Ép con ăn: hậu quả khó lường

Theo PNO,
Chia sẻ

Với mong muốn con “ăn nhiều, chóng lớn”, cao to, mạnh khỏe, nhiều bậc cha mẹ đã nghĩ ra đủ chiêu, trò “dụ” con ăn, thậm chí dọa nạt, đánh cho trẻ khóc để... dễ đút thức ăn.

Hậu quả, phương pháp thiếu khoa học này đã khiến nhiều trẻ bị sặc thức ăn, ngưng tim, ngưng thở, thậm chí tử vong.

Bỏ trẻ vào máy giặt để... ép ăn

Mới đây, dù các bác sĩ (BS) tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM nỗ lực cấp cứu nhưng bé trai Ng.B.N., 11 tháng tuổi (ngụ Q.Gò Vấp) đã tử vong vì sặc cháo. Các BS Khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1 cho biết, cháu N. bị sặc cháo vì có thểngười giữ trẻ đã thúc ép khi bé không chịu ăn. Đây là nguyên nhân khiến cháo rơi vào đường thở, gây co thắt thanh quản, dẫn đến ngưng tim, ngưng thở và tử vong.

Thực tế, các nhóm trẻ, trường mầm non… hay ép trẻ ăn, nhằm đảm bảo “trẻ luôn phát triển tốt khi gửi tại nhà trẻ”. BS Đinh Tấn Phương - Phó Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 cho biết, BV này từng tiếp nhận nhiều trẻ bị sặc thức ăn dẫn đến tình trạng nguy kịch. Khoa Cấp cứu từng tiếp nhận một bệnh nhi bị tím tái sau khi một cô giáo ở trường mầm non đút thức ăn xoay vòng… cấp tốc cùng lúc cho bảy cháu. Bệnh nhi này dù chán ăn nhưng sợ cô giáo nên đã nín thở để nuốt thức ăn.

Mỗi năm, Khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận không dưới 10 trường hợp trẻ bị sặc thức ăn, nước uống, chủ yếu do cha mẹ các cháu gây ra. Cách đây không lâu, BV Nhi Đồng 1 cứu sống bệnh nhi Ng.H.L., sáu tháng tuổi bị tím tái, ngưng thở do người nhà đánh trẻ khóc để dễ… đút cháo. Tại BV, cháu L. phải đặt nội khí quản giúp thở, chống tình trạng thiếu oxy trong máu, dùng kháng sinh điều trị viêm phổi… Các BS giải thích, lúc trẻ khóc thì phản xạ vùng hầu họng mở ra, thức ăn, nước uống sẽ không vào đường tiêu hóa mà rơi vào đường thở, khiến thanh quản có phản xạ co thắt và trẻ bị dị vật đường thở, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Trương Quốc Cường -Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 - cho biết, BV này tiếp nhận nhiều phụ huynh dẫn trẻ đến điều trị tâm lý vì sợ ăn, nôn ói ngay khi thấy người nhà cầm chén muỗng. Thậm chí, có phụ huynh đã để trẻ vào máy giặt, dọa bấm nút cho xoay, khiến trẻ sợ đến… hả họng ra để đút thức ăn.
 

Không có bệnh biếng ăn

Tại trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM mỗi ngày có nhiều bà mẹ tìm đến nhờ BS tư vấn loại thuốc nào để trị chứng biếng ăn, cách thức giúp con có chiều cao lý tưởng. Các BS cho biết, khi thấy trẻ biếng ăn, phải cho trẻ đi khám để biết nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân do tâm lý, trẻ biếng ăn còn có thể do mắc bệnh (tim bẩm sinh, viêm phổi, viêm họng, tiêu chảy cấp…) hay do thiếu vi chất (vitamin, thiếu máu do thiếu sắt)... Phụ huynh không nên mua thuốc chống biếng ăn cho trẻ, nhất là thuốc không có nguồn gốc rõ ràng. Chưa kể, ngay cả một số loại thuốc dù được phép lưu hành nhưng phải điều trị đúng lứa tuổi, vì có thể gây hạ đường huyết ở trẻ nhỏ.

BS Trần Thị Minh Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - tư vấn, thật sự không có thuốc nào gọi là điều trị biếng ăn và cũng không có bệnh biếng ăn. Biếng ăn là biểu hiện của tâm lý sợ ăn, kén ăn, thức ăn không hợp khẩu vị, hay bé mọc răng, sốt, rối loạn tiêu hóa… Do đó, nếu trẻ biếng ăn mà tìm mua thuốc tăng cân, thuốc tăng chiều cao thì không giải quyết được vấn đề. Bản chất các thuốc này chỉ mang tính hỗ trợ, kích thích trẻ chịu ăn. Vì vậy, phụ huynh thúc con ăn để mong có chiều cao lý tưởng thì sẽ khó đạt được.

Cần biết, yếu tố di truyền ảnh hưởng rất lớn đến chiều cao của cơ thể. Nếu ba mẹ, ông bà của trẻ vốn thấp lùn thì việc bổ sung chế độ dinh dưỡng tốt cũng chỉ tăng thêm chút ít chiều cao. Nhưng nếu ba mẹ của trẻ vốn bị thấp lùn do lúc nhỏ suy dinh dưỡng, thiếu ăn… thì chế độ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ “phục hồi” lại chiều cao mà các thế hệ trước không đạt được. Riêng với những trẻ bị cha mẹ ép ăn, nếu ăn quá nhiều so với nhu cầu cơ thể thì sẽ có nguy cơ bị béo phì.

Theo BS Trần Thị Minh Hạnh, ngoài chế độ dinh dưỡng, để tăng tối đa chiều cao, trẻ cần được vận động ngay từ lúc biết bò, biết lật và nên cho trẻ vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày. Đồng thời, cho trẻ ngủ đủ giờ và ngủ thật sâu, nhất là vào ban đêm vì đây là thời điểm hormon tăng trưởng chiều cao hoạt động mạnh nhất. Ngoài ra, cần cho trẻ phơi nắng mỗi ngày 15 phút, giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, góp phần hấp thu thêm canxi, giúp cơ xương phát triển tốt hơn. Mặt khác, phụ huynh cần phải chích ngừa đầy đủ cho trẻ, tránh các bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng… dẫn đến tiêu hao năng lượng, ảnh hưởng chiều cao, cân nặng của trẻ.

Chia sẻ