Ép con đi du học cho… rảnh nợ

Đất Việt,
Chia sẻ

Quá nhiều phen ê mặt vì cậu con trai ăn chơi, quậy phá, vợ chồng anh Kính quyết định tống nó đi du học cho khuất mắt.

Du học là ước mơ của đa số bạn trẻ, nhưng nhiều cô cậu dù không muốn cũng bị bố mẹ bắt đi. Không phải ai ép con đi học nước ngoài cũng vì lý do muốn con thành tài, có tương lai rạng rỡ.

Được du học vì quá… hư

Không chỉ đốt hàng đống tiền của bố mẹ, Thiên, con trai anh Kính (thành phố Vinh, Nghệ An) còn thường xuyên làm song thân nhục nhã với họ hàng, làng xóm vì thành tích quậy tung trời.

Thiên học cấp ba, vợ chồng anh Kính nhiều lần bị ban giám hiệu trường con gọi đến để “tố” về việc cậu đánh bạn, phá cửa, chặt cây cối trong trường… Họ cũng vô số lần đi chuộc xe của cậu bị công an giữ vì tội lạng lách, vượt đèn đỏ, hay ký giấy bảo lãnh cho con sau những đợt đua xe. Được bạn bè hỏi thăm khi rời trụ sở công an, Thiên hơn hớn: “Muỗi! Ông bà già kiểu gì chả câu tao ra. Thỉnh thoảng vào đó trêu cho họ tức điên lên cũng khoái”. Rồi cậu ấm vênh váo “khoe” cách đấy ít hôm đã cố tình không đội mũ bảo hiểm lượn qua mấy anh cảnh sát giao thông để cho họ đuổi theo, rồi sau đó nhờ tài quái xế mà lừa cho họ lao xe xuống cống, ngã gãy cả chân. Không biết chuyện thật hay bịa nhưng lũ bạn cũng vỗ tay ầm ĩ, khiến Thiên càng thấy mình là anh hùng.
 
Ảnh minh họa

Thiên thi đại học ba năm không đậu, ngoài thi ra chỉ chơi và quậy. Không chịu nổi, vợ chồng anh Kính bắt con trai đi học một trường ở Australia, mặc cho cậu chàng từ chối quyết liệt rằng “thà chết không chịu đi đày”, chắc vì không muốn xa “chiến hữu”. Nhưng cuối cùng Thiên cũng vui vẻ xách ba lô ra đi vì nhận ra rằng khi du học, cậu chẳng những biết đó biết đây mà còn thoát khỏi sự kìm hãm của phụ huynh, tiền bố mẹ gửi sang cứ việc tiêu xả láng…

Cho con đi xa để dễ… cặp bồ

Khi mẹ mất, Tùng (quận 5 TP HCM) biết ông bố đại gia của mình kiểu gì cũng có người khác, nhưng cậu không chịu nổi khi điều đó xảy ra lúc chưa đến tuần 49 ngày. Tệ hơn, ông bố không “chuyên chú” vào một cô mà liên tục thay đổi tình nhân, toàn các cô khêu gợi đáng tuổi con mình.

Bóng gió cạnh khóe bố không ăn thua, Tùng uống say để mượn rượu mắng ông là bội bạc, sa đọa, dâm dục… và ăn mấy cái tát nảy đom đóm mắt. Hôm sau, ông bố lại ra sức thanh minh, nịnh nọt con trai, cho nhiều tiền để xoa dịu. Chán quá, cậu chẳng thiết đến học hành, thỉnh thoảng lên giảng đường cũng chỉ để cho vui. Đêm, cậu đến quán bar, vũ trường hết nhảy đến uống, say mèm mới về nhà quát bố ầm ĩ, hôm nào có “chân dài” của bố thì cậu chỉ mắng mấy câu rồi cười cợt quay sang cô gái để trêu chọc, mỉa mai.

Vì thế, ông bố rất sợ Tùng. Nhân tiện Tùng bị đuổi học vì nghỉ và nợ môn quá nhiều, ông sắp xếp cho cậu đi du học, bảo cậu cần chu cấp bao nhiêu tiền cũng được. Biết bố muốn đẩy mình đi để bồ bịch cho thoải mái, lúc đầu Tùng phẫn nộ, nhưng sau tặc lưỡi đồng ý vì cậu cũng chẳng muốn hằng ngày chứng kiến cách sống sa đọa của ông.

Hám du học, làm khổ con

Ngay cả những phụ huynh ép con du học để thành tài cũng có khi làm hại con, như trường hợp của Hạnh, 20 tuổi, nhà ở Hải Phòng. Hồi phổ thông, Hạnh học rất bình thường, phải rất chăm chỉ cộng thêm chút may mắn mới đỗ vào một trường đại học có điểm số thấp. Chưa được một kỳ, bố mẹ đã tuyên bố sẽ cho cô đi học châu Âu. Hạnh từ chối vì biết mình học lực yếu, ngoại ngữ cũng rất xoàng, nhưng phụ huynh vẫn kiên quyết: “Ngoại ngữ kém, sang đó sống với họ sẽ giỏi ngay thôi. Còn chương trình học cứ cố là được. Con phải kiếm cái bằng ngoại thì sau này mới có việc làm tốt”.

Sau hai năm, Hạnh khóc lóc đòi về bằng được bởi cô không theo nổi, nhiều bữa trốn học nằm nhà hoặc đi lang thang vì rất sợ cảnh ngồi nghe giảng như vịt nghe sấm, tài liệu nghiên cứu thì nhìn là chóng cả mặt. Đón Hạnh ở sân bay, nhìn con tiều tụy, thất thần, bố mẹ mới xót xa ân hận.

Còn Phương Lan (quận Long Biên, Hà Nội) vốn là học sinh giỏi suốt những năm phổ thông, nhưng khi bố mẹ bảo đi du học thì vẫn phát hoảng, vì cô vốn nhút nhát, sống khép kín, rất sợ môi trường xa lạ. Sợ phí hoài tài năng của con nếu học trong nước, bố mẹ dùng đủ chiêu từ ép buộc đến khóc lóc để ép, để rồi sau một năm rưỡi, họ phải đón con về chữa bệnh, bởi Phương Lan bị trầm cảm nặng. Đã kém giao tiếp, cô còn tự ti về vóc dáng nhỏ bé giữa những người phương Tây cao lớn nên càng khó hòa nhập, không có bạn bè, luôn khổ sở vì cô đơn, nhớ nhà. Sau khi trở về, cô phải điều trị tâm lý một thời gian.

Tiến sĩ  Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tu Na (Hà Nội) cho biết cơ sở này từng tiếp nhận và trị liệu cho rất nhiều thanh thiếu niên bị rối loạn tâm lý do đi du học, bởi các em không thích nghi được với cuộc sống xứ người. Có thể do học yếu, kém ngoại ngữ, hay do kém thích ứng với nền văn hóa lạ, khả năng tự lập thấp… các em lâm vào tình trạng lo âu, chán nản, khủng hoảng tâm lý. Vì thế, cha mẹ không nên để con đi du học khi con không muốn, thiếu tự tin và chưa sẵn sàng cả về kiến thức lẫn tâm lý.

Còn với những trường hợp du học theo ý bố mẹ không vì mục đích học hành như Tùng và Thiên, hậu quả rất dễ nhận ra: Cả hai cậu đều ngày càng sa ngã, không chỉ làm cho người khác chán ghét, thất vọng mà chính các cậu cũng mất hết niềm tin vào bản thân và cuộc đời, tương lai.

Chia sẻ