹ yêu con thì tại sao lại không về với con?". Nếu con hỏi bạn như vậy, thì hãy thử giải thích theo kiểu như sau: "Ví dụ khi con đi nhà trẻ, con không thể ở bên cạnh bố và bà được, mặc dù con rất yêu hai người. Mẹ cũng thế, mẹ rất yêu con nhưng không thể ở cạnh con được vì có một số công việc cần giải quyết."

Trong đầu con bạn có thể nảy ra một ý nghĩ sợ hãi: "Nếu mẹ đã đột ngột bỏ đi (hoặc chết) thì biết đâu một ngày nào đó bố cũng bỏ mình đi?". Vì thế, bạn phải một mực thề thốt và chứng tỏ với cục cưng của mình rằng bạn không bao giờ bỏ con đi đâu, và cũng không bao giờ chết được cả. Điều này khiến cho bé lấy lại được sự yên tâm.

Nuôi dạy con gái ra sao?

Các ông bố một mình nuôi con thường đặc biệt lo lắng khi phải chăm sóc dạy dỗ con gái. Nên nhớ rằng: một đứa trẻ bất kỳ, dù là trai hay gái, khi bắt buộc phải lớn lên trong gia đình thiếu bố hoặc mẹ, bao giờ cũng có những điểm khác biệt về tâm lý so với các bạn bè được chung sống cùng cha mẹ.

Những bé gái phải sống với mẹ sẽ khó khăn hơn trong việc lập gia đình trong tương lai, bởi khi được bố chăm sóc và nuôi dạy, ít nhất các em cũng hiểu được một điều rằng trên đời này có đàn ông và làm thế nào để sống hạnh phúc bên người đàn ông dưới cùng một mái nhà.

Các ông bố một mình nuôi con thường đặc biệt lo lắng khi phải chăm sóc dạy dỗ con gái

Thậm chí khi bạn sống hoàn toàn trong cảnh "gà trống nuôi con", không có bàn tay trợ giúp của người phụ nữ nào trong số họ hàng người thân, thì xung quanh con gái bạn khi trưởng thành vẫn có những người phụ nữ khác để bé học hỏi và bắt chước những công việc nữ công gia chánh cần thiết.

Để giải thích những vấn đề về sinh lý nam nữ, hãy đưa sách cho con đọc, nhưng sách phải phù hợp với lứa tuổi của con.

Đối với những câu hỏi phức tạp, có thể tới gặp các chuyên gia về tâm lý, các nhà sư phạm để họ giải thích một cách đúng đắn cho con bạn. Nhưng nếu con muốn hỏi trực tiếp bạn, nên cố gắng trả lời. Ví dụ, nếu câu hỏi của cô con gái 6 tuổi "Vì sao các bạn trai "đi giải" thì đứng, còn các bạn gái lại phải ngồi?", bạn có thể nói như sau "Vì cơ thể của đàn ông và đàn bà được thiên nhiên tạo ra hoàn toàn khác nhau". Tóm lại, bất kỳ câu hỏi nào của con cũng phải trả lời một cách thành thực, tế nhị, đúng mực. Điều quan trọng là để cho cháu thấy mình được tôn trọng như một người phụ nữ.

Luôn tỏ cho con thấy rằng bạn tự hào vì được cô con gái ngoan ngoãn, xinh đẹp và đáng yêu nhất trên đời.

Những ai có thể giúp đỡ bạn khi cần thiết?

Trước hết là các bà, các cô, các dì của bé. Tuy nhiên, đôi khi có những người không phải là họ hàng mà lại sẵn sàng giúp bạn một tay trong việc chăm sóc con bạn, ví như bà hàng xóm, cô y tá phường hay mẹ của một bạn cùng lớp ở nhà trẻ. Trên thực tế, các ông bố "gà trống nuôi con" rất hay nhận được sự cảm thông và giúp đỡ của người xung quanh.

Rất nhiều khi người trợ giúp bạn lại là... chính con bạn. Cháu sẽ nhắc bạn cần làm thế nào thì tốt nhất, hay nấu món gì thì cháu thích... Thậm chí, con gái còn giúp được bạn những việc đơn giản trong nhà.

Không nhất thiết phải dành toàn bộ thời gian vào việc chăm sóc con một cách tỉ mỉ. Bạn có thể cho con đi cùng mình tới gặp đối tác bàn về việc hợp tác nào đó hay đến nhà ai đó chơi, thư giãn. Nên cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, có thể bạn mới đủ sức khỏe và tinh thần để phục vụ và chăm sóc con gái.

Theo Me&Be
Chia sẻ